Báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng đưa tin, người dùng mạng xã hội Nhật Bản đang rơi vào tình trạng lo sợ thái quá sau khi một loạt cá vốn sống ở vùng nước sâu – loại cá được cho là báo hiệu thảm hoạ thiên nhiên sắp ập tới, được phát hiện mắc trong lưới đánh cá ở ngoài khơi Imizu, phía bắc bờ biển thành phố Toyama. Con cá chết này sau đó được đưa tới bể cá Uozu ở gần đó để nghiên cứu.

{keywords}
 

Hai con cá mái chèo khác cũng được phát hiện ở Vịnh Toyama trước đó 9 ngày. Năm 2015, có bốn con cá mái chèo được phát hiện ở Vịnh Toyama – con số kỷ lục. Tuy nhiên, số cá loại này xuất hiện trong năm nay có thể vượt mức năm 2015.

Cá mái chèo, với đặc điểm nhận dạng là thân dài màu bạc, vây đỏ, thường sống ở vùng nước sâu và hiếm khi nổi lên. Theo truyền thuyết, khi nó nổi lên vùng nước nông, thảm hoạ đang tới rất gần. Theo tiếng Nhật, cá này có tên là ryugu no tukai – nghĩa là sứ giả từ cung điện của Vua rồng – ám chỉ mối liên quan của nó với những thảm hoạ từng xảy ra trước đây.

Theo truyền thuyết, loại cá này nổi lên mặt nước và tiến vào bờ trước thềm một trận động đất. Điều này cũng trùng với các lý thuyết khoa học rằng những loại cá sống ở dưới đáy biển rất dễ nhận biết các dịch chuyển của đường đứt gẫy địa tầng và hành động khác biệt trước khi một trận động đất xảy ra.

Hiroyuki Motomura, giáo sư ngư học tại Đại học Kagoshima lý giải: “Tôi cho rằng những loại cá sống ở vùng nước sâu có xu hướng nổi lên mặt nước khi điều kiện sống của nó xấu đi. Việc nổi lên trên dòng chảy là lý do chúng thường chết khi được tìm thấy.

Mối liên quan của nó với động đất có từ rất, rất nhiều năm trước, và không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó, nên tôi cho rằng mọi người không phải lo lắng”.

Dù vậy, danh tiếng báo điềm xấu của cá mái chèo vẫn tăng lên sau khi 10 con cá loại này bị dạt vào bờ biển phía bắc Nhật Bản năm 2010. Tới tháng 3/2011, động đất 9 độ tấn công phía đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần khiến gần 19.000 người chết, phá huỷ nhà máy hạt nhân Fukushima.

Hoài Linh