Mới đây, chị Phùng Thị Ngân, 53 tuổi ở Hoài Đức, Hà Nội sinh mổ bé trai 2,7 kg tại BV Phụ sản Hà Nội khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Chị Ngân mang thai lần đầu ở tuổi 23, hạ sinh cậu con trai kháu khỉnh và sau đó sinh tiếp 1 bé gái. Tuy nhiên 21 năm sau, vợ chồng chị đột ngột mất đi cậu con trai do tai nạn giao thông.

{keywords}
Bé trai chào đời với cân nặng 2,7 kg


Từ đây, khao khát có thêm 1 người con của 2 vợ chồng chị ngày càng lớn, tuy nhiên chị đã tắt kinh nguyệt từ năm 46 tuổi. Khi biết ý định có thêm con, không ít người đã ra sức can ngăn, lo chị không đủ sức khoẻ, lo khó đậu thai, lo mang thai sẽ nguy hiểm cả mẹ lẫn con...

Cách đây 3 năm, nhờ đọc tin tức về trường hợp cô giáo 60 tuổi ở Bắc Giang vẫn mang thai, sinh con khoẻ mạnh, vợ chồng chị càng có thêm động lực, quyết thử vận may.

Sau khi tư vấn nhiều nơi, vợ chồng chị quyết định làm thụ tinh nhân tạo tại một bệnh viện hiếm muộn tư nhân ở Hà Nội.

Tuy nhiên, do chị mãn kinh nhiều năm nên buồng trứng đã teo lại. Vì vậy vợ chồng chị quyết định xin trứng để làm thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của chồng, sau đó cấy phôi trở lại tử cung của chị Ngân.

Để chuẩn bị cho quá trình mang thai, các bác sĩ đã dành gần 1 năm để bệnh nhân chuẩn bị sức khoẻ, uống các thuốc nội tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình “làm tổ”.

Tháng 9/2018, chị Ngân được cấy phôi, may mắn thành công ngay ở lần đầu tiên. Khi biết phôi đã đậu, vợ chồng chị vỡ oà hạnh phúc.

Do mang thai ở độ tuổi khá cao nên bác sĩ phải theo sát mọi hoạt động, từ tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt đến chỉ số đường huyết. Đến tuần thứ 12, chị Ngân bị doạ sảy thai, ra máu nhưng nhờ được điều trị kịp thời nên thai phát triển khoẻ mạnh.

Đến tháng 5/2019, khi thai được hơn 37 tuần, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai.

Câu chuyện của Ngân tiếp tục tiếp thêm nhiều hy vọng cho những cặp vợ chồng lớn tuổi nhưng chưa có con hoặc muốn có thêm con nhờ những tiến bộ của y học.

Làm thế nào để mãn kinh vẫn sinh con?

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, phụ nữ nhiều tuổi, đã mãn kinh muốn có con, có 2 khả năng.

Thứ nhất, nếu buồng trứng vẫn có nang noãn thì bác sĩ có thể tiêm kích thích trứng để trứng phát triển lại, tuy nhiên cũng có trường hợp kích được trứng nhưng trứng không thụ tinh được.

Nghiên cứu tại trung tâm cho thấy, với phụ nữ trên 40 tuổi, có tới 90% phôi tạo ra từ trứng của những phụ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành con được.

Thứ hai, với những trường hợp đã mãn kinh quá lâu, không còn khả năng sinh sản tự nhiên do buồng trứng đã teo lại, thậm chí tử cung cũng teo, kích trứng cũng vô tác dụng. Để có thai, cách duy nhất là xin noãn của phụ nữ khác để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ phải chỉ định dùng thuốc nội tiết vài chu kì để tái tạo niêm mạc dần dần, sau đó mới cấy phôi được.

Về thủ tục xin noãn, PGS Hà cho biết cần có sự đồng ý của cả 2 vợ chồng người cho và 2 vợ chồng người nhận. Sau đó cả 2 cặp có thể mang giấy tờ đến bất kỳ trung tâm hỗ trợ sinh sản nào để thực hiện. Các giấy tờ gồm CMND, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy cam kết cho – nhận.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

Kỳ tích, cô giáo 60 tuổi sinh quý tử, nuôi con bằng sữa mẹ

Kỳ tích, cô giáo 60 tuổi sinh quý tử, nuôi con bằng sữa mẹ

Bé trai chào đời khi cô Nguyệt đã 60 tuổi và đến nay tròn 18 tháng nhưng vẫn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.