-Việc quy định tầng hầm trong thiết kế xây dựng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe các công trình được nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít những băn khoăn: Liệu quy định này có thực tế và đúng quy định?
Không đủ yêu cầu bổ sung
Ngày 14/4/2016, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội (QH-KT), ông Lê Vinh đã ký thông báo về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại.
Chỗ để xe ô tô đang là vấn đề nhức nhối của hàng trăm chung cư tại Hà Nội. |
Thông báo nêu rõ: “Ngày 24/3/2016 Thành ủy Hà Nội đã có thông báo số 83-TB/TU thông báo Kết luận của Thường trực Thành ủy về việc triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới trong đó có nội dung: Trong thiết kế và xây dựng phải bố trí 3 tầng hầm để xe, xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ dự án và nhu cầu chung của thành phố”.
Từ đó, Giám đốc Sở yêu cầu các phòng ban chuyên môn của sở này trong quá trình thẩm định các đồ án, dự án thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
Đối với các đồ án, dự án mới nộp vào Sở để thẩm định, chấp thuận quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc: Khi kiểm tra hồ sơ nếu không đủ 3 tầng hầm với chức năng để xe, cần yêu cầu các Chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm làm chỗ để xe cho bản thân công trình và khu vực xung quanh; bố trí nhà vệ sinh công cộng (có thể tại tầng 1 công trình) có lối tiếp cận bên ngoài để phục vụ bản thân dự án và khách vãng lai trong khu vực. Nhà vệ sinh công cộng cần đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến sử dụng công trình.
Đối với các đồ án, dự án đã xong về thủ tục quy hoạch, kiến trúc nhưng chưa đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các Sở, ngành liên quan (cấp chứng nhận đầu tư, chứng nhận đầu tư, xin phép xây dựng…vv) các phòng được giao thẩm định yêu cầu Chủ đầu tư bổ xung tầng hầm đỗ xe (nếu chưa đủ từ 3 tầng hầm trở lên) và nhà vệ sinh công cộng theo yêu cầu nêu trên. Trường hợp chỉ điều chỉnh về kiến trúc mà giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt thì yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ, phương án kiến trúc đủ 3 tầng hầm để xe và xác nhận điều chỉnh phương án kiến trúc đã bổ xung tầng hầm và nhà vệ sinh công cộng.
Đối với các đồ án, dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các Sở, ngành: Các phòng được giao thẩm định cần xem xét cụ thể, trong trường hợp bổ sung tầng hầm ảnh hưởng đến kết cấu công trình cần nêu rõ lý do, có văn bản gửi UBND thành phố để báo cáo.
Với thông báo trên từ nay các dự án nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội bắt buộc phải có tối thiểu là 3 tầng hầm với mục đích tăng cường chỗ để xe cho người dân, hạn chế áp lực về chỗ để xe cho thành phố.
Sau khi ban hành Thông báo này, những chỉ đạo của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này trong đó đặt ra nhiều lo lắng băn khoăn.
Vội vàng, trái luật?
Trên cơ sở nội dung thông báo của Sở QH-KT, một số doanh nghiệp đặt ra vấn đề khi chủ đầu tư xây trung tâm thương mại 2-3 tầng ở ngoại thành cũng phải làm tới 3 tầng hầm, hay xây dựng công trình cao 5-6 tầng vẫn phải làm cho đủ 3 tầng hầm?
Trong khi đó, theo công văn của Bộ Xây dựng về hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, trong đó có chỉ tiêu chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy, xe đạp) áp dụng cho công trình nhà chung cư như sau: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); Đối với nhà ở xã hội: Cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe).
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí cũng cho rằng, việc có bao nhiêu tầng hầm nếu chỉ xét về góc độ quy định về quy chuẩn thiết kế hoặc quy chuẩn về quy hoạch thì hoàn toàn không bắt buộc phải quy định bao nhiêu tầng hầm.
Đồng ý với quy định bắt buộc phải có tầng hầm đối với dự án nhà cao tầng là cần thiết, tuy nhiên theo ông Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) không thể đánh đồng, quy chụp tất cả các công trình phải thực hiện giống nhau được.
Ông Chủng cũng chỉ ra rằng, nếu có quy định, thì Sở QH-KT Hà Nội phải quy định cụ thể loại và cấp công trình buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn, quy chuẩn của Bộ Xây dựng về quy định phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Cũng liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành chức năng. Cụ thể, UBND TP giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, chính sách để cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy, báo cáo UBND TP trong tháng 5-2016.
Văn bản nêu rõ, kết quả nghiên cứu, đề xuất phải làm rõ những nội dung chủ yếu như: thẩm quyền, hình thức ban hành chính sách; sự đồng bộ, phù hợp của các biện pháp, chính sách đề xuất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; phân loại các nội dung quản lý để có chính sách áp dụng phù hợp (phân loại theo mô hình đầu tư: nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, công trình công cộng, công trình hỗn hợp; theo quy mô đầu tư; theo không gian áp dụng: nội thành, ngoại thành…; các điều kiện về kỹ thuật khi xây dựng tầng hầm nhằm đảm bảo khả năng kết nối hệ thống các công trình ngầm; vấn đề chuyển tiếp khi áp dụng chính sách.
Hồng Khanh