Là một người ưa xê dịch, ham đọc nhiều, gần 10 năm sống và làm việc tại Ý, nhà báo Trương Anh Ngọc đã yêu Ý như người tình già. Những ngày giãn cách vì dịch bệnh, anh vẫn giữ thói quen đọc sách, báo tiếng Anh, tiếng Italy mỗi sáng.

Tôi không thoát được nỗi sợ cái chết

- Quãng thời gian sống cùng dịch bệnh, người ta quan tâm và nói nhiều về khái niệm "sống chậm hơn” với nhà báo Trương Anh Ngọc thì sao?

Ở tuổi này, tôi muốn ngấu nghiến cuộc sống khi quỹ thời gian còn lại có hạn, lại vừa muốn sống chậm lại. Sống chậm là để tìm thấy điểm cân bằng. Tôi không thoát được nỗi sợ cái chết. Nó vẫn dai dẳng ở đấy, tuổi tác vẫn tăng lên từng ngày, bất chấp sức khỏe và lối sống cải thiện thế nào. Suy nghĩ về cái chết chính là thứ giúp mình liên tục cải thiện chất lượng sống. Sống chậm cũng khiến tôi nhận ra mình không đặt ra những tham vọng điên rồ kiểu tuổi trẻ nữa. Mơ ước thì vẫn còn nhưng chỉ dám đặt ra mục tiêu trong quãng thời gian còn lại, rút ngắn những kỳ vọng lại.

{keywords}
Nhà báo Trương Anh Ngọc.

- Anh vẫn mê đọc sách chứ?

Tất nhiên! Thói quen đọc sách được hình thành kể từ khi còn nhỏ và trở thành nếp sống rồi. Kể cả khi có máy tính, có điện thoại di động thì tôi vẫn đọc sách. Tôi cũng lựa chọn phương án đọc online trên các thiết bị thông minh, thậm chí có thói quen mua bản PDF báo và tạp chí của nước ngoài. Đọc cũng là cách tôi tận hưởng cách sống chậm.

- Gần đây anh đọc thể loại sách gì?

Tôi không đọc các sách văn học nhiều nữa. Vài năm trở lại đây, tôi tìm đọc những cuốn sách liên quan đến địa lý, thiên văn học, khoa học vũ trụ. Đọc sách khoa học tôi cảm thấy mình được bay bổng lắm.

- Anh có lý giải vì sao lại có sự khác biệt đó trong sở thích đọc?

Tôi nghĩ rằng mình đủ nhàu nhĩ với thế giới văn học chăng? Hay vì tôi đang ở 1 độ tuổi không còn trẻ, không còn nhiều mơ mộng, quá lý trí trong thế giới thực tại. Sở thích cũng biến đổi theo thời gian, theo tâm trạng. Đôi khi đổi món cũng khiến cho bữa ăn đa dạng hơn. Đọc nhiều thể loại cũng khiến cho mình hiểu biết phong phú hơn.

- Tôi thấy anh không chỉ đọc cho riêng mình. Những kiến thức có được anh đã khéo léo chia sẻ cho trên trang cá nhân đấy chứ?

Tôi luôn viết khoảng 500 – 700 chữ chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân. Những chia sẻ đó mang thông tin, kiến thức tích cực cho mọi người. Trong 2 năm qua cuộc sống của mọi người ở trên mạng loanh quanh, luẩn quẩn liên quan đến cách ly hay không cách ly, virus hay không virus, những chuyện khiến cho người ta ám ảnh, tiêu cực. Những chia sẻ của tôi mang điều tích cực, năng lượng tươi sáng đến mọi người, tôi nghĩ nó là điều cần thiết.

{keywords}

- Nếu tôi ví von những chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc giống như một hành trình du lịch vòng quanh thế giới tại chỗ, anh nghĩ như thế nào?

Tôi đồng ý với bạn. Tôi đã sắp xếp nội dung chia sẻ trên Facebook theo chủ đề, một series. Ví dụ ở nhà thì bạn có thể vào thăm các bảo tàng ở trên mạng, đi các tour ở trên mạng như thế nào. Tôi thấy mọi người rất thích. Hành trình đọc sách thì ngồi một chỗ nhưng cho phép trí tượng bản thân được đi phượt đến nhiều nơi trên thế giới.  

- Với đất nước Ý, trong những ngày dịch bệnh anh vẫn nghe ngóng và hỏi thăm những người bạn của mình chứ?

Ngày nào tôi cũng đọc báo chí Ý. Thói quen này cũng là công việc gắn liền với tôi ngót 20 năm nay rồi. Hơn hai nhiệm kỳ công tác tại Ý với tư cách là Trưởng cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, việc đọc báo và theo dõi tình hình thời sự, xem tivi các kênh của Ý, Nga và nhiều quốc gia… là thói quen mỗi buổi sáng. Mọi thông tin về đất nước Ý tôi đều nắm được như lịch hẹn hò có sẵn vậy. Thật may trong hai năm qua tất cả họ đều khỏe và họ luôn luôn có một câu hỏi là: Bao giờ Ngọc quay lại Ý? Nếu như năm ngoái không có dịch tôi chắc chắn sẽ có mặt ở Ý trong vòng một tuần đầu tiên để xem trận bóng trên sân cỏ khai mạc ở Roma. Tôi đã có hẹn với một người bạn thân là ông Marcel Marcel Gorgone - nghệ sĩ múa rối ở quảng trường Navona - một nhân vật quen thuộc trong cuốn sách Nước Ý – Câu chuyện tình của tôi.

{keywords}

- Điều gì khiến anh không thể ngừng yêu nước Ý vậy?

Hơn 20 năm qua nhiều người hỏi mà tôi không thể lý giải được. Tình yêu với Ý giống như mối tình đầu. Tôi nói tiếng Ý tốt hơn tiếng Anh. Ý là quê hương thứ hai giúp tôi hoàn thành giấc mơ, là một phần tuổi trẻ của tôi. Ở Ý, tôi không cảm thấy mình là người xa lạ vì tôi hiểu con người và văn hóa của họ. Mà chẳng cần phải lý giải tại sao, không chỉ là nơi tôi và gia đình sinh sống mà còn là nơi tôi công tác. Nước Ý giống như điểm cầu để từ đó tôi đi khắp thế giới trong những chuyến công tác, theo các giải bóng đá lớn.

- Ý có gắn liền một cô gái, một mối tình nào của anh?

Nước Ý là người tình già của tôi (cười).

- Vì yêu Ý nên đặt nick “Ngọc Ý” chăng?

Cái tên này là anh đạo diễn Phạm Hoàng Nam đặt cho tôi đấy. Nó theo tôi chục năm rồi. Ai cũng gọi tôi như thế, mọi người bảo vì tôi nặng duyên với nước Ý.

- Anh sẽ trở lại Ý vào một ngày gần nhất chứ?

Chắn chắn! Người ta hay nói rằng khi đến Rome ném xuống đài phun nước những đồng xu thì sẽ trở lại. Tôi chẳng ném một đồng xu nào xuống đấy cả, không phải keo kiệt mà vì tin chắc chắn rằng mình sẽ trở lại.

Virus cướp đi của người ta những cảm giác rất con người

- Với một người ưa xê dịch, tiếp xúc nhiều với các nền văn hóa khác nhau, điều gì khiến anh suy nghĩ nhiều nhất trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp?

Tôi thấy đấy là khoảng trống trong sự kết nối của con người với con người. Đại dịch khiến cho người ta trở nên xa nhau, nghi kỵ nhau hơn, khiến cho người ta cảm thấy nhớ những cái ôm hôn, đụng chạm, nhớ những cuộc gặp gỡ. Những ai sống ở Châu Âu chắc chắn sẽ hiểu điều này. Virus cướp đi của người ta những cảm giác rất con người!

- Ở thời điểm giữa sự sống và cái chết, những phù phiếm vật chất nhường chỗ cho những yêu thương, sẻ chia, con người muốn sống nhân văn hơn...

Đúng! Bởi vì con người là quý giá nhất. Những cái phù phiếm ở thời điểm đó không giải quyết được vấn đề gì. Khi bị biệt lập, cách ly người ta bắt đầu nhớ rất nhiều thứ như thiên nhiên, nhớ bạn bè, nhớ những thói quen cũ. Chính vì khi bị tước đi những thói quen đấy, người ta sẽ bắt đầu trân trọng những gì mình đã có, từ đó sẽ phải cố gắng giữ lấy nó.

- Theo anh điều gì là đáng sợ?

Có rất nhiều người nói với tôi rằng thực ra họ không sợ Covid-19. Điều họ sợ nhất là mất cảm giác họ là con người. Con người ở đây là được hưởng thụ, được tự do, được đi lại, được gặp gỡ người này người kia.

{keywords}

- Nếu được đi ra bên ngoài, được trở lại cuộc sống bình thường thì anh có trở lại Châu Âu và có còn viết ký nữa không?

Tôi sẽ trở lại Ý, gặp những bạn bè của mình và ôm hôn họ một cái. Sau chuyến đi Nga năm 2018 tôi đã có một phần, một cuốn sách du ký mới rồi nhưng bây giờ nó đang thiếu hai đến ba phần khác và cần phải được hoàn chỉnh trong thời gian tới. Nhiều nhà xuất bản vẫn hỏi tôi xem viết tiếp không nhưng vấn đề là tôi phải đi thì mới viết được. Tôi không thể ngồi nhà lôi ảnh cũ ra xong rồi ngồi tưởng tượng.

- Anh vẫn viết thể loại du ký chứ?

Tôi sẽ vẫn viết du ký, nhưng chất viết của 2022 khác 2012, vì tôi đã trưởng thành hơn, nhiều điều khác biệt, cái nhìn về thế giới về nhân sinh quan nhiều thay đổi. Ở cuộc sống hậu Covid-19, tôi đi sẽ nhìn cái gì? Những góc nhìn về hậu Covid-19, quan sát theo lăng kính một nhà báo để khám phá một cái góc nhìn riêng của tôi. 

{keywords}

- Cũng nhiều người viết du ký nhưng những trang sách của nhà báo Trương Anh Ngọc lại có sự lôi cuốn khó tả. Theo anh sự hấp dẫn ấy đến từ đâu?

Tôi nghĩ tôi là một người đi nhiều, ưa xê dịch và ham tìm tòi, có vốn sống. Mà cái vốn sống đó tôi có được vì đọc sách nhiều kể từ khi còn bé và sau đó là đi. Đi là để kiểm nghiệm tất cả những điều đã đọc đấy có đúng hay không? Sự trải nghiệm đem lại sự khác biệt trong chất viết của tôi. Trong du ký của tôi không có chuyện gợi ý ăn gì? Ngủ ở đâu? Giá bao nhiêu? Đi như thế nào? Không hề có chuyện tôi mệt thế nọ, tôi thế kia. Du ký của tôi là những câu chuyện rất đời thường.

Ví dụ như khi sang Brazil, tôi chui vào những khu ổ chuột từng suýt chết ở trong đó. Đấy là hiện thực cuộc sống tàn khốc của nhiều người ở Brazil mà tôi muốn kể cho bạn đọc. Bên cạnh đó, tôi đan xen những thứ rất lãng mạn. Trên hành trình khám phá tôi sẽ làm khác đi, như tại sao đến Paris người ta chỉ nhăm nhăm trèo lên tháp Eiffel còn tôi đi đặt một bông hồng lên mộ bà Maria. Tôi tìm đến nhà tìm hiểu những câu chuyện xung quanh cuộc đời bà. 

Trần Đạt 

'Tôi là Bêtô' của Nguyễn Nhật Ánh được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc

'Tôi là Bêtô' của Nguyễn Nhật Ánh được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc

Tác phẩm "Tôi là Bêtô" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được một nhà xuất bản Hàn Quốc mua bản quyền để dịch và xuất bản tại Hàn Quốc.