Tổng Cục Thi hành án Dân sự vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, về việc thi hành án khoản nợ gần trăm tỷ đồng tại hai chi nhánh Agribank. Trong ngày 12/11, bộ này sẽ chủ trì cuộc họp với hai cơ quan tư pháp là TAND và Viện KSND tối cao để tìm cách tháo gỡ.

Cuộc tranh cãi quanh món nợ 100 tỷ

Sự việc liên quan đến hai chi nhánh An Sương và Phú Mỹ Hưng của Agribank, trong việc ra các chứng thư bảo lãnh đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng Vietbank, với số tiền tổng cộng lên tới gần 100 tỷ đồng.

Theo đó, vừa qua, Tổng cục THADS đã nhận được công văn của Agribank và Agribank Chi nhánh Phú Mỹ Hưng về việc đề nghị tạm dừng quyết định phong tỏa tài khoản của ngân hàng này. Đồng thời, Tổng cục cũng đang xử lý khiếu nại của Agribank chi nhánh An Sương về quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục THADS TP.HCM liên quan đến việc thi hành hai bản án mà TAND tối cao đã tuyên phúc thẩm. Hai chi nhánh này của Agribank là bên phải thi hành án, buộc phải trả số tiền tổng cộng gần 97 tỷ đồng.

{keywords}

Ngoài ra, Tổng cục THADS cũng nhận được đơn khiếu nại của bên được thi hành án là Vietbank, với nội dung khiếu nại chấp hành viên Cục THADS TP.HCM, về việc chậm tổ chức thi hành bản án có hiệu lực, trong khi bên phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Các khiếu nại này của hai bên khá căng thẳng, và đã được Ủy ban Kiểm tra - BCH Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN) chỉ đạo xem xét và tổ chức thi hành đúng pháp luật.

Trước diễn tiến giằng co của vụ việc, Tổng cục đã trực tiếp chỉ đạo Cục THADS TP.HCM kiểm tra, giải quyết đồng thời mời các ngân hàng liên quan làm việc, tổ chức họp liên ngành để thống nhất quan điểm và xử lý.

Vụ việc phức tạp "đau đầu" nói trên bắt nguồn từ các chứng thư bảo lãnh của Agribank các chi nhánh An Sương và Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể, ngày 17/12/2012, Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên buộc Cty CP Giấy Minh Thắng trả nợ cho Vietbank gần 100 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi, trong đó Agribank CN Phú Mỹ Hưng đã phát hành 2 thư bảo lãnh với trị giá 50 tỷ đồng. Vì vậy, tòa đã tuyên Agribank Phú Mỹ Hưng phải trả nợ thay cho Cty Minh Thắng 50 tỉ đồng cho Vietbank.

Bản án có hiệu lực, Cục THADS đã dùng nhiều biện pháp để buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ, nhưng ngân hàng này đã không thực hiện. CụcTHADS TP.HCM đã có công văn đề nghị NHNN hỗ trợ việc thi hành án, nhưng đến nay Agribank đang có các đơn kiến nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề xung quang vụ việc này.

Cùng kịch bản, Agribank chi nhánh An Sương cũng phát hành các thư bảo lãnh cho một công ty khác, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay của công ty TNHH Đức Hòa tại Vietbank.

Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại TP.HCM thông qua bản án ngày 14/12/2012 đã tuyên chấp nhận yêu cầu đòi nợ của Vietbank đối với công ty Đức Hòa với số tiền hơn 141 tỷ đồng và hơn 666.000 USD, trong đó Agribank CN An Sương phải có trách nhiệm trả nợ thay gần 47 tỉ đồng.

Sự việc đến nay đã kéo dài hàng năm, với 2 bản án có hiệu lực của TAND tối cao kèm hàng loạt chỉ đạo, yêu cầu của các cơ quan Đảng, nhà nước nhưng việc thi hành vẫn... dẫm chân tại chỗ. Thậm chí, vì tính chất phức tạp trong việc thi hành án và Agribank là đơn vị lớn có 100% vốn nhà nước, Tổng cục THADS đã phải "cầu cứu" Bộ trưởng Bộ tư pháp đích thân chỉ đạo việc thi hành.

Ranh giới "luật" và "lệ"

Trong vụ án kéo dài này, có một tình tiết có vẻ như đã chạm vào giới hạn giữa luật và "lệ" trong việc thi hành án. Đó là việc Vietbank yêu cầu kê biên, phát mại trụ sở của Agribank để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng này.

Theo nhận định của giới làm luật, đây là việc làm đúng luật, bởi theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự, sau khi bản án có hiệu lực, thời hạn tự nguyên thi hành án là 15 ngày. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Thực tế, thời hạn tự nguyện của Agribank đã hết từ lâu, và Cục THADS TP.HCM cũng đã có rất nhiều công văn yêu cầu Agribank thực hiện nghĩa vụ nhưng bị phớt lờ. Do đó, theo luật thì cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.

Tuy nhiên, theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc kê biên trụ sở Agribank thực tế là việc khó xảy ra, bởi Agribank là ngân hàng lớn, có 100% vốn nhà nước, nên mọi tài sản của NH này thuộc quyền sở hữu của nhà nước. "Theo hồ sơ vụ việc và các thông tin mà báo chí phản ánh, có thể thấy việc giải quyết vụ việc này không khó về luật, nhưng gặp rất nhiều cản trở rất điển hình trong việc thực thi các bản án dân sự. Cách giải quyết sự việc cụ thể này sẽ phản ánh đúng quyết tâm, thực trạng và thách thức của việc thực thi Luật Dân sự vốn còn quá nhiều vấn đề hiện nay", ông Diện nhận định.

Ngoài ra, cũng theo các luật sư, việc chây ì không thực hiện nghĩa vụ thi hành bản án đã có hiệu lực có thể được xem xét dưới góc độ pháp luật hình sự tội danh "Không chấp hành án" quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự. Theo đó, “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

"Trước hết, cơ quan thi hành án cùng với các đơn vị liên quan như Bộ Tư pháp, NHNN... cần làm hết trách nhiệm, áp dụng đúng các quy định và quyền hạn được pháp luật cho phép để thi hành bản án. Việc để chậm trễ hoặc dùng dằng các bản án dân sự lớn có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của xã hội vào việc hành pháp, cũng như môi trường kinh doanh", ông Diện nói.

Bộ Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát họp xử lý

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tư pháp, sáng 12/11 cơ quan này sẽ chủ trì cuộc họp với hai cơ quan tư pháp là TAND và Viện KSND tối cao để tìm cách tháo gỡ vụ "kì án nợ trăm tỉ" của Agribank.

Nội dung cuộc họp chính là bàn bạc giải pháp tổ chức thi hành hai bản án đã được Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại TP.HCM tuyên vào các ngày 14 và 17/12/2012, trong đó tuyên Agribank chi nhánh Phú Mỹ Hưng và An Sương phải trả các khoản vay của 2 DN đối với Vietbank mà Agribank đã phát hành thư bảo lãnh.

Cuộc họp này được tiến hành sau khi Tổng cục THADS nỗ lực bất thành trong việc thi hành án đối với Agribank.

Mặc dù các bản án có hiệu lực pháp luật, và Cục THADS TP.HCM cũng như Tổng cục đã dùng các biện pháp được pháp luật quy định nhưng không thể buộc Agribank thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trước đó, sau khi bị bên được thi hành án là Vietbank kiến nghị yêu cầu thực hiện việc thi hành án, đồng thời bị Agribank... khiếu nại nhằm không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, và nhận nhiều công văn chỉ đạo từ các cơ quan chức trách của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Kiểm tra - BCH Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ..., Tổng cục THADS đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và đề nghị Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo.

PV (Theo dantri)