Nhà ở kết hợp văn phòng là hạng mục được tích hợp nhiều chức năng trong một. Gia chủ có thể vừa để ở, vừa tận dụng làm văn phòng cho thuê hoặc kinh doanh mặt hàng nào đó. Đây là giải pháp mang lại lợi ích kép và là xu hướng thiết kế mới trong những năm gần đây. 

Kiến trúc sư Phan Hiển cho biết, mẫu nhà này thường được xây thêm tầng hầm, bán hầm để làm gara xe. Các tầng có căn hộ đều được thiết kế khép kín. Khu vực sân thượng cũng thường là nơi được tận dụng để làm sân chơi hoặc mở các quán cà phê mà lượng khách hàng nhắm tới chính là khách ở tại toà nhà. Tuy nhiên thiết kế phải đảm bảo có không gian sống hợp lý, đảm bảo sự riêng tư cho gia chủ, vừa có mặt bằng văn phòng.

Dưới đây là một mẫu nhà phố kết hợp văn phòng do kiến trúc sư thiết kế, thi công:

Nhà ở kết hợp văn phòng thường hướng tới phong cách hiện đại để giảm chi phí thiết kế và nội thất. Lô đất nằm ở góc nên nhà có 2 mặt thoáng, nhiều cửa sổ đón gió tự nhiên. 

Phối cảnh bóc mái công trình. 

Sự tối giản đường nét, nội thất mang lại vẻ đẹp phù hợp với nhà ở kết hợp văn phòng. Phong cách cổ điển trong trường hợp này khá tốn kém cũng như nặng nề khi nhìn và không phải lúc nào cũng phù hợp với hoạt động đặc thù của các văn phòng cũng như sinh hoạt gia đình.

Trong khi đó, nếu văn phòng không mang tính đại trà, phổ biến, bắt kịp xu hướng của thời đại, phù hợp nhiều loại hình kinh doanh thì sẽ khó khăn hơn trong vấn đề cho thuê hoặc kinh doanh. "Ngôi nhà có 2 chức năng nên cần sự phân chia hợp lý, khoa học. Thông thường, văn phòng cho thuê ở các tầng dưới để thuận tiện cho việc đi lại và kinh doanh", anh Hiển nói.

Khu vực sinh hoạt của gia đình nên được bố trí ở tầng cao để có sự yên tĩnh và riêng tư nhất định. Việc di chuyển của các thành viên trong gia đình cũng mang tính cá nhân và ít gây ảnh hưởng đến khu văn phòng phía dưới. 

Thiết kế nội thất cũng là một trong những vấn đề cần lưu ý khi xây nhà phố kết hợp văn phòng. 

Không gian phòng ngủ siêu sang, mát mẻ nhờ cửa sổ rộng. Theo anh Phan Hiển, công suất sử dụng của nhà ở kết hợp văn phòng thường lớn, nhiều người ra vào thường xuyên. Bởi vậy nên thiết kế cần đặc biệt lưu ý đến hệ thống lưu thông gió để giảm thiểu mùi và cảm giác ngột ngạt. Thông thường, cửa đón gió có diện tích lớn hơn cửa thoát gió. Ví dụ cửa đón gió ở dưới, sát chân tường thì cửa thoát gió nằm phía trên để không khí lưu thông, đem lại cảm giác thoáng mát.

Phòng thay đồ như biệt thự triệu đô, trưng bày hàng hiệu và các phụ kiện đẹp. Hệ thống tủ kính trong cho không gian thêm phần sang trọng

Các phòng ngủ trong công trình đều thiết kế sắc nét, thẩm mỹ và mang tính chất "căn hộ" khách sạn, để khi không có nhu cầu ở, gia chủ có thể cho thuê lưu trú. 

Anh Phan Hiển cũng lưu ý, môi trường văn phòng nên hạn chế xuất hiện mùi thức ăn. Bởi vậy sinh hoạt bếp núc hàng ngày của gia đình cần có chế độ hút và khử mùi tốt để tránh ám mùi. Để tăng thêm nguồn khí và đem lại cảm giác thư giãn dễ chịu, gia chủ cũng có thể cân nhắc trồng thêm nhiều cây xanh quanh công trình.

Quỳnh Nga