Ý tưởng được xem là đòn bẩy để phát triển dịch vụ OTT ở Việt Nam là phải có một số đơn vị cung cấp nội dung đủ mạnh đứng ra xây dựng một kho nội dung riêng cho Việt Nam. Các nhà cung cấp thiết bị sẽ hợp tác với nhà cung cấp nội dung để khai thác kho nội dung này cho người dùng. Cách thức quản lý kho nội dung có thể là cho nhà cung cấp thiết bị trả phí bản quyền, hoặc cùng ăn chia phí thuê bao. Tuy nhiên, ý kiến này được một số nhà cung cấp thiết bị Android TV Box có tiếng trên thị trường đưa ra khá lâu nhưng cũng chưa thành hiện thực.

Tính đến nay trong số các nhà cung cấp dịch vụ OTT  chỉ có rất ít đơn vị truyền hình là có sở hữu nội dung riêng như SCTV, VTVcab hay gần đây là MobiTV, K+ cũng đang xây dựng kho nội dung riêng trên Internet. Thị trường video theo yêu cầu (VOD) cũng có sự tham gia của những doanh nghiệp nội dung lớn từ Việt Nam gồm Clip TV, BHD (Danet), Galaxy (FimPlus). Chỉ có các nhà sản xuất nội dung lớn như các đài truyền hình, hãng phim mới có đủ lực để phát triển nội dung có bản quyền trên Internet, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều muốn nắm giữ nội dung để khai thác kinh doanh, việc chia sẻ hay bán lại nội dung này cho các nhà cung cấp thiết bị chưa được hình thành ở Việt Nam.

Theo ý kiến của một số nhà phân phối thiết bị OTT, phần lớn các nhà cung cấp Android TV Box chỉ đơn thuần là kinh doanh thiết bị, người dùng Việt Nam chủ yếu chỉ xem các ứng dụng miễn phí trên kho ứng dụng Google Play Store. Mà các ứng dụng miễn phí được cung cấp không ổn định, chất lượng cũng chưa tốt, nhiều nội dung vi phạm bản quyền. Theo ông Bùi Văn Tiếp, nhà phân phối thiết bị Kiwi Box, mối quan tâm lớn nhất người dùng OTT là xem được đầy đủ các kênh truyền hình yêu thích, sau đó mới là các ứng dụng khác. Nhưng đa phần là các kênh truyền hình được cung cấp “lậu” chưa có bản quyền, nên khi bị khiếu nại thì nhà cung cấp phải hạ kênh xuống, dẫn đến người dùng xem không được ổn định.

Có thể nói, các nhà sản xuất thiết bị Android TV Box phụ thuộc rất lớn và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. Do đó, một số ý kiến đề nghị Bộ TT&TT cần tính chuyện quản lý chất lượng kỹ thuật sản phẩm, cũng như quản lý nội dung cho thiết bị Android TV Box. Việc nhà nước có chính sách quản lý nội dung sẽ giúp các nhà sản xuất thiết bị an tâm hơn để phát triển sản phẩm của mình.

Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc công ty Trường Lâm, nhà phân phối sản phẩm Karabox K1, dù nhà nước không bắt buộc phải làm hợp quy sản phẩm Android TV Box như thiết bị DVB-T2 nhưng một số nhà cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt vẫn tự làm thủ tục công bố hợp quy sản phẩm. Nhưng số này rất ít và đa số sản phẩm Android TV Box được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, chất lượng không kiểm soát được.

Trước đây, ông Bùi Văn Tiếp, nhà phân phối sản phẩm Kiwibox đã đưa ra kiến nghị về việc nhà nước phải có biện pháp quản lý chất lượng kỹ thuật sản phẩm Adroid TV Box để bảo vệ quyền lợi người dùng. Bởi vì thị trường Android TV Box được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm tới, với số lượng người dùng lên đến con số hàng triệu, trong khi hàng trôi nổi chiếm lĩnh một phần lớn thị trường.

Ở khía cạnh nội dung cho thiết bị Android TV Box, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, chất lượng nội dung mới quyết định về ưu thế của sản phẩm Android TV Box, nhưng trên thực tế số lượng sản phẩm có kho nội dung riêng, nội dung chất lượng tốt, đặc biệt là nội dung có bản quyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các nhà cung cấp chỉ bán thiết bị, còn người dùng phải truy cập vào kho nội dung lậu trên Google có chất lượng rất kém và không ổn định.

Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường VOD (Video theo yêu cầu) của Việt Nam, mức độ dân số sử dụng dịch vụ VOD sẽ vào khoảng 3,3% vào năm 2017 và dự kiến tăng lên mức 5,9% vào năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu trung bình của mỗi thuê bao Việt Nam (ARPU) đang thấp hơn mức trung bình của thế giới gần 10 lần, chỉ đạt khoảng 5,78 USD.

Tuy nhiên, dù theo thống kê của Google, số lượng người xem dịch vụ VOD ở Việt Nam chỉ kém lượng người dùng mạng xã hội nhưng đa phần xem miễn phí dễ dàng trên các trang web lậu. Vì thế, trong thời gian tới, khi chuyển dịch từ dịch vụ miễn phí sang dịch vụ VOD có thu phí thì lượng người dùng dịch vụ VOD tăng chậm trong 4 năm tới là có thể hiểu được. Việc chuyển dịch từ miễn phí sang có phí sẽ mất nhiều thời gian và gặp khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường VOD ở Việt Nam là rất lớn.