Bộ TT&TT sẽ cho phép những doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm mạng và dịch vụ 4G LTE/LTE-A được xây dựng đề án xin cấp phép thử nghiệm.

Cụ thể, theo công văn do Bộ TT&TT gửi 4 doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty MobiFone và GTel Mobile) mới đây, các DN được xin cấp phép thử nghiệm dịch vụ 4G là DN đã được cấp phép và khai thác cung cấp dịch vụ di động trên băng tần 1800 MHz; có nhu cầu thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông; có đề án xin cấp phép theo quy định về triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông di động theo chuẩn công nghệ LTE/LTE-A.

{keywords}

Mỗi doanh nghiệp chỉ được lựa chọn thử nghiệm tối đa tại 3 khu vực (tỉnh, thành phố), bảo đảm các yếu tố về vùng phủ sóng ở thành thị, nông thôn và có ít nhất một khu vực đã triển khai UMTS 900 MHz. Doanh nghiệp chủ động phân bổ hạ tầng mạng truy nhập vô tuyến, tuy nhiên số trạm thử nghiệm không vượt quá 100 trạm BTS (eNodeB) trên một khu vực thử nghiệm, trong đó số trạm thử nghiệm phủ sóng trong tòa nhà và small cell không nhỏ hơn 10% tổng số trạm được thử nghiệm trên một khu vực và đảm bảo đánh giá được các nội dung cần thử nghiệm.  Nói cách khác, tổng số trạm BTS 4G mà các nhà mạng được phép thiết lập trong đợt thử nghiệm này không quá 300 trạm.

Về khung thời gian, công văn nêu rõ các nhà mạng sẽ có một năm để thử nghiệm thiết lập mạng và dịch vụ. Doanh nghiệp nào muốn gia hạn sẽ phải gửi hồ sơ xin phép về Bộ TT&TT một tháng trước khi giấy phép thử nghiệm hết hạn. Tuy vậy, thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian các lần gia hạn không vượt quá 1 năm. Những doanh nghiệp vi phạm quy định trong thời gian thử nghiệm sẽ không được cấp phép gia hạn.

Liên quan đến tần số thử nghiệm, trên cơ sở cân đối tài nguyên phổ tần được cấp phép, DN chủ động tham vấn Cục Tần số về đoạn băng tần 1800MHz refarming và các băng tần khả dụng khác (2,3GHz, 2,6GHz) để triển khai thử nghiệm LTE/LTE-A. Riêng băng tần 2.6GHz thì theo kế hoạch sẽ đấu giá vào năm 2016, do đó các nội dung thử nghiệm liên quan đến băng tần này phải tạm dừng khi có kết quả đấu giá và có yêu cầu từ Bộ TT&TT.

Ngoài dịch vụ truy nhập dữ liệu Internet, DN chủ động lựa chọn dịch vụ dự định thử nghiệm như thoại, tin nhắn trên nền LTE. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích các DN có các mô hình thử nghiệm ứng dụng dịch vụ dữ liệu tốc độ cao cho các hoạt động khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), hệ thống giám sát trong giao thông công cộng, an ninh công cộng và các trường hợp khẩn cấp... Doanh nghiệp cũng phải xây dựng phương án để đảm bảo chất lượng cho dịch vụ 2G trên băng tần 1800 MHz đang cung cấp trong quá trình thử nghiệm 4G trên băng tần này.

DN phải thông báo đến người dùng các khuyến nghị và điều kiện cần thiết để đăng ký sử dụng dịch vụ thử nghiệm, cung cấp công khai các thông tin trên trang thông tin điện tử liên quan đến khu vực thử nghiệm, dịch vụ và chất lượng dịch vụ, bản đồ vùng phủ và cùng dịch vụ của khu vực thử nghiệm. Trong giai đoạn thử nghiệm, DN thông báo đến khách hàng tham gia thử nghiệm và Bộ TT-TT về giá cước dự định áp dụng (nếu có). DN chủ động nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định giá cước dịch vụ khi triển khai thực tế và báo cáo khi kết thúc thử nghiệm.

Sau khi thử nghiệm, DN tổng kết, báo cáo kết quả thử nghiệm, trong đó đề xuất rõ lộ trình, quy mô phạm vi triển khai 4G LTE/LTE-A trong các giai đoạn tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, Bộ TT&TT sẽ thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thử nghiệm trên thực tế của DN.

Trước đó, hồi đầu tháng, Viettel đã bất ngờ thông báo sẽ bắt đầu cung cấp thử nghiệm 4G vào tháng 10/2015 với giá cước không cao hơn 3G. Mạng 4G trước mắt sẽ phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Đến cuối 2015 chậm nhất là quý I/2016 Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G và khi sử dụng 4G người dùng sẽ phải đổi sim. Về phần mình, đại diện một nhà mạng khác cho biết, việc cấp phép thử nghiệm chỉ được Cục Viễn thông tiến hành vào tháng 10, đồng nghĩa với việc hồ sơ xin cấp phép sẽ chỉ được phê duyệt vào cuối tháng 9, nên hiện tại, DN này chưa thể chia sẻ bất cứ thông tin nào chính thức về kế hoạch thử nghiệm.

T.Cầm