Trót tin lời cò
Tháng 5/2022, bà Trần Thị Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng một số nhà đầu tư đi tìm cơ hội tại đất vùng ven Hà Nội. Bà Nhung được một môi giới nhà đất tên Tuấn tư vấn rất nhiệt tình mấy lô đất tại Hoà Bình.
Theo môi giới này, đất ven đô đang sốt, người mua chỉ chờ 1-2 tháng có thể kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Lô đất Tuấn giới thiệu cho bà Nhung có diện tích hơn 1.000m2 có giá hơn 3 tỷ đồng.
Lần đầu tiên đầu tư đất vùng ven nên bà Nhung còn do dự, chưa muốn xuống tiền. Tuy nhiên, Tuấn đã cam kết sẽ bán lại cho bà Nhung mảnh đất này, cùng lời hứa sẽ có lời trăm triệu đồng. Thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn, bà Nhung đã chốt lô đất tại Hoà Bình với hy vọng có thêm một khoản lợi nhuận cuối năm nay. Giao dịch thành công, bà Nhung nhờ Tuấn tìm khách rao bán và hứa mức hoa hồng hấp dẫn.
Sau một tháng, bà Nhung sốt ruột vì chưa có khách hỏi. Bà gọi điện cho Tuấn để xem tình hình, môi giới này trấn an bà thị trường vẫn tốt, chỉ ít nữa là có thể bán được mảnh đất.
Thời gian gần đây, nghe tin bất động sản đang giảm giá, bà Nhung càng lo lắng hơn. Bà gọi điện cho môi giới nhưng không liên lạc được. Một số nhà đầu tư trong nhóm bà cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, mua xong đất để bán lại thì cò lặn mất tăm.
“Lần đầu tiên mua đất tận Hoà Bình, tôi có quen ai đâu mà bảo bán lại. Giờ không biết tìm ai bán để lấy lại tiền”, bà Nhung lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) đang gặp rắc rối sau khi được môi giới tư vấn mua mảnh đất ở Hoà Bình. Ông cho hay, cách đây mấy tháng, ông được tư vấn mua mảnh đất dự án tại Hoà Bình từ môi giới tên Trang.
Thấy ông Mạnh là nhà đầu tư tiềm năng, Trang tư vấn rất nhiệt tình. Trang còn dùng xe ô tô cá nhân đưa ông Mạnh đi xem dự án, mời ăn trưa và hứa sẽ bán lại cho ông nếu có nhu cầu. Ông Mạnh khá tin tưởng nên đã xuống tiền đặt cọc lô đất, sau đó đóng tiền theo tiến độ với chủ đầu tư.
Sau khi ông Mạnh mua, dự án có vướng mắc về thủ tục nên đã không thể thực hiện vào hợp đồng mua bán. Chủ đầu tư hứa sẽ trả tiền cho khách hàng như ông Mạnh, tuy nhiên thời gian thì còn phải chờ.
Lo lắng mất tiền, ông Mạnh liên hệ tới Trang thì nhận được thông tin không còn làm tại công ty này và không còn trách nhiệm gì với ông. Ông tự liên hệ với chủ đầu tư để làm việc. “Cứ tưởng kiếm được ít lời nhưng ai ngờ có nguy cơ mất trắng”, ông bức xúc.
Tiền tỷ mắc kẹt
Theo khảo sát, thị trường bất động sản ven đô đang có dấu hiệu chững lại, lượng giao dịch ít. Thời gian qua, đất sốt ảo do có sự tham gia của một đội quân môi giới, tung tin làm giá thị trường. Sau khi hết sốt, nhiều môi giới nhà đất bỏ nghề hoặc chuyển sang địa bàn khác, còn người mua chịu thiệt hại nếu vào đúng đỉnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thời gian vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng thị trường vẫn liên tục “sốt nóng”, đặc biệt là giá cả liên tục thay đổi, đảo chiều, tạo ra áp lực rất lớn cho thị trường, thậm chí giá đất đai một số nơi nhảy múa, tăng vọt một cách bất ngờ.
Một trong những nguyên nhân xuất phát từ lực lượng đầu cơ, môi giới nhà đất tay ngang, không chuyên nghiệp. Kể cả những nhà môi giới tại các công ty chuyên nghiệp vẫn cố tình "tiếp tay" để đẩy giá, thổi giá nhà, đất nhằm hưởng lợi.
Để thoát hàng, bà Nhung đang nhờ một số bạn bè giới thiệu khách và đăng thông tin lên mạng. Bà cho hay: “Tiền đi liền với khúc ruột nên không thể tin ai cả. Nếu không bán được, tôi phải chấp nhận để mảnh đất đó chờ một thời gian nữa”.
Tương tự, ông Tùng, một nhà đầu tư đất ở Ba Vì cho hay, ông mua mảnh đất 1.000m2 ở Tân Lĩnh đầu tháng 4 tới nay vẫn chưa tìm được khách mua. Nhân viên môi giới tư vấn ông mua mảnh đất này cũng đã nghỉ việc, giờ ông phải tự rao bán trên mạng.
Bà Nguyễn Hương, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần quy chuẩn cho nghề môi giới. Cần quy định rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân và tổ chức tham gia hành nghề, để từ đó có giám sát, chế tài mạnh tay với những hành vi làm trái quy định, trái quy chuẩn nghề nghiệp.