Hỏi về chuyện viết lách để sống bằng ngòi bút và kiếm tiền tỉ, Nguyễn Thị Minh Ngọc cười, nói: “Lẽ ra là như vậy. Nhưng mà bây giờ tôi… trắng tay”. Câu chuyện của chị là như vầy…
Vừa viết văn vừa viết kịch, viết cải lương, viết kịch bản phim nhựa, phim truyền hình, phim tài liệu, viết báo, viết dự án…, Nguyễn Thị Minh Ngọc là cái tên có uy tín đảm bảo cho tác phẩm luôn có chất lượng xem được. Vậy nhưng 15 năm nay chị nói chưa viết cái gì cho riêng mình.
Trốn chồng, viết bất cần thân thể
51 tuổi mới lấy chồng nhưng lúc nào cũng thấy Nguyễn Thị Minh Ngọc đầu bù tóc rối, quần quật với công việc, bận như có con mọn. Cứ khi chị về Việt Nam là ngập đầu vào công việc với nhiều cuộc gọi đặt hàng từ hải ngoại. Nếu chị sang Mỹ sống cùng chồng thì trong nước nào gọi điện, nào email kêu viết cái này cái kia cũng tới tấp. Vào cái thời phim truyền hình nở rộ và thời điểm gần tết, nhiều sân khấu luôn thúc hối, giục viết kịch tết, Nguyễn Thị Minh Ngọc một mình ngồi trước ba cái máy. Một cái máy tính bàn chị ngồi viết bản thảo. Một cái máy tính bảng chị mở mail, vào Skype chat công việc với đối tác. Cái laptop chị mở những bộ phim, chương trình đang gây chú ý, ăn khách, kiểu như Hậu duệ mặt trời để nghe, lâu lâu liếc qua một chút xem nó thế nào chứ không có thời gian mà ngồi xem.
Sống một mình, cứ rảnh là chị viết và thường viết thâu đêm suốt sáng. Nhưng khi có chồng rồi, những năm đầu chồng chị sốt ruột, bắt vợ phải đi ngủ lúc 10 giờ rưỡi tối. Nhưng cứ hễ chờ chồng ngủ say là chị lại chui ra khỏi giường ngồi viết tiếp. Mới đầu chồng chị còn canh chừng, ra “lùa” vợ vô ngủ lại. Riết rồi chồng chị chán, mấy năm sau cứ để mặc chị. Bây giờ đang ở Việt Nam và đi làm xét nghiệm ra một đống bệnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc mới bắt đầu thấy sợ hãi và cảm thấy biết ơn cái sự “canh chừng” vợ của ông xã và ước được canh chừng lại như xưa.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc (trái). |
15 năm viết vì những lời năn nỉ
Những ai quen biết Nguyễn Thị Minh Ngọc ngoài đời đều thấy chị là người dễ tính với tất cả mọi người, xuề xòa với bản thân, không có một chút nào cái vẻ mình là người nổi tiếng. Gần như ai rủ đi đâu, tham gia chuyện gì, đóng cái gì, dựng cái gì trong nghề nghiệp dù lớn hay nhỏ Nguyễn thị Minh Ngọc cũng đều vui vẻ nhận lời, trừ khi chị đã bận việc khác lúc đó.
Dễ tính, xuề xòa như thế, lại là cây bút có chất văn đáng nể, sức viết nhanh, đã tạo được tên tuổi, uy tín nên Nguyễn Thị Minh Ngọc thường được những nghệ sĩ tên tuổi, những ông bà bầu gạo cội, những đạo diễn điện ảnh có tiếng hay những đạo diễn, diễn viên mới ra trường, rồi cả học trò nhờ viết đủ thứ. Vào những năm đoàn kịch nói Kim Cương khó khăn, trước nước mắt của nghệ sĩ Kim Cương khi nhờ cậy, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã đổ nhiều công sức Việt hóa kịch bản nước ngoài Người mua hạnh phúc cho đoàn Kim Cương, cũng như cùng chỉnh lý một số kịch bản và dàn dựng một số vở cho đoàn.
Trong thời buổi kịch bản sân khấu cực kỳ khan hiếm, Nguyễn Thị Minh Ngọc thường là lựa chọn hàng đầu để các sân khấu như IDECAF, Hoàng Thái Thanh… níu áo, thúc giục, năn nỉ viết kịch cho mình như Hãy khóc đi em, Người đàn bà đức hạnh, Xóm nhỏ Sài Gòn (viết chung), Trái tim nhảy múa, Hãy yêu nhau đi, Tía ơi má dìa, 29 anh về, Lan và Điệp… Nhiều năm nay, sang Mỹ sinh sống cùng ông xã là Việt kiều, giới nghệ sĩ, bầu show hải ngoại cũng níu áo, năn nỉ Minh Ngọc viết kịch dài, kịch ngắn, biên tập lại kịch bản các kiểu bởi cái tính “dễ dụ” của chị như Giông tố, Đoạn tuyệt, Cung đàn thương nhớ, Mẹ ba miền, Một trái tim, Tìm người yêu…
Vậy nên Minh Ngọc tâm sự: “15 năm nay tôi gần như chưa viết cái gì cho bản thân mình, mà chỉ viết theo mong muốn, đặt hàng, cái cần của người khác. Có một vĩ nhân nói người làm việc sáng tác sẽ bị chết, đánh mất bản thân vì bốn thứ: quyền lực - tức sự kiểm duyệt, đồng tiền, tôn giáo và tình yêu. Tôi thấy tôi đã đánh mất bản thân tôi, chết vì tình yêu, vì những tình cảm yếu đuối của mình trước lời năn nỉ của bạn bè, người khác. Bây giờ tôi đã ý thức là mình cần phải dũng cảm nói không với nhiều lời năn nỉ”.
Mua nhà bằng giải thưởng, trắng tay bởi quỵt nợ, bớt xén
Nguyễn Thị Minh Ngọc là trường hợp đặc biệt trong loạt “Những cây bút bạc tỉ” bởi chị viết cực nhiều, thù lao tính ra cũng thuộc loại cao nhưng cuối cùng lại đang không có gì bởi chẳng biết làm ăn buôn bán và những chuyện chẳng biết nói làm sao.
Nguyễn Thị Minh Ngọc đoạt rất nhiều giải thưởng văn chương, điện ảnh, truyền hình, sân khấu với kịch bản của mình. Tuy nhiên, chị bảo trong đời chị món tiền lớn và giá trị nhất là số tiền thưởng từ giải A Văn học thiếu nhi của NXB Kim Ðồng và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996 với tập truyện Năm đêm với bé Su. Với số tiền thưởng lúc đó trị giá gần 20 cây vàng, chị mua được một căn nhà bên trong Hội Mỹ thuật TP.HCM trên đường Pasteur, quận 3. Tuy nhiên, căn nhà đó chị không giữ được vì nể lời Hội Mỹ thuật, bán lại cho hội.
Viết kịch bản phim Sống trong sợ hãi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng trả cho chị một số tiền lớn không ngờ. Có lúc chị nhận được hợp đồng 25.000 USD và 1% lợi nhuận để chuyển thể một quyển tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam sang kịch bản cho Hollywood. Nhưng mới nhận được 8.000 USD thì chủ đầu tư phá sản nên dự án bị dừng. Chị cũng nhận được hợp đồng làm những dự án kịch Anh-Việt ở Broadway, ở các liên hoan sân khấu tại Mỹ, Pháp và một số nước khác như Người đàn bà thất lạc, Chúng tôi là… Thời phim truyền hình sôi động, chị là tác giả những bộ phim dài tập gây chú ý như Bà mẹ nhí, Linh Lan trắng, Nguyệt Quán… và những bộ phim cũng khá gây chú ý hiện nay là Đò dọc, Đoạn trường Nam ai… tiền bạc cũng kha khá.
Khi rủng rỉnh tiền bạc, có lúc chị cũng theo bạn bè mua đất nhưng lại bị lừa trắng tay vì không rành thủ tục, không biết kinh doanh. Thấy bạn thiếu nợ xã hội đen, chị thương bạn trả tiền lãi cao, không biết bao giờ mới trả hết, cho bạn mượn tiền trả xong thì bạn lơ luôn. Dần dần chị cay đắng nhận ra những người bạn mượn nợ xã hội đen ấy không phải vì họ nghèo mà vì họ ăn xài xa xỉ, trong khi bản thân chị lại sống rất đơn giản, tiết kiệm.
Vậy nhưng Minh Ngọc chỉ cười buồn, nói: “Tôi biết mình nghèo còn vì tự bóc lột bản thân mình và để cho người khác bóc lột mình một cách quá dễ dãi. Rất nhiều trường hợp đặt tôi viết kịch bản, tôi nhận lời vì tình thân, vì những lời năn nỉ, xong rồi họ “xù” không xài. Thậm chí có nơi còn ăn cắp kịch bản đó làm na ná để xài. Có những trường hợp, họ hứa hẹn mình viết với cái giá thật cao, mình dễ dãi nhận lời xong xuôi thì họ bớt xén. Có đạo diễn lãnh cục tiền cả trăm triệu đồng lấy kịch bản tôi làm vở đi liên hoan xong về trả tôi có chút đỉnh. Có đoàn nhà nước ở ngoài Bắc lấy kịch bản của tôi dự thi được cả đống tiền thưởng, đến khi trả tác quyền thì yêu cầu tôi tặng lại đoàn. Có bà bầu hải ngoại khóc lóc năn nỉ tôi bớt cả ngàn USD cho công sức của mình vì lỗ, tôi phải bỏ thêm tiền túi trả cho những người mình lỡ mời giùm họ. Có những đạo diễn sân khấu đề nghị tôi để họ đứng tên chung kịch bản khi họ sửa lúc dựng và chia đôi tác quyền”…
Gia tài đồ sộ chẳng thua ai
Nếu kể đến gia tài viết lách, Nguyễn Thị Minh Ngọc xem ra chẳng thua kém ai về mặt tác phẩm cũng như giải thưởng. Với văn chương, chị có những giải thưởng như: Giải truyện ngắn của Thành đoàn, báo Tuổi Trẻ năm 1981 với Kính thưa anh tổng thư ký. Giải truyện ngắn của Kiến Thức Ngày Nay và Hội Nhà văn TP.HCM năm 1993 với Quán trọ. Giải truyện ngắn của báo Phụ Nữ TP.HCM năm 1986 với Nắng chiều. Giải truyện ngắn của báo Văn Nghệ TP.HCM năm 1988 với Chung vách. Giải Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM năm 1995 với Trinh Tiên. Giải A Văn học thiếu nhi của NXB Kim Ðồng và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996 với Năm đêm với bé Su. Với sân khấu, chị có đủ thứ giải thưởng, huy chương từ liên hoan sân khấu quần chúng, ban ngành, đến các huy chương hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, giải của Hội Sân khấu TP.HCM lẫn Hội Sân khấu Việt Nam. Các kịch bản phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu Sống trong sợ hãi, Hải Nguyệt, Ngọc Viễn Đông, Hương Ga, Thương hoài ngàn năm, Nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn, Thời gian và vĩnh cửu… của chị cũng đoạt nhiều giải thưởng giá trị trong và ngoài nước.
Theo Pháp luật