Nhận định việc ăn nhậu đêm khuya là nguyên nhân khiến tình hình tội phạm giết người tăng cao, công an TPHCM đề xuất TP cần quy hoạch, hạn chế thời gian hoạt động của các quán nhậu.

Nhậu đêm thành “đặc sản” của Sài Gòn

Đại tá Trần Đức Tài, Phó GĐ Công an TP HCM thông tin, 6 tháng qua trên địa bàn TP các vụ giết người tăng cao. Trong đó 70 - 80% là do mâu thuẫn cá nhân trong cuộc sống, đặc biệt là khi ăn nhậu.

{keywords}
Hình ảnh quen thuộc trên đường phố Sài Gòn 
“Quán nhậu nhiều, nhậu bình dân tràn lan, chỗ nào cũng nhậu tạo cơ hội cho các băng nhóm tụ tập, gây hậu quả nghiêm trọng” - Đại tá Tài nói và đề xuất TP cần quy hoạch, hạn chế thời gian các quán nhậu về khuya.

Nhậu đêm, nhậu ở vỉa hè từ lâu đã được xem như “đặc sản” của người dân Sài Gòn. Có người còn nói đùa rằng “quán nhậu ở Sài Gòn còn nhiều hơn…người nhậu”.

Các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp), đường Nguyễn Tri Phương, Thành Thái và khu Bắc Hải (Q.10), đường Phạm Văn Đồng (kéo dài từ Q.Bình Thạnh tới Q.Thủ Đức), đường Nguyễn Trãi (Q.5)…là những nơi đông quán nhậu đêm.

23h30 ngày 24/6, hàng chục quán nhậu dọc các tuyến đường thắp đèn sáng cả góc phố. Bên trong thực khách cầm ly chúc tụng nhau cười nói ồn ào, náo nhiệt. Vỉa hè cũng được nhiều chủ quán biến thành địa điểm ăn nhậu và gửi xe.

“Có lần đi về khuya, thấy người mặc áo vàng nhào ra đường Phạm Văn Đồng, tôi cứ ngỡ CSGT kiểm tra. Ai ngờ là nhân viên quán nhậu “bắt khách”. May là chạy xe chậm chứ không đã đâm vào họ rồi” - anh Nguyễn Văn Thành (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) nói.

Khó thực hiện?

Có lẽ khốn khổ hơn hết là những người dân sống gần các quán nhậu đêm. Thỉnh thoảng người bán kẹo kéo với chiếc loa thùng to tướng mở nhạc hát hò góp phần “tra tấn” người dân.

{keywords}

Việc hạn chế nhậu đêm đòi hỏi phải có sự xem xét cẩn trọng.

"Nhiều hôm tới 1h sáng mà vẫn nghe tiếng nhạc rồi họ hát hò, cười nói ầm ĩ. Cả ngày đi làm vất vả mà tối muốn có giấc ngủ ngon cũng không được, chị Hà sống trên đường Hoàng Sa (Q.3)" chia sẻ.

Cũng theo chị Hà, thỉnh thoảng có công an đi kiểm tra, khi ấy không ai hát hò hay to tiếng nữa. Nhưng chỉ cần công an vừa khuất bóng là mọi thứ lại trở về như cũ.

"Nhiều người khi đã lè nhè vẫn cố mời nhau thêm ly nữa. Khi say thì chửi tục, đánh nhau. Người hết nôn ọe lại đi tiểu vào các gốc cây, bờ tường xung quanh khiến mùi hôi khó chịu. Tôi ủng hộ việc hạn chế thời gian nhậu đêm..."  anh Nguyễn Văn Đồng (40 tuổi, ngụ Thủ Đức) nói.

Đã có hàng chục vụ ẩu đả, thậm chí là giết người sau những chầu nhậu đêm. Chỉ vì phút bốc đồng khi sẵn hơi men, nhiều người đã phạm tội giết người, dù trước đó, cả hung thủ và nạn nhân đang ngồi chung bàn nhậu.

Nguyễn Tiến Thành (27 tuổi), Trần Hữu Nghị (21 tuổi) và Đào Ngọc Thỏa (28 tuổi) đều là sinh viên đang theo học một trường Đại học ở TPHCM nhưng khi nhậu đêm rồi gây gổ đánh nhau khiến 1 người thợ hồ tử vong.

Cự cãi khi nhắc nhở nhóm nhậu gây ồn ào, ông Nguyễn Văn Son (50 tuổi, ngụ Q.8) dùng dao đâm chết nam thanh niên 16 trong nhóm này.

Theo tìm hiểu, từ khi biết công an có đề xuất “siết” thời gian nhậu đêm, anh Hoàng Xuân Thắng, chủ quán nướng đường Phạm Văn Đồng lo lắng bởi từ xưa tới nay, người dân Sài Gòn luôn có thói quen ăn nhậu về đêm, nếu giờ hạn chế sẽ gây khó cho việc kinh doanh.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Cường - chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Trãi cho rằng nhậu ở vỉa hè là nét văn hóa lâu nay của người dân TP, nên giờ đưa ra quy định cấm thì chưa thật sự phù hợp.

"Thành phố có thể quy hoạch lại khu ăn uống, nhậu khuya dành cho du khách ở khu trung tâm, chứ cấm thì không ổn. Nếu quy hoạch tốt thì dễ quản lý..." - anh Cường nêu quan điểm.

Còn theo ý kiến của nhiều chủ quán và khách hàng trên đường Trường Sa, hiện chưa có văn bản pháp luật cấm người dân ăn, sử dụng các loại uống có cồn vào đêm khuya, nên việc cấm khó khả thi. Thậm chí một số người còn cho rằng, việc cấm này (nếu được áp dụng) cho thấy sự yếu kém trong quản lý của cơ quan chức năng.         

Văn Đức