Trong vòng 24 giờ qua, mỗi thùng dầu Brent đã tăng 1,17 USD lên 86,51 USD/thùng, thu hẹp mức giảm so với một tháng trước đó xuống 7,78%. Hôm 22/11, giá dầu Brent đã rơi xuống dưới ngưỡng 84 USD/thùng, thấp nhất trong gần 2 tháng.
Trong khi đó, mỗi thùng dầu WTI tăng 1,77 USD, tương đương 2,27%, lên 79,862 USD.
"Giá dầu quay đầu tăng do các nhà giao dịch tranh thủ mua vào giá rẻ. Trong những tuần qua, loại hàng hóa này đã chịu sức ép lớn do các đợt bùng phát Covid-19 mới ở Trung Quốc và những cuộc thảo luận về việc áp giá trần với dầu thô Nga", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
Biến động của giá dầu Brent và dầu WTI trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc
Số ca mắc Covid-19 hàng ngày của đất nước tỷ dân đã tăng lên mức cao kỷ lục, vượt đỉnh hồi tháng 4. Nomura ước tính rằng hơn 1/5 GDP của Trung Quốc đang bị phong tỏa. Các siêu đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh gần đây đều thắt chặt hạn chế.
Giới quan sát cho rằng các hoạt động kinh tế bị gián đoạn hoặc sụt giảm sẽ kéo nhu cầu dầu tại đất nước 1,4 tỷ dân đi xuống.
"Câu hỏi đặt ra là các lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu. Dường như giới đầu tư đã lạc quan quá sớm về việc Trung Quốc nới lỏng những hạn chế chống dịch", ông Erlam bình luận.
Những hạn chế được áp đặt tại các thành phố và thị trấn từ trung tâm sản xuất phía nam Quảng Châu đến phía bắc Bắc Kinh. Ảnh: AP. |
Mới đây, Bắc Kinh đã ban hành một gói giải cứu 16 điểm đối với ngành công nghiệp bất động sản và điều chỉnh lại các chính sách phản ứng với đại dịch nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế - xã hội.
Hôm 25/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng 0,25 điểm phần trăm, bắt đầu từ ngày 5/12. Đây là lần cắt giảm RRR thứ 2 trong năm nay.
Đề xuất áp giá trần với dầu Nga
Trong khi đó, đại diện của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về đề xuất của G7 nhằm đặt mức giá trần đối với dầu Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo Reuters, con số này dường như quá thấp đối với một số nước, trong khi lại quá cao với nhiều quốc gia thành viên khác.
Cụ thể, Ba Lan, Lithuania và Estonia tin rằng mức giá 65-70 USD/thùng là quá cao. Nga có thể thu về khoản lời lớn vì chi phí sản xuất chỉ khoảng 20 USD/thùng.
Trong khi đó, Cyprus, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá trần đó quá thấp, đồng thời yêu cầu bồi thường cho doanh nghiệp và tăng thời gian để điều chỉnh. Nếu các giao dịch mua bán dầu Nga bị cản trở, ngành vận tải biển của những quốc gia này sẽ đối mặt nguy cơ thua lỗ.
"Họ không thể đạt được thỏa thuận vì quan điểm về mức giá trần quá khác nhau", New York Times nhận định.
Theo ông Erlam, các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục. "Tuy nhiên, kế hoạch giới hạn giá dường như không gắt gao như ý định ban đầu, thậm chí có thể không tạo ra bất cứ tác động nào", ông nói thêm.
Theo ông, nếu mức giá trần chỉ là 70 USD/thùng, mối đe dọa đối với sản lượng dầu của Nga sẽ là rất nhỏ. Bởi dầu Nga hiện đã được giao dịch quanh mức này.
"Điều đó đã tác động tới giá dầu thô thế giới trong tuần này", ông Erlam giải thích.
(Theo Zing)