Sài Gòn – TP.HCM tự bao giờ là “miền đất hứa” cho những người trẻ tìm kiếm cơ hội đổi đời. Toạ đàm Những giá trị mới của Sài Gòn – TP.HCM dưới góc nhìn người trẻ là một phác hoạ về chân dung những người Sài Gòn trẻ hôm nay: sự tiếp nhận những giá trị cũ – mới, một đời sống tinh thần nhiều khoảng sáng – tối, cách mỗi người vượt thoát khỏi sức cuốn của đồng tiền, sức ép cạnh tranh, để khẳng định giá trị tự thân.

Dòng chảy hoà quyện cũ mới

Nhìn lại những đặc trưng thú vị của văn hoá Sài Gòn, TS Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa nhân học, đại học Khoa học xã hội và nhân văn, TP.HCM, mở đầu buổi toạ đàm Những giá trị mới của Sài Gòn – TP.HCM do báo SGTT tổ chức từ những quan sát trong đời sống ngày thường: “Ở đây, không ai vỗ ngực xưng mình là người Sài Gòn, vì còn rất ít người là dân gốc ở đây. Đại đa số là dân nhập cư, chính họ đã tạo nên một Sài Gòn – TP.HCM muôn mặt, đa dạng cả về đời sống kinh tế, văn hoá. Sài Gòn bao dung, hoà quyện, tạo thành dòng chảy êm đềm. Chính điều đó đã hình thành tính cách dễ chấp nhận cái mới. Những cuốn sách mới, sách tinh hoa đều được người Sài Gòn đón đọc với thái độ cởi mở. Sài Gòn không chỉ mạnh về phát triển kinh tế, kỹ thuật, mà còn rất mạnh về đời sống nhân văn”.



Ngô Văn Trí, nhà nghiên cứu động vật viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, tỏ ra tiếc nuối: “Có lẽ rất khó để tìm vẻ đẹp riêng có của Sài Gòn, kiến trúc, cảnh quan xưa giờ đã thay đổi quá nhiều, chỉ còn lại những hàng cây sao, cây dầu, con đường Đồng Khởi gợi nhiều tiếc nuối về đường Catinat xưa, càphê Givral chỉ còn là hoài niệm. Vẻ đẹp xưa đã dần mất đi, thay thế bằng những building, nhà cao tầng, nhưng cách sống của người Sài Gòn vẫn ôn hoà, năng động, thiên biến vạn hoá. Người Sài Gòn luôn ở trạng thái động, sẵn sàng tiếp thu cái mới, biến nó thành của mình”.

Quyền lực kim tiền

Theo anh Trần Bảo Minh, giám đốc điều hành công ty cổ phần thực phẩm Á châu (Asiafoods), TP.HCM đang trở nên “nghẹt thở” hơn bao giờ hết bởi sự cạnh tranh quá quyết liệt, phá vỡ những giá trị nền tảng.

Anh nói: “Mỗi lần đi xa trở về tôi lại thấy mình vô cùng lạc hậu. Hiếm có nơi nào trên thế giới tốc độ thay đổi chóng mặt như ở Việt Nam. Tôi nhớ ngày mới giải phóng, khi ba tôi, một cán bộ tập kết đưa tôi trở về Sài Gòn, sống cùng với những người bạn của ba ở Thành Đoàn, tôi rất ngưỡng mộ những người bạn của ba. Ai cũng làm việc không kể giờ giấc, hy sinh mọi quyền lợi của bản thân để đưa thành phố đi lên.

“Sài Gòn tiếp nhận tất cả, nhưng nếu để nó cuốn đi dễ trở thành bị động. Khi bạn nhìn cuộc sống theo cái nhìn của người khác, dễ cảm thấy yếm thế, hèn kém. Phải đủ tỉnh táo để tách mình ra khỏi đám đông”.

TS Nguyễn Đức Lộc

Cuộc sống của họ rất đẹp, rất lý tưởng. Mấy năm sau vào đại học, khi gặp lại các vị ấy, tôi thấy họ thay đổi ghê gớm, tính tư hữu tư lợi bắt đầu nảy sinh, họ chiếm nhà, chiếm đất, có nhà rồi cũng mỗi ngày lấn ra một chút… Khi tôi đi học ở Úc về, cảm thấy mình lạc lõng hơn. Đồng tiền đột nhiên trở thành một quyền lực vô song.

Người ta không cần quan tâm bạn sẽ làm được gì, hình mẫu lý tưởng với giới trẻ là phải làm công ty nước ngoài, kiếm được rất nhiều tiền, đi xe sang, xài tiền như nước. Rồi tôi đi Mỹ, ba năm sau trở về, một lần nữa lại bị sốc: cả xã hội lao vào cơn lốc chứng khoán, có bạn trẻ hơn tôi nhiều chỉ cần chơi chứng khoán vài vụ có ngay mấy chục tỉ đồng. Trào lưu kiếm tiền cuốn mọi người vào một cơn lốc khó ai cưỡng lại được.

Một giáo sư phải tích cóp 30 năm mới mua nổi một căn nhà, trong khi có những người trẻ chỉ trúng quả chứng khoán vài lần là đủ tiền mua nhà Phú Mỹ Hưng. Xã hội đang phân hoá rõ rệt, mọi thước đo giá trị đều dựa vào khả năng kiếm tiền. Lấy thước đo ảo của những người kiếm tiền một cách bất thường làm hình mẫu khiến cho giới trẻ đang rơi vào một trận cuồng phong, rượt đuổi theo cái bên ngoài, cái ảo, luôn cảm thấy bất an”.

Ý kiến của doanh nhân Trần Bảo Minh như chạm vào nỗi lo thường trực trong mỗi người, khiến không khí buổi toạ đàm như chùng xuống. TS Lộc tỏ ý tán đồng: “Tôi không chỉ lo lắng cho thế hệ mình, mà còn lo cho thế hệ con em mình đang quy thành tiền tất cả mọi thứ. Nhìn con cái mình, tôi thấy lo: một nền giáo dục như thế, một môi trường như thế, làm sao con em mình không nhiễm độc. Nghe mấy đứa trẻ nói chuyện với nhau, khoe ai có nhà to hơn, xe đẹp hơn, tôi hết hồn! Thời buổi kim bản vị đang đặt đồng tiền lên trên mọi thứ. Tôi làm nghề giáo, trong một lớp dạy quan chức, tôi thấy mình chưa bao giờ bị đau đớn như thế. Sài Gòn tiếp nhận tất cả, nhưng nếu để nó cuốn đi dễ trở thành bị động. Khi bạn nhìn cuộc sống theo cái nhìn của người khác, dễ cảm thấy yếm thế, hèn kém. Phải đủ tỉnh táo để tách mình ra khỏi đám đông. Mỗi nhóm người có một giá trị sống khác nhau, tại sao cứ phải theo người khác, kéo căng mình ra?”

Tin vào chính mình

Vũ Đình Giang, một hoạ sĩ thuộc thế hệ 8X, tác giả của nhiều tập truyện phản ánh tâm trạng hoang mang của giới trẻ hôm nay như Song song, Bờ xám… chia sẻ cách để anh vượt thoát những khủng hoảng của chính mình: “Tôi thuộc thế hệ những người trẻ sinh sau 1975, có cái nhìn tươi sáng và tích cực hơn. Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, quảng cáo, thương mại, môi trường ứng dụng công nghệ là cơ hội mới cho những người trẻ.


Từ trái qua: Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, doanh nhân Trần Bảo Minh, nhà nghiên cứu Ngô Văn Trí.

Nhưng quả thật trong quá trình tiếp xúc xã hội, tôi rất ngại giới thiệu mình là hoạ sĩ, nhà văn, nghe hai danh xưng ấy vang lên cảm giác như mình sắp... chết đói tới nơi! Khủng hoảng lớn nhất của giới trẻ bây giờ là khủng hoảng tinh thần, nhất là giới trí thức.

Thước đo tiền bạc đang gây nhiều xáo trộn, áp đặt lên các giá trị cá nhân, làm người ta mất tự tin. Khi tôi viết một cuốn sách, mọi người chỉ hỏi tôi được trả bao nhiêu tiền, chứ ít ai nghĩ đến giá trị cuốn sách mang lại cho người đọc. Người như tôi luôn cảm thấy lạc lõng khi bày tỏ bản thân trước đám đông, cách bảo vệ mình tốt nhất là giấu nó đi, chỉ bộc lộ trong điều kiện có thể, hoặc bứt mình ra khỏi đám đông. Nỗi khổ lớn nhất của người trí thức là không tìm thấy tiếng nói chung với những thang bậc giá trị ảo đang chi phối toàn xã hội. Muốn đi theo con đường riêng, bản thân mỗi người phải thật bản lĩnh, để tự biết mình, và đặt mình vào vị trí tốt nhất để có thể chứng tỏ khả năng”.

Chị Đoàn Phi Nga, phó giám đốc công ty Ocean Eyes, chia sẻ chân thành về những trả giá, chiêm nghiệm của chính mình: “Tôi đã từng nếm trải cảm giác tự nhiên có một cục tiền ôm về nhà, rồi cũng chỉ trong chớp mắt bàng hoàng nhận ra mình không còn gì nữa. Là nạn nhân của cơn sốt bong bóng thị trường chứng khoán, nhà đất do không đủ tỉnh táo, sau một thời gian vật vã, tôi mới nhận ra nhiều nhà đầu tư chỉ là con rối trong trò chơi của các đại gia, và chính các đại gia hiện nay cũng đang phải trả giá. Bắt đầu lại từ tay trắng, tôi hiểu tri thức mới chính là giá trị của mình. Cống hiến bằng những giá trị thực mới tạo ra thặng dư bền vững, cuộc sống mới ý nghĩa. Hiểu như thế để biết chấp nhận mọi rủi ro, để đạt tới mục đích. Khi đối diện với rủi ro, mình có thể bị mất tiền, nhưng không mất hết, vẫn còn kiến thức, khả năng, trải nghiệm, để có thể làm lại một lần nữa”.

Hành trình tìm kiếm những giá trị

Kể lại câu chuyện “lội ngược dòng” của đời mình, anh Ngô Văn Trí tâm sự: “Ai cũng nghĩ vô thành phố là để kiếm tiền, tôi lại đi con đường ngược lại: vô Sài Gòn để tìm kiếm những giá trị. Sau mười năm, số tiền tích cóp cũng vô hết công trình nghiên cứu, về kinh tế, mình chỉ là số không, nhưng tôi không bao giờ nuối tiếc. Tôi đã sống hết mình và thoả mãn ước mơ, dù phải trả giá rất nhiều. Tôi nghĩ để có thể đóng góp cho xã hội tốt nhất theo năng lực của mình, phải sống có niềm tin”.


Từ trái qua: Doanh nhân Đặng Hoàng Quỳnh, nhà văn-họa sĩ Vũ Đình Giang, doanh nhân Đoàn Phi Nga.


Đặng Hoàng Quỳnh, sinh năm 1980, là giám đốc công ty Jimmydang Floral do anh sáng lập. Khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh hoa, anh chia sẻ về những năm tháng vượt qua tủi nhục để đi bằng đôi chân của chính mình: “Tôi luôn có cái nhìn lạc quan, dù cũng đã trải qua nhiều cực khổ, nhưng tôi không thấy khổ, vì được làm đúng đam mê đã chọn. Xuất thân trong gia đình không khá giả, tốt nghiệp ba bằng đại học, được tuyển vào công ty Unilever với mức lương 400 USD/tháng, nhưng tôi lại mở shop bán hoa.

Khởi đầu bao tủi nhục vì chẳng ai trân trọng nghề bán hoa. Đi đâu cũng không dám đưa danh thiếp. Có lần ôm hoa đi giao hàng, vô thang máy gặp bạn học nhìn mình bằng nửa con mắt, cô tiếp tân lại xạc cho mình một trận khiến tôi chưng hửng. Nhưng cứ từng bước, nhẫn nại, tôi đã gặt hái một số thành công, xây dựng một chuỗi shop hoa với đội ngũ 170 nhân viên.

Đến lúc này, khi sự nghiệp đã phát triển tốt, tôi đã dành ra một quỹ để mở lớp đào tạo miễn phí cho những em trẻ, tạo dựng một cộng đồng cùng nhân sinh quan sống, cùng những giá trị tinh thần. Khi cộng đồng ngày càng phát triển, mình sẽ không cảm thấy lạc lõng.

Môi trường mình sống chính là tấm gương phản ánh phẩm chất cá nhân mình. Tôi chưa có gia đình, đêm đêm, tôi vẫn đi tập thái cực quyền, khiêu vũ cùng bạn bè, cùng nhau giới thiệu các mối quan hệ làm ăn, chứ không khoe khoang, chạy theo mua sắm xe này xe kia. Tôi có những người anh người chị doanh nhân rất yêu nghệ thuật, chúng tôi cùng hát hò với nhau, đó là những hoạt động bổ ích do mình chọn nhóm đúng. Phải xây dựng được thật nhiều nhóm trẻ lành mạnh, tích cực như thế, nhân rộng ra, mới có thể góp phần xây dựng những giá trị mới cho xã hội hôm nay”.

Lắng nghe ý kiến của Quỳnh mới thấy, từ anh, hé mở một lớp trẻ mới của TP.HCM: bước lên cùng chuyến tàu, nhưng không đánh mất mình, biết chọn những người cùng chí hướng để tiếp sức trên con đường đã chọn.

Nhiệt huyết chinh phục tri thức của người Sài Gòn rất cao

Nhiều người hỏi tôi có tự hào là người Sài Gòn không vì tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này, nhất là tôi chào đời vào năm 1975, khi Sài Gòn có sự thay đổi lớn. Thành thực, tôi yêu Sài Gòn nhưng để nói rằng tự hào thì… Càng có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, tôi càng thấy buồn mỗi khi ngắm lại thành phố của mình.

Thời đó, tôi đi học bằng xe đạp trên những con đường đầy lá me bay và những trái dầu xoay xoay rơi xuống. Phố xá bình yên, người người thân thiện, nhịp sống thật sự rất chậm. Từ năm 1990, Sài Gòn – TP.HCM bắt đầu náo loạn với vô số những công trình xây sửa, đường phố đầy bụi bặm, xe gắn máy chạy ồn ào. Những giá trị sống cũng thay đổi, giới trẻ dường như chiếm ưu thế khiến TP.HCM ngày càng trẻ ra.

Nếu như ở những thành phố châu Âu tôi thường bắt gặp người già đông đúc thì ở TP.HCM, người trẻ đặc biệt chiếm đa số. Tiếp xúc với nhiều người từ tỉnh xa vào TP.HCM lập nghiệp, tôi thấy họ mới chính là những người yêu thành phố này hơn cả tôi, một người con của thành phố. Người nhập cư mới thấu hiểu những lợi thế, những ưu điểm, những mặt mạnh của thành phố này. Họ góp phần làm thành phố ngày càng phát triển, đa văn hoá, thân thiện và vô cùng năng động.

Còn tôi, dù mỗi sáng đi làm luôn than phiền nạn kẹt xe, mỗi chiều đi về luôn chán ngán mùi khói bụi, tôi vẫn biết mình may mắn được sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Nơi đây là trung tâm tài chính – kinh tế lớn nhất nước, những cao ốc văn phòng hiện đại luôn thu hút hàng ngàn nhân viên trẻ tài năng. Buổi chiều tan tầm thanh niên đổ xô đến các trung tâm ngoại ngữ, các trường đại học mở rộng. Ai ai cũng có chí tiến thủ, nhiệt huyết chinh phục tri thức của người dân Sài Gòn rất cao. Đây là một giá trị rất tích cực của thành phố.

DƯƠNG THỤY (NHÀ VĂN)


(Theo SGTT)