Nhưng có thật người trẻ chúng tôi chỉ toàn làm những trò nhí nhố, vô bổ?
|
Nhóm Hướng nghiệp miền Tây đang hướng dẫn các em học sinh ở Tịnh Biên, An Giang về định hướng nghề nghiệp. |
Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng các nhóm thiện nguyện hoạt động chính thức hoặc tự phát. Tuy nhiên, nếu thử vào Google và tìm từ khoá “Nhóm tình nguyện TP.HCM” sẽ nhận về con số 3.880.000 kết quả chỉ trong 0,29 giây. Trong năm 2011 và đầu năm 2012, có hai cuộc triển lãm Vì môi trường xanh ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) và công viên Lê Thị Riêng (quận 10), mỗi cuộc triển lãm đều tập trung hàng chục nhóm tình nguyện tham gia giới thiệu về mình.
Quy mô lớn có thể nhắc tới những câu lạc bộ tình nguyện của các cơ quan báo đài hoặc đoàn thể với số lượng tình nguyện viên có thể từ vài trăm đến vài ngàn bạn trẻ. Quy mô nhỏ hơn có thể kể đến những nhóm tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng, hoặc của những cá nhân thành lập với tâm nguyện riêng. Đó cũng có thể là nhóm sinh viên đồng hương hoặc đơn giản chỉ là tập hợp những nhóm bạn thường gặp nhau trên các diễn đàn... Còn nội dung hoạt động chủ yếu nhắm đến con người, mà đối tượng thường là trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật, những bệnh nhi của các căn bệnh hiểm nghèo; học sinh các vùng quê đang loay hoay tìm định hướng nghề nghiệp; những người già, neo đơn, người nghèo… và cả việc bảo vệ là thiên nhiên và văn hoá. Rất nhiều tình nguyện viên mà tôi biết tham gia công tác thiện nguyện trước hết vì tính nhân ái của công việc, và còn vì họ thấy phù hợp với khả năng đóng góp của mình. Tôi vẫn nhớ đến nhiều bạn đến từ những tỉnh xa và khó nghèo như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các bạn vào Sài Gòn ở nhà trọ để học đại học, phải vừa bươn chải làm thêm, vừa căng thẳng với bài vở ở trường, vừa mệt mỏi với cơm – áo – gạo – tiền nhưng hàng tuần các bạn ấy vẫn đến chơi với các bệnh nhi; chưa một lần cân đo, đong đếm những gì cho đi. Các bạn vẫn luôn tự hào về kho báu quý giá mà các bạn nhận về – đó là tinh thần dũng cảm của các bệnh nhi ung thư, là những nụ cười vượt lên mọi đau đớn của các em và gia đình.
Cũng có lần, tôi thử trải nghiệm việc vượt qua những cung đường thật khó khăn để cùng một nhóm tình nguyện đi đến các vùng xa vùng sâu… chỉ để tặng người dân nghèo những cuốn sách, những bộ quần áo, những thùng mì. Dù quà tặng đơn sơ, với những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn nhưng chúng tôi được nhận lại về chính là nét mặt rạng ngời của những đứa trẻ và những người dân lam lũ nơi đó. Lấp lánh trong những nét mặt đó, tôi đọc thấy một niềm tin vào cuộc sống, vào tình người.
Và còn nhiều nữa những hành động cụ thể, những tình cảm chân thành… mà chúng tôi đã trao đi, đã chia sẻ. Chúng tôi không chọn cách sống mòn mà chọn một cách sống có định hướng mà chúng tôi nghĩ phù hợp nhất là đến với các hoạt động thiện nguyện để chia sẻ bất hạnh, nỗi đau cùng đồng loại, vì một môi trường sống xanh cho tất cả mọi người... Điều này là có thật, và hãy tin chúng tôi, những người trẻ.
(Theo Phương Thảo/ Sài gòn tiếp thị)
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TP.HCM hiện có khoảng trên mười nhóm tình nguyện đang duy trì hoạt động thường xuyên, có thể kể tên như: Ngàn hạc giấy, Những ước mơ xanh, 350.Org, Mùa hè xanh, câu lạc bộ Môi trường xanh, Thế hệ xanh, Lửa yêu thương, Be Change Agents Miền Nam (BCA), Hướng nghiệp miền Tây, Đom đóm, Sức trẻ, Nụ cười của Ben (BSC)... bên cạnh các câu lạc bộ tình nguyện (hoặc câu lạc bộ công tác xã hội) trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại các trường đại học. Thành viên các nhóm tình nguyện đa số là sinh viên đang theo học các trường đại học hoặc mới đi làm, tuổi đời trên dưới 20 cho đến gần 30. Quỹ hoạt động của các nhóm phần lớn do các tình nguyện viên đóng góp và chia sẻ với nhau, cũng có khi được hình thành từ việc bán những sản phẩm sáng tạo của các thành viên trong nhóm. |