Hoạt động của các chiến sĩ chống phát xít trong lòng nước Đức là phi thường và dũng cảm. Tuy nhiên, đó là hoạt động của những người ít kinh nghiệm, không có nghiệp vụ, lại đối đầu với những cơ quan đặc vụ sành sỏi như Abwehr và Gestapo, nên dễ bại lộ.

Gần 4h sáng ngày 26/6/1942, trạm bắt sóng của Đức đặt tại ngoại ô Kenisberg bắt được một bức điện đã được mã hoá gồm 32 nhóm (mỗi nhóm có 5 chữ số), bắt đầu và kết thúc đều bằng các tín hiệu mật. Tin tức lập tức được báo cáo về Berlin. Ngay chiều hôm đó, ban chỉ huy tình báo quân đội Đức (Abwehr) ra lệnh các trạm phát nhanh chóng xác định tung tích của đài lạ.

{keywords}
Một số thành viên Dàn nhạc đỏ Rote Kapellem được in trên tem. Ảnh: Wikipedia

Các buổi phát của đài lạ diễn ra không theo một quy luật nào nên không xác định nổi vị trí phát. Dù các nhân viên kĩ thuật cũng không dịch nổi nội dung bức điện thu được, nhưng Abwehr tin rằng bức điện ấy được chuyển cho Moscow. Rõ ràng, có một tổ chức bí mật đang hoạt động ngay trong lòng Berlin.

Nhưng do ngay cả những chuyên gia cự phách nhất của Abwehr cũng chưa giải mã được các bức điện, nên cơ quan phản gián phải chuyển sang săn lùng vị trí đài phát bằng những thiết bị định vị vô tuyến cơ động.

Cho đến cuối tháng 8, một lần, thành viên của “Dàn nhạc” Hans Koppy đang trên đường đến một điểm phát bí mật chợt nhìn thấy gần đấy một nhóm “công nhân” đang lúi húi cuốc xới trên đường. Linh tính mách bảo một điều bất bình thường, Koppy liền lên tàu điện đến điểm phát sóng khác, và ở đấy cũng có một tốp “công nhân” đang “làm việc”.

Khi đi ngang qua, Koppy nghe thấy giọng một “công nhân” nói: “Rõ, thưa thiếu tá!”. Koppy tiến lại gần một người trong nhóm xin lửa hút thuốc thì nghe có tiếng kêu tạch tè phát ra từ trong lều bạt. Không còn nghi ngờ gì nữa, mật vụ đã dò đúng máy phát của “Dàn nhạc”. Nghe Koppy báo cáo, người chỉ huy “Dàn nhạc” là Shulz Boizen lập tức ra lệnh tạm ngưng các buổi phát sóng của PTX (kí hiệu một loại đài phát).

Abwehr và Gestapo vẫn tiếp tục cuộc săn lùng. Chúng bắt được tín hiệu các đài khác gọi PTX, còn PTX vẫn im lặng. Mật vụ Đức kết luận, “Dàn nhạc” đã bị đánh động. Chúng liền đặt làm những máy định vị vô tuyến nhỏ xíu bỏ túi, trang bị cho nhân viên len lỏi khắp Berlin.

Còn Koppy, sau một thời gian không thấy bọn người khả nghi gần các điểm phát, lại tiếp tục phát tin. Anh không ngờ rằng đã bị giăng bẫy. Mật vụ Đức để anh yên một thời gian chỉ vì chúng đang cố tìm những mối liên lạc với PTX.

Không chỉ vậy, cơ quan Abwehr yêu cầu nhà toán học nổi tiếng Vinhem Phaux đến giúp và đã đọc được một bức điện, trong đó có 3 địa chỉ của “Dàn nhạc” ở Berlin: Thượng uý không quân Harr Shulz Boizen, Vụ trưởng Bộ Kinh tế Arvis Hannak và nhà văn Adam Kuchov.

Giám đốc Abwehr Canaris quyết định thành lập ban chuyên án dưới sự chỉ huy của Fridrik Pansinger, Trưởng phòng An ninh của Abwehr. Mọi bước đi, mọi cuộc nói chuyện điện thoại của ba người đứng đầu “Dàn nhạc” đều bị theo dõi chặt chẽ.

Chủ nhật 30/8/1942 ở Berlin là một ngày đẹp trời. Dưới danh nghĩa bữa tiệc mừng Shulz Boizen, các thành viên “Dàn nhạc đỏ” gặp mặt nhau để định ra kế hoạch hoạt động tiếp theo. Không ai nghĩ đó là ngày cuối cùng của “Dàn nhạc đỏ”. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau đó, những người lãnh đạo chủ chốt của họ đều bị bắt.

Trước đó một ngày, Hors Henman, một thành viên “Dàn nhạc” đang làm việc cho Abwehr, được giao thụ lí hồ sơ của Shulz Boizen. Nhận thấy tính cấp bách và nguy hiểm của vụ việc, Henman quyết định gọi điện về nhà riêng cho Boizen. Do Boizen không có nhà, Henman liền để lại số máy cơ quan mình cho người hầu gái và nhắn Boizen khi nào về thì gọi gấp cho anh.

Sáng 31/8, Boizen về nhà tìm thấy mẩu giấy ghi số điện thoại mà không có tên người. Anh quay số; đầu dây đàng kia là sĩ quan Abwehr có tên là Stiubing. Anh đã xưng tên của mình trong điện thoại. Stiubing lập tức báo cáo Pansinger về cú điện thoại. Lệnh bắt gấp Boizen được ban ra. Bịa ra lí do chính đáng để gọi Shulz Boizen ra khỏi cơ quan, Pansinger và bọn SS mặc thường phục bắt anh ngay trên phố. Cùng ngày chúng đón đường bắt vợ Boizen là Libectech Hays, tại ga xe lửa khi chị trở về từ Bremen.

Đến lúc này, Abwehr và Gestapo đã lần ra hầu hết những người có liên quan đến “Dàn nhạc đỏ”. Ba ngày sau khi Boizen bị bắt, vợ chồng Arvis Hannak cũng sa lưới.

Cho đến ngày 27/9/1942, 118 người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến “Dàn nhạc đỏ” đã nằm trong các phòng giam của Gestapo, kể cả Albert Hasler được GRU tăng cường từ Moscow. Duy nhất Hors Henman là còn nằm ngoài vòng nghi ngờ của cơ quan phản gián, nhưng anh đã khước từ cơ hội chạy trốn bằng hộ chiếu ngoại giao.

Nguyên Phong