Trong hành trình dài vượt qua hai cây cầu về Hà Nội, nhà văn Đỗ Chu luôn có người bạn đời mà nhiều bạn văn hay qua lại gia đình ông gọi một cách trìu mến: “Bà Nhu”.
Nhà văn Đỗ Chu thường bảo ông sinh ra ở bên sông Thương (Bắc Giang), lớn lên bên sông Cầu (Bắc Ninh) và sống từ nay đến cuối đời ở cạnh sông Hồng. Ông định nghĩa ngắn ngọn cuộc đời mình từ khi trở thành nhà văn “chỉ là nỗ lực đi qua hai cây cầu, cầu Đuống và cầu Long Biên để về Hà Nội”.
Lẽ dĩ nhiên đây chỉ là cách nói khái quát và khiêm tốn của một nhà văn lớn.
Điểm đến Hà Nội đầu tiên là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi ông ở nhờ trong thời gian chờ nhận nhà. Tiếp theo là Khu tập thể Nam Đồng, cư xá của các gia đình quân nhân, có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Và gần đây, ông chuyển đến một chung cư mới nằm trên phố Đội Nhân. Ông nói vui, theo khẩu khí rất Đỗ Chu, chẳng sợ giời đất gì cả: “Giờ thì cứ ở đây, bao giờ phải đi thì đi, bệnh viện 354 ngay bên kia đường!”
Trong hành trình dài vượt qua hai cây cầu, ông luôn có người bạn đời mà nhiều bạn văn hay qua lại gia đình ông gọi một cách trìu mến: “Bà Nhu”.
Vợ chồng nhà văn Đỗ Chu trong khu vườn nhà ở thành phố Bắc Ninh |
Thời trẻ, ông Chu đẹp trai, nhìn ảnh ông hồi thanh niên in trên bìa gấp của một cuốn sách mới xuất bản, nhiều người giật mình. Thế nhưng đừng nhắc đến chuyện hình thức, kẻo lại bị ông mắng cho: “Đẹp hay không thì liên quan gì đến văn chương? Thế những đứa mặt rỗ không biết viết văn à?”.
Bà Nhu thời thiếu nữ cũng rất là xinh gái, mái tóc dài và dầy, khuôn mặt bầu bĩnh, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ. Bà là con gái Bắc Ninh, vốn ở cùng phố với ông Chu, lại học cùng trường Hàn Thuyên, ông trên bà hai lớp. Trai tài gái sắc bén duyên từ khi còn học phổ thông, nhưng đất nước đang buổi loạn lạc, phải tám năm sau, năm 1969 ông bà mới làm đám cưới.
Tôi không biết nhiều về thời thanh niên của ông bà, nhưng cứ lần theo những trang sách của nhà văn Đỗ Chu thì thấy ông đi nhiều, hết chiến trường này đến chiến trường kia, hết trận địa này sang trận địa khác. Đi mỏi chân thì lại về Bắc Ninh, “vục mặt vào mà viết”. Những cuốn sách nối nhau ra đời làm nên một trong những tên tuổi xuất sắc nhất của thế hệ văn học chống Mỹ. Từ đó có thể hình dung ra bà Nhu giống như bao người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh đã tần tảo thế nào để nuôi ba con (một trai, hai gái) vượt qua kỳ bao cấp và những khốn khó kinh tế thời hậu chiến.
Lần đầu tôi gặp bà Nhu là dịp theo cụ Thiên Tích, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam về Bắc Ninh chơi. Để tiếp cụ, ông Chu đã tổ chức hẳn một canh quan họ tại nhà riêng. Đêm hát rất vui, mọi người trò chuyện rôm rả, duy có một phụ nữ ngồi lặng lẽ nghe, lặng lẽ cười mơ hồ. Canh hát kết thúc, người phụ nữ ấy rụt rè đến bên cụ Thiên Tích, đưa tay nhờ cụ bắt mạch. Người ấy là bà Nhu.
Mấy năm trước, bà gặp phải một cơn tai biến. Đêm ấy, chỉ còn tiếng đồng hồ nữa là đến thời khắc giao thừa, bà Nhu tranh thủ đi thay quần áo. Ông Chu đang ngồi trên gác với anh con cả thì nghe có tiếng người ngã trong nhà tắm. Bình thường ông vốn là người không ưa hấp tấp, làm cái gì cũng chậm chạp, dềnh dang. Sốt ruột nhất là chờ ông hút thuốc lào, có khi thay đến ba, bốn cái đóm vẫn chưa xong điếu thuốc. Nhưng hôm ấy, mọi người kể lại, ông lao xuống nhà như người biết thuật phi thân. Mở được cửa buồng tắm ra thì bà Nhu đã cấm khẩu, không biết gì nữa.
Là người quan hệ rộng, ông đã tìm những thầy thuốc giỏi nhất lúc bấy giờ ở Hà Nội chạy chữa cho bà Nhu. Với bệnh của người bị tai biến phải nằm một chỗ, công thầy thuốc bao nhiêu thì công người chăm sóc cũng nhiều chỉ hơn chứ không kém. Đang là giáo viên, bà Nhu là người ăn nói mau mắn, thế mà sau cơn đột quỵ bà không chịu nói nữa. Tập nói, tập đi, tập giao tiếp… những công việc ấy lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Cái sự kiên nhẫn vất vả lặng lẽ ấy chỉ người trong cuộc mới biết, mới hiểu.
Làng văn thấy bẵng đi một thời gian dài ông Chu không ra sách mới, cứ nghĩ đấy là quy luật của sáng tạo, ai chẳng có lúc viết đang hăng rồi tự dưng đâm ra bí. Cứ như tôi đồ rằng thì thời gian ấy ông đã tập trung toàn bộ sức lực để chữa chạy cho bà Nhu…
Nhiều năm trôi qua, bà Nhu đã gần bình phục. Tôi hay gặp bà trong những sinh hoạt của giới văn hóa, văn nghệ mà ông Chu tham dự: Lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới của Hội nhà văn, Hòa nhạc Điều còn mãi, triển lãm tranh, ra mắt sách… những sự kiện mà theo tôi, bà có không tham gia cũng chẳng sao. Nhưng bà lại đòi đi mới lạ, có lẽ bà thích được ở bên ông giữa đám đông, bạn hữu. Việc khác không biết thế nào, nhưng riêng việc này tôi thấy ông rất chiều vợ, một người mà với ông vẫn còn đang ốm chưa khỏi hẳn.
Bây giờ mỗi lần đến nhà ông Chu chơi, sẽ gặp bà cười hiền hiền, ít nói, nhưng chu đáo và hiếu khách. Nếu không thấy bà, hỏi ông, sẽ được nghe câu trả lời lần nào cũng giống lần nào: “chắc lại đang đi tập thể dục đấy thôi!”
Trong mười tình khúc không tên lừng danh của mình, ở bản Tình khúc số 3, nhạc sĩ Vũ Thành An viết: “Yêu nhau cho nhau nụ cười/Thương nhau cho nhau cuộc đời…” Yêu có thể mang đến cho nhau niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng “thương” thì sẽ tặng cho nhau cả cuộc đời, không bao giờ hối tiếc. Điều này có vẻ rất đúng với các cặp vợ chồng và gia đình những người viết văn mà tôi biết, cho dù không cần gọi tên cụ thể ra ở đây. Bởi chưng, trong tiếng Việt, yêu – thương hoặc thương – yêu là hai từ không thể tách rời… Đã yêu thì đừng quên thương, và đã thương rồi thì nhất định sẽ yêu.
- Theo Hữu Việt (baophunuthudo.vn)