Cuộc sống của trẻ giàu và trẻ nghèo ở Mỹ có vẻ ngày càng khác biệt trong những thập kỷ gần đây.
Ảnh minh họa |
Những gia đình giàu có quản lý con cái bằng thời gian biểu như các lớp học múa ba lê, bóng đá, các chương trình ngoại khóa – theo một khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Tuy nhiên, ở những gia đình nghèo, trẻ em hầu hết dành thời gian ở nhà. Chúng thường lớn lên ở những khu dân cư không tốt cho việc nuôi dạy trẻ, có nguy cơ bị bắn, bị đánh đập hoặc gặp rắc rối về luật pháp.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khác biệt về tầng lớp trong việc nuôi dạy con cái ngày càng lớn. Đây là một triệu chứng của sự bất bình đẳng với những hậu quả sâu rộng. Cách nuôi dạy khác nhau khiến đứa trẻ đi những con đường khác nhau và có thể đào sâu sự chia rẽ về kinh tế xã hội, đặc biệt là khi giáo dục có mối quan hệ mật thiết với thu nhập.
“Những trải nghiệm thời thơ ấu có thể rất ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức, tình cảm, xã hội của trẻ sau này” – Sean F. Reardon, giáo sư chuyên nghiên cứu về đói nghèo và bất bình đẳng trong giáo dục tới từ ĐH Stanford cho hay.
Những phụ huynh nghèo dành ít thời gian và ít nguồn lực để đầu tư cho con cái, khiến đứa trẻ ít được chuẩn bị cho việc học tập ở trường cũng như cho công việc sau này và dẫn đến việc đứa trẻ đó sẽ có thu nhập thấp hơn.
Theo báo cáo của Pew và các nghiên cứu trước đây, cha mẹ Mỹ cũng giống như các bậc phụ huynh khác, muốn con cái mình được khỏe mạnh và hạnh phúc, trung thực và có đạo đức, biết quan tâm và bao dung. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chẳng có kiểu làm cha mẹ hay triết lý làm cha mẹ nào là tốt nhất. 92% phụ huynh khẳng định họ đang làm tốt việc nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, cách họ làm thì khác nhau.
Tầng lớp trung lưu và tầng lớp có thu nhập cao hơn thì coi con cái như những dự án cần phải chăm sóc cẩn thận – bà Annette Lareau tới từ ĐH Pennsylvania khẳng định. Họ cố gắng phát triển cho con cái các kỹ năng thông qua giám sát chặt chẽ, các hoạt động có tổ chức, dạy trẻ đặt câu hỏi về những nhân vật quyền lực và hướng tới các tổ chức ưu tú.
Trong khi đó, cha mẹ ở tầng lớp lao động tin rằng con cái sẽ phát triển tự nhiên. Họ cho con cái sự độc lập nhiều hơn và nhiều thời gian để chơi tự do. Trẻ được dạy biết nghe lời và lễ phép với người lớn.
Cả hai phương pháp nuôi dạy này đều có những ưu điểm riêng. Những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động sẽ vui vẻ hơn, tự lập hơn, ca thán ít hơn và gần gũi với gia đình hơn – bà Lareau nói. Còn những đứa trẻ ở gia đình thu nhập cao thường kêu ca về sự nhàm chán và mong muốn cha mẹ giải quyết những vấn đề của mình.
Tuy nhiên, sau đó, những đứa trẻ giàu hơn hoàn thành đại học và tiến tới tầng lớp trung lưu, trong khi những đứa trẻ nghèo thường phải vật lộn với cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái giữa cha mẹ giàu và nghèo ngày càng tăng, bởi vì phụ huynh có thu nhập thấp có ít tiền để đầu tư cho các lớp học nhạc, trường mầm non và có lịch làm việc ít linh hoạt để dành thời gian đưa con tới viện bảo tàng, tham gia các sự kiện ở trường.
Trong số những gia đình có thu nhập trên 75.000 USD/ năm, 84% nói rằng con cái họ đã tham gia vào các môn thể thao có tổ chức trong năm vừa qua, 64% đã làm tình nguyện và 62% tham gia các lớp học nghệ thuật. Trong số những gia đình có thu nhập ít hơn 30.000 USD/ năm, 59% trẻ chơi thể thao, 37% làm tình nguyện và 41% tham gia các lớp học nghệ thuật.
Đặc biệt, ở các gia đình giàu có, trẻ cũng bắt đầu tham gia các hoạt động từ sớm. Gần một nửa trẻ có bố mẹ giàu có, có bằng đại học đăng ký cho con cái học nghệ thuật trước 5 tuổi, trong khi chỉ có 20% trẻ nhà nghèo, bố mẹ ít học tham gia những lớp học này.
Tuy nhiên, 20% phụ huynh giàu có nói rằng lịch trình của con họ quá dày đặc, và chỉ có 8% phụ huynh nghèo nói như vậy.
Hầu hết phụ huynh Mỹ nói rằng họ không quan tâm tới điểm số của con cái miễn là chúng học hành chăm chỉ. Tuy nhiên, 50% cha mẹ nghèo cho biết việc trẻ có bằng đại học là cực kỳ quan trọng với họ. Chỉ có 30% cha mẹ giàu nghĩ như vậy.
- Nguyễn Thảo (Theo New York Times)