Sau rất nhiều lần hẹn nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn, chúng tôi mới có dịp diện kiến “ông chủ” của trang trại rộng 4ha với mô hình chăn nuôi ngỗng trời đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội. Thiên nhiên trong ông luôn là một khái niệm ông muốn gắn bó và tìm về thư giãn sau những phút giây căng mình cùng công việc.
Trước khi bắt đầu hành trình tới với trang trại nuôi ngỗng trời ấy, chúng tôi được ông mời thưởng thức thứ nước chiết xuất từ giống dâu quả dài mà những “ông già đam mê thiên nhiên” – cách tự gọi bản thân và gọi những người bạn của nguyên Phó Thủ tướng - sáng chế ra, thứ nước ngon ngọt và mang đậm chất vị của một “giống mới”.
Nguyên Phó Thủ tướng bước đi trên con đường lầy lội dẫn vào trang trại nuôi ngỗng, vịt trời |
Vừa tới cổng trại, những tiếng quàng quạc của 70 con ngỗng trời, 400 con vịt trời đã dội ra, thu hút sự chú ý của những người khách như chúng tôi. Thêm vào đó là những bước chân vội vã trên nền đất nhão vì những ngày mưa kéo dài của người làm ở đây - những người mà mỗi khi nhắc tới họ, nguyên Phó Thủ tướng luôn dành cho những lời khen tặng: “Họ thực sự là những người tốt và chăm chỉ, nhiệt huyết. Lúc nào cũng xắn quần để chăm những con vật vốn sống hoang dã ấy”.
“Canh cổng” cho đàn ngỗng và vịt trời là 450 chậu cây Thạch hộc đang được trồng thử nghiệm tại đây. Ông bảo, đây là thứ dược liệu rất có giá trị, đắt hơn hồng sâm, quý hơn linh chi, thu nhập mang lại có thể lên tới 1 triệu USD/ha, tương đương hơn 20 tỉ đồng tiền Việt.
Những chậu cây Thạch hộc được ông căn dặn những người lao động ở đây chăm sóc tỉ mỉ |
Ngày nhỏ, ông đã từng chứng kiến cảnh người ta mổ những con le le, vịt trời để phục vụ cho bàn nhậu. Khi đã thành đạt, ông được cảm nhận cái vị ngọt lừ của vịt trời mà chủ một mô hình nuôi vịt trời ở Bắc Giang thiết đãi. Từ đó, ông đã nảy ra ý tưởng gom nhặt từ những kinh nghiệm quý giá của những người đã từng làm trước, cùng với công cuộc đi thu mua vịt trời, ngỗng trời của những người săn bắt ở các vùng biển để góp phần vào việc: “Nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có cả việc bảo tồn gen phát triển đa dạng sinh học, tiến tới thuần hóa chúng để cung cấp cho xã hội, giảm thiểu việc săn bắt động vật hoang dã trong thiên nhiên”. Đó là mục đích của “ông già đam mê thiên nhiên" ấy.
Tháng 10/2013, trang trại nuôi ngỗng trời của vị nguyên Phó Thủ tướng cùng những cán bộ đầu ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được lập ra. Họ coi đó như thú vui để được gần hơn với thiên nhiên và là nguồn lợi cho sức khỏe dù họ cho rằng, mô hình ấy vẫn chưa có đóng góp nhiều cho xã hội.
Cầm trên tay con ngỗng đang độ trưởng thành, nguyên Phó Thủ tướng thấy niềm vui nhen nhóm trong mình |
Với đàn vịt trời, ông chỉ thu mua tại Thái Bình, nhưng đàn ngỗng trời lại đa dạng hơn bởi chúng tới từ Giao Thủy (Nam Định), Tiền Hải (Thái Bình), phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế) với giá mua là 250 nghìn/con. Nói là nhiều vùng quê khác nhau, nhưng những động vật hoang dã này nhanh chóng “làm quen” với nhau dưới một mái nhà là trang trại tại Hoài Đức (Hà Nội) và làm quen với khí trời Thủ đô mà thức ăn chỉ là thóc, cám, những thứ cũng rất gần gũi với thiên nhiên. Quá trình chọn lọc tự nhiên đã cho chúng sức đề kháng tốt.
Bước qua con đường đất dẫn vào nơi “sinh sống” của đàn ngỗng và vịt trời, chúng tôi thấy giữa trại có cái ao lớn được ngăn ra từng ô có lưới căng bên trên để nuôi ngỗng và vịt đẻ, để chúng không sải cánh bay và tìm về lại với thiên nhiên.
Đàn ngỗng trời đang làm náo loạn cả một góc trang trại bởi những tiếng kêu không dứt |
Ông cười: “Hôm trước, anh em cũng thưởng thức hương vị thơm ngon của vịt trời rồi. Còn ngỗng trời thì chưa dám mang ra ăn vì giá thành cao. Nuôi như thế này không ai phải săn bắt tự nhiên nữa, những động vật hoang dã ấy cũng “yên tâm” mà sinh sôi nảy nở”.
Từ ngỗng tự nhiên mang về nuôi 1 tháng tăng 2kg. Dựa vào sự tăng trưởng ấy, ông cho biết, sau nửa năm, số lượng đàn vịt tăng 100 lần, ngỗng tăng 20 lần và tiến tới sẽ cung cấp cho toàn xã hội. “Dự định trong năm 2014 sẽ đưa số lượng ngỗng mái lên 100 con, vịt đẻ là 1.000 con”, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho hay.
Ông bảo, trên sách hay internet cũng chỉ dạy nuôi vịt nhà hay ngỗng cỏ chứ không có kiến thức nào liên quan tới vịt hay ngỗng trời. Tất cả đều phải do tư duy và sự mày mò, học hỏi từ chính những “ông già đam mê thiên nhiên”. Hiện tại, các bước nghiên cứu mới chỉ phát hiện vịt, ngỗng rất phàm ăn, ưa môi trường nuôi rộng, có ao hồ và con đực chỉ chịu đạp mái khi ở trên mặt nước.
Cũng chính bởi muốn cung cấp cho toàn xã hội để giảm thiểu việc săn bắt tự nhiên động vật hoang dã nên ông mong muốn, mô hình của mình trong thời gian tới sẽ được nhân rộng ra 63 tỉnh thành trên cả nước. Và ông sẽ “trả” những kinh nghiệm quý báu mà mình đúc rút được trong suốt thời gian qua cho bà con nông dân để họ tự làm giàu trên chính sức lao động của mình. Đồng thời “làm sạch” cho con người.
Hiện tại, quá trình thu mua những động vật hoang dã này tạm dừng mà chỉ tập trung nhân giống và di truyền, chọn lọc. Trong khoảng 10 năm nữa mới lại tiếp tục mua mới về cho “tươi máu” khi đàn này đã cận huyết. Tiến tới, những “ông già đam mê thiên nhiên” sẽ mở rộng trang trại này thành bãi nuôi lớn với việc nhân thêm le le, gà gô… và cả những cây trồng như táo, hồng, dâu…
Cầm trên tay chú ngỗng trời đang độ “trưởng thành” và tận tay cho đàn ngỗng ăn, tôi thấy niềm vui hiện rõ trên gương mặt của vị nguyên Phó Thủ tướng khi giờ đây, thiên nhiên với ông thật gần gũi.
Theo Trí Thức Trẻ