-  Sau khi trải nghiệm các hoạt động dành cho học sinh quốc tế, một nhóm học sinh năng động của Việt Nam đã tìm cách mở rộng trải nghiệm này tới bạn bè đồng trang lứa.

Những mô hình MUN trước đây chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên các trường quốc tế và chi phí tham gia khá cao – khoảng 3 triệu đồng, trong khi chi phí tham gia của chúng em chỉ có 300 nghìn đồng.

Mô hình mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN) là mô hình thu nhỏ các cuộc họp diễn ra tại trụ sở Liên Hợp quốc được các bạn trẻ từ 15-25 tuổi tự lên ý tưởng và tổ chức.

Khuất Minh Thu Giang (học sinh lớp 12, Trường Quốc tế Singapore) – trưởng ban tổ chức tổ chức Việt Nam – Hà Nội mô phỏng Liên Hợp Quốc (VNHNMUN) cho biết nhóm của em tổ chức hoạt động này theo mô hình của ĐH Harvard, nghĩa là sau khi kết thúc, ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các đại biểu xuất sắc.

Trước đó, tại Việt Nam, MUN cũng từng được tổ chức bởi học sinh Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội. “Tuy nhiên, hội thảo của bọn em khác với những mô hình Liên Hợp Quốc được tổ chức trước đây tại Việt Nam. Tại VNHNMUN, tất cả học sinh, sinh viên cả nước đều có thể đăng ký tham gia và có điều phối viên, thành viên ban tổ chức đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

{keywords}
“Hôm nay trong căn phòng này, tôi có một nhóm bạn đặc biệt gồm 100 học sinh, sinh viên và 25 thành viên trong ban tổ chức tới từ các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam đã tới tham dự hội thảo. Mặc dù khác nhau về quốc tịch, hoàn cảnh sống, nền tảng giáo dục và tôn giáo, nhưng tất cả chúng ta đều có một sân chơi chung là VNHNMUN 2015” – Tổng thư ký Khuất Minh Thu Giang nói trong phát biểu khai mạc. Ảnh: Taichi Kobayashi

Nữ sinh 18 tuổi cho biết, em cùng nhóm bạn đã ấp ủ ý tưởng và lên kế hoạch trong vòng nửa năm để tổ chức VNHNMUN chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày. Nhóm của Giang gồm có 25 bạn trẻ hiện đang là học sinh, sinh viên của các trường THPT, các trường quốc tế, đại học tại Việt Nam cũng như các du học sinh Anh, Mỹ, Nga, Ấn Độ.

Theo chia sẻ của Thu Giang, thành viên ban tổ chức đều là những bạn có khả năng nói tiếng Anh tốt, đã có kinh nghiệm tham gia các hội thảo MUN trong và ngoài nước cũng như các hoạt động xã hội khác. Bản thân Thu Giang là trưởng ban tổ chức kiêm vị trí Tổng thư ký của VNHNMUN. Cô gái năng động này đã từng tham dự : hội thảo mô phỏng Liên Hợp Quốc do Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc tổ chức, sự kiện lãnh đạo trẻ châu Á Thái Bình Dương.

{keywords}
Không khí phòng họp Đại hội đồng. Ảnh: Taichi Kobayashi

{keywords}
Các đại biểu đại diện cho các quốc gia tham gia thảo luận. Ảnh: Taichi Kobayashi

Trong số 25 thành viên ban tổ chức, có 1 Tổng thư ký, 4 trưởng nhóm và các chủ tọa ở mỗi phòng Ủy ban. Mỗi trưởng nhóm phụ trách một mảng: nội dung, hậu cần, tài chính, quan hệ truyền thông. Ở mỗi mảng này đều có một vài thành viên hỗ trợ trưởng nhóm. Ngoài ra, còn có chủ tọa các phòng: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và xã hội, các tổ chức phi Chính phủ.

Hội thảo gồm có 100 bạn trẻ tham dự, đóng vai là các đại biểu đại diện cho khoảng 40 quốc gia. “Mỗi bạn sẽ đại diện cho một quốc gia, nhưng ở mỗi phòng họp khác nhau có thể sẽ có đại diện của cùng một nước, nên có 100 đại biểu nhưng chỉ có 40 quốc gia” – Thu Giang giải thích về cách thức hoạt động của hội thảo.

Sau phần tuyên bố khai mạc của Tổng thư ký, hội thảo bắt đầu bằng bài phát biểu giới thiệu của mỗi nước ở trong các phòng Ủy ban. Sau đó, các nước có chung mối quan tâm đến một trong những vấn đề mà Ban Nội dung chọn ra sẽ cùng nhau bàn bạc, thảo luận để đưa ra một bản nghị quyết hoàn chỉnh. Do các nước có thể có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải quyết vấn đề, nên các đại biểu cần phải vận động hành lang và dùng kỹ năng đàm phán, ngoại giao để đạt được thỏa thuận từ các bên.

{keywords}
Đại biểu của Việt Nam trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Taichi Kobayashi

“Mọi thành viên trong Ủy ban đều đọc bản nghị quyết và bất kỳ nước nào có ý kiến thuận hoặc bất bình với điều khoản trong nghị quyết sẽ giơ thẻ tên nước lên để được mời lên nói. Khi thời gian tranh luận kết thúc, các đại biểu sẽ tiến hành bỏ phiếu cho nghị quyết đó” .

“Mục tiêu của bọn em khi tổ chức hoạt động này là muốn tạo một sân chơi để các bạn học sinh, sinh viên rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng thuyết trình cũng như nâng cao hiểu biết về các vấn đề kinh tế, chính trị trong nước cũng như thế giới. VNHNMUN năm nay sẽ bàn về một số vấn đề như: nguồn nước sạch ở các quốc gia đang phát triển, tham nhũng…” – Thu Giang chia sẻ.

{keywords}
Một đại biểu đang nêu quan điểm của mình. Ảnh: Taichi Kobayashi

Được biết, nhóm của Giang đã nhận được khoảng 200 hồ sơ đăng ký tham gia, nhưng các bạn chỉ chọn ra 100 hồ sơ dựa trên bài luận tiếng Anh, trình bày hiểu biết và quan điểm về các vấn đề hiện nay của Việt Nam cũng như thế giới.

“Em nghĩ rằng, người Việt trẻ bây giờ cần phải có kỹ năng làm việc nhóm, suy nghĩ độc lập, biết sàng lọc thông tin, biết nói lên ý kiến của mình và bảo vệ ý kiến đó. Để làm được gì đó cho nước nhà, các bạn trẻ cũng cần phải quan tâm tới các vấn đề chính trị, xã hội nhiều hơn để hiểu về Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới” – Thu Giang nói.

  • Nguyễn Thảo