105 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ của 3 tỉnh do “nhà tâm linh” Nguyễn Văn Thúy dẫn đầu tìm kiếm đều chứa xương động vật. Mỗi bộ hài cốt tìm được, Thúy “đút túi” 75 triệu.

“Nhà ngoại cảm” Nguyễn VănThúy là ai?

Theo nội dung clip của chương trình Trở về từ ký ức: "Nhà ngoại cảm" Nguyễn Văn Thúy (còn gọi là “cậu Thủy", quê ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) đã khai quật một điểm ở Quảng Trị để đưa về 9 tiểu sành. 

Nhưng sau khi giám định thì kết quả cho thấy đây là một vụ chôn xương người lẫn xương động vật, giả làm hài cốt liệt sĩ.

Nhóm phóng viên chương trình Trở về từ ký ức đã bắt đầu “để mắt” đến “nhà ngoại cảm” này từ năm 2011.

Theo đó, Nguyễn Văn Thúy nguyên là công an, nhưng đã bị sa thải. Sau khi ly dị vợ đầu, Thúy chung sống với bà Mẫn Thị Duyên. Thúy và Mẫn Thị Duyên giả có khả năng “thấu thị”, hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sĩ với biệt danh tự xưng là “cậu Thủy”.

Năm 1995, Thúy và Duyên bị kết án 10 và 12 năm tù vì tội lừa đảo và tàng trữ vũ khí quân dụng. Tại Thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), Thúy bị coi là “đối tượng đen”.

Sau khi ra tù cách đây 6 năm, vợ chồng Thúy – Duyên chỉ có căn nhà cấp 4. Nhưng nay, riêng khoản đất đai, nhà cửa trong 3 làng lân cận của cặp vợ chồng này đã có giá tới hàng chục tỷ đồng.

{keywords}
Nguyễn Thanh Thúy bị bắt sáng 28/10 (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Các chiêu “ăn” trên hài cốt liệt sĩ

Theo nội dung clip của chương trình Trở về từ ký ức, kịch bản “ăn tiền” của Nguyễn Văn Thúy được dựng lên như sau: Gia đình đến nhờ “cậu Thủy” ở thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), đặt 15 triệu đồng. 

Sau vài tháng, cậu dẫn đến một nơi hoang vắng và cậu bảo “nhập vong”. Vong sẽ đưa đến một nơi và bảo đào sâu 0,5 – 1m là thấy xương vụn và di vật có khắc tên; gia đình sẽ trả thêm cho cậu 100 triệu đồng nữa.

Thực chất, trước đó, Thúy đã thuê người lấy tiểu ngoài nghĩa địa Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) rồi mang ra một địa điểm chôn, khoảng nửa năm sau chỉ mộ cho một gia đình nào đó để ăn tiền.

Tại Bắc Ninh, vẫn còn một số nhân chứng bán tiểu và bán xương heo nái cho Thúy.

Anh Vũ Văn Thảo, cháu liệt sĩ Trần Thực (liệt sĩ Trần Thực hy sinh ở Quân khu 9 - Tây Nam Bộ), được “thầy Thúy” dẫn đi tìm hài cốt cho biết, riêng chi phí cho "thầy Thúy" gia đình đã chi trả tới 120 triệu đồng.

Để lấy lòng tin của thân nhân liệt sĩ, vợ chồng Nguyễn Văn Thúy – Mẫn Thị Duyên thường đưa cho các thân chủ những đĩa DVD giới thiệu chương trình tìm kiếm, quy tụ hài cốt liệt sĩ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Theo nội dung clip chương trình Trở về từ ký ức: Vào cuối năm 2012, một vụ quy tập hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước đã diễn ra và vẫn do Ngân hàng Chính sách xã hội và "cậu Thủy" chủ trì tại An Lộc (cũ) – nay là phường Hưng Chiến, Bình Long. Trong số các di cốt được bốc lên, có di cốt được xác định là hai cục xi măng. Một số xương hai đầu bịt xi măng đen, bên trong là cát trắng…

Còn phòng LĐ-TB-XH huyện Chơn Thành (Bình Phước) lại cho biết, Nguyễn Văn Thúy hay đi bốc mộ vào ban đêm. Thông thường đào sâu khoảng 60cm là phát hiện ra di vật, hài cốt, lớp đất đen; và chỗ nào cũng có chiếc bình tông đựng nước của liệt sĩ. Trên bình tông có khắc tên, địa chỉ của các liệt sĩ, những vết khắc còn rất mới. Cùng với đó là các đôi dép cao su cũng còn mới.

Sau mỗi vụ tìm hài cốt liệt sĩ, ngân hàng chính sách địa phương lại chuyển ngân cho Nguyễn Văn Thúy 75 triệu đồng/hài cốt. 

Riêng một đêm ở xã Ea H’leo (Đắc Lắk), Thúy – Duyên đã nói khống là khai quật 42 hài cốt, đút túi 3 tỷ đồng. Bốn cuộc “khai quật” trong chưa đầy 8 tháng, vợ chồng Thúy – Duyên đã thu tiền công là 7,9 tỷ đồng.

(Theo Khám phá/Chương trình Ký ức trở về)