Phong cách của Lưu Huỳnh
Được khởi quay vào khoảng tháng 4/2016, Người tình từng được dự kiến phát hành vào năm 2018. Tuy nhiên kế hoạch phát hành thay đổi vì phim trải qua nhiều lần chỉnh sửa theo yêu cầu của Cục Điện ảnh. Nguyên nhân đến từ những cảnh quay thiếu vải dày đặc suốt thời lượng phim.
Bản phim ra rạp cuối cùng vào ngày 18/2 đã điều chỉnh khá nhiều với lượng cảnh nóng được tiết chế hợp lý nhưng vẫn đủ khiến người xem đỏ mặt.
Trong các bộ phim của đạo diễn Lưu Huỳnh luôn có hình ảnh thiếu vải, gợi dục và Người tình là sản phẩm táo bạo nhất. Tuy nhiên các phân đoạn nhạy cảm hay khỏa thân được xử lý ánh sáng, góc máy tương đối tốt.
Tuy nhiên, xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Lưu Huỳnh lại luôn chọn góc nhìn quá tối tăm để kể chuyện. Mọi thứ trong phim của ông chưa từng mang màu sắc sang trọng hay tươi sáng. Tất cả đều đượm buồn, tràn ngập bi kịch.
Ở Người tình, Lưu Huỳnh sử dụng bối cảnh là một xóm lao động nghèo ở quận 8, TP.HCM để tăng độ bi thảm cho nhân vật Sơn. Dù đạo diễn sử dụng tốt ngôn ngữ điện ảnh, người xem vẫn cảm thấy khó thoải mái khi thưởng thức bộ phim vì không khí quá nặng nề.
Điểm hạn chế của Người tình còn là phần lời thoại lạm dụng các câu nói tục. Từ bộ phim đầu tiên Áo lụa Hà Đông được khen ngợi hay Người tình, lời thoại trong phim Lưu Huỳnh đều khó tiếp cận khán giả đại chúng.
Hình ảnh Minh Tú trong Người tình. |
Cảnh 18+ của Minh Tú
Ngay từ lúc dự án được giới thiệu từ gần 6 năm về trước, Minh Tú luôn là "chất liệu truyền thông" được sử dụng nhiều nhất, chứ không phải là câu chuyện chính. Và dĩ nhiên mọi thứ được nhắc về bộ phim cũng là loạt cảnh nóng trần trụi. Chính vì vậy, mọi sự chú ý và mong đợi đè nặng lên vai của nữ siêu mẫu.
Thực tế, Minh Tú chỉ là vai phụ mờ nhạt trong tuyến truyện của hai nam chính do Đức Hải và Hà Việt Dũng thủ vai. Hay nói khác hơn, nàng Thúy Liễu cũng giống như một con ma-nơ-canh vô hồn được trưng bày để quảng cáo cho quần áo mà thôi. Vai diễn Diễm Tình trong cuộc tình tay tư không khác gì các cô nàng dễ dụ.
Nhắc về nhật vật Thúy Liễu, người xem có lẽ nhớ vóc dáng bốc lửa của siêu mẫu nhiều hơn. Còn lại, diễn xuất của cô quá gượng gạo và đài từ tệ với quãng ngắt nghỉ không hợp lý.
Hậu quả, Người tình đã có pha truyền thông đi sai từ ngày đầu tiên, bán sai nội dung, dẫn đến tạo mong đợi sai lệch nơi khán giả. Chắc chắn, 80% người xem sẽ thất vọng vì nhân vật của Minh Tú quá mờ nhạt. Điều đã xảy ra tương tự với một phim ra mắt gần đây là Rừng thế mạng, khi dùng kinh dị, tâm linh để tiếp thị từ đầu đến cuối. Đến khi ra mắt, đây chỉ là một phim tâm lý, giật gân.
Minh Tú và Hà Việt Dũng trong một cảnh phim. |
Góc nhìn lạc hậu và cực đoan về LGBTQ+
Không xoáy vào chuyện tình tay ba, tay tư, Người tình lại đi sâu về cộng đồng LGBTQ+. Số lượng phim về cộng đồng LGBTQ+ được thực hiện bởi đạo diễn "giới tính thẳng" không hiếm và thậm chí có những tác phẩm kinh điển như Dog Day Afternoon (đạo diễn Sidney Lumet), Angels in America (đạo diễn Mike Nichols), The Talented Mr. Ripley (đạo diễn Anthony Minghella), hay bộ đôi phim The Wedding Banquet và Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An… Dù câu chuyện có buồn hay vui, tất cả đều văn minh và mang đến nhiều cảm xúc khó quên cho khán giả.
Nhưng với Người tình, sự cực đoan trong góc nhìn của đạo diễn khiến Sơn do Đức Hải đóng gây ác cảm cho người xem. Sơn điên cuồng trong tình yêu, có thể làm mọi việc bất chấp đúng sai. Nhân vật này liên tục hãm hại Diễm Tình (Minh Tú đóng) để cô và chồng là Hưng (Hà Việt Dũng đóng) không ngừng mâu thuẫn dẫn đến chia tay.
Việc phá hoại, dùng mọi thủ đoạn để chiếm được người mình thương khiến cho người đồng tính trở nên xấu xí, mặc định hình tượng cứ "cứ thuộc giới tính thứ ba" là kẻ đốt phá gia đình người khác. Trong khi, tình yêu đích thực phải đến từ hai phía. Điều này có thể xảy ở bất cứ giới tính nào chứ không chỉ riêng cộng đồng LGBTQ+.
Góc nhìn này khiến cho Người tình lạc quẻ khi ra mắt vào năm 2022, thậm chí là còn tụt hậu so với các phim ngắn chiếu mạng cầu vồng do các nhóm làm phim trẻ tự thực hiện và phát miễn phí trên một số nền tảng trong hơn 10 năm trở lại đây.
Đạo diễn có cái nhìn cực đoan về LGBTQ+. |
Chưa dừng lại, chi tiết nhân vật của Đức Hải luôn khao khát được sống như phụ nữ với cài cắm việc tiêm hoocmon nữ mỗi ngày, mặc quần lót và đồ phụ nữ càng khiến Người tình thêm lạc hậu.
Ở năm 2016, thời điểm phim được quay, cộng đồng LGBTQ+ vốn đã rất cởi mở. Hương Giang Idol tự tin đi thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam vào năm 2010. Bùi Đình Hoài Sa sớm được biết đến khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp từ năm 2015. Và không chỉ người nổi tiếng, nhiều người chuyển giới hay đồng tính đều sống một cách công khai, có sự nghiệp ổn định, đời sống bình thường như bất cứ ai.
Giả sử, nếu cuối phim Hưng bị Sơn thuyết phục và đem lòng yêu anh, đạo diễn sẽ xử lý khát khao được sống như phụ nữ của Sơn như thế nào. Sơn có gồng mình để diễn mãi vai bạn thân trước mặt mọi người? Có lẽ, chuyện này chưa từng được đạo diễn Lưu Huỳnh nghĩ đến vì trai thẳng không bao giờ có thể động lòng với "bóng gió".
Nếu không tính Áo lụa Hà Đông hay Huyền thoại bất tử, những bộ phim về sau của đạo diễn Lưu Huỳnh đều thể hiện cái nhìn cực đoan về đời sống. Và Người tình tiếp tục nối dài danh sách các tác phẩm thất bại của nhà làm phim này.
(Theo Zing)
'Bẫy ngọt ngào': Hào nhoáng và hời hợt
Nội lực chưa đủ mạnh, cá tính riêng chưa rõ nét trong khi dễ bị cuốn theo các trào lưu, các xu hướng thịnh hành trên thế giới khiến các sản phẩm giải trí của Việt Nam cứ bắt chước nhau hoặc na ná một màu.