Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn.
Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất, thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trưởng để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản.
Vì vậy, Diễn đàn lần này nhằm tìm câu trả lời thế nào là người nông dân chuyên nghiệp, người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp cùng những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản. Các chính sách hỗ trợ lĩnh vực "tam nông" để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Thúc đẩy liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân với nông dân để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, đào tạo nghề để nâng cao trình độ cho nông dân, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, có kiến thức giới thiệu, quảng bá, tiếp thị… để xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp.
Về vấn đề tri thức hóa cho nông dân, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng để giải quyết vấn đề này thì phải xuất phát từ những nghịch lý trong sản xuất hiện nay mà chúng ta cần hỗ trợ nông dân là gì. Ví dụ, nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng lại không hiểu khái niệm này hoặc họ rất khó tiếp cận với thị trường; hay năng suất nông nghiệp tăng cao nhưng thu nhập của nông dân không tăng hoặc tăng rất chậm; hay nông dân cần áp dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường khoa học kỹ thuật nhưng việc tiếp cận thị trường này rất khó... cùng rất nhiều các nghịch lý khác. Đây là những vấn đề cần xem xét để có giải pháp hỗ trợ người nông dân.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, khủng hoảng và xung đột trên thế giới, nhưng năm 2021, nông nghiệp nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt 2,98%. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục với 48,6 tỷ USD; 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, xuất siêu 6,4 tỷ USD. Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hạnh phúc.
Đến nay, cả nước có hơn 71% xã và hơn 39% đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch nước, những thành tựu đó có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng trong lĩnh vực "tam nông", bên cạnh thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hoá; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp…
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị Diễn đàn cùng thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước.
Thu Hằng HP, Hà Sơn, Xuân An