Còn tết hay không là ở con người. Thế hệ trẻ, nhiều người, hình như chưa hiểu được phong tục ngày tết là một truyền thống rất căn bản của văn hóa và tâm linh Việt.

Có khi nào không còn tết? Sao tôi lại hỏi vậy khi tết này sắp đến, ấm đầu chăng? Ngoài kia người xe tấp nập đi sắm tết. Vậy tại sao lại có câu hỏi ngớ ngẩn vậy? Xin kể lại cuộc trò chuyện mới xảy ra hôm qua với một đôi vợ chồng trẻ để bạn thông cảm cho người viết bài này.

- Tết này, bọn cháu có về Hà Nội không?

- Dạ, có, nhưng bọn cháu đi phượt với nhóm bạn ạ.

- Thế không ở nhà ăn tết à?

Chúng cười. Tôi hiểu. Chẳng phải chỉ có đôi bạn trẻ này mà ngay cả người lớn, nhiều người đã đặt vé cho gia đình đi chơi ở nước ngoài, hoặc đặt chỗ ở các khu du lịch nội địa. Họ không đi ăn tết mà là đi nghỉ. Trong hai chữ nghỉ tết, bây giờ, có lẽ nhiều người đã chọn chữ nghỉ mà bỏ chữ tết rồi.

Nhạc sĩ Dương Thụ: "Không có ngày tận thế như đồn đoán, thì cũng không thể có chuyện Tết Ta không còn nữa".

Ta đã cấm pháo. Thế là mất cái nhạc âm của ngày Tết. Ký ức âm thanh vốn là cái ký ức sâu nặng nhất của tâm hồn mỗi người, mất nó, tết khó trở thành một nỗi nhớ, một sự chờ mong. Ta lại mất thêm cái màu hồng của xác pháo rắc đầy lối ngõ đường đi, lẫn cái màu hồng phấn mỏng manh của cánh hoa đào phai thấp thoáng con mắt nhìn. Mất cả hai thứ đó, âm thanh và màu sắc, nghĩa là mất tết một nửa. Một nửa chứ không phải là mất hết nên ta vẫn còn tết. Nhưng còn tết hay không là ở con người. Thế hệ trẻ hình như rất nhiều người, như chưa hiểu được phong tục này tết là một truyền thống căn bản của văn hóa Việt Nam, là vấn đề của tâm linh Việt. Nhưng ai làm cho họ hiểu? Cái gì làm cho họ hiểu?

Nhạc sỹ Dương Thụ sinh năm 1943 tại Hà Nội. Ông là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Đánh thức tầm xuân", "Lắng nghe mùa xuân về"... Nhà thơ Dương Tường đánh giá: "Dương Thụ không chỉ là một nhạc sỹ mà còn là một nhà thẩm mỹ".

Bạn hãy tưởng tượng xem, một ngày nào đó bỗng dưng có sắc lệnh hủy bỏ Tết ta, chỉ ăn Tết Tây thôi (điều này nước Nhật đã làm cách đây cả trăm năm dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng). Không có pháo (dĩ nhiên rồi), không có hoa đào (vì chưa đủ rét để hoa đào tích nụ), và tết Tây chỉ nghỉ có 3 ngày. Người ở xa thì không kịp về nên chuyện đoàn tụ, cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày tết có khi cũng là cái lãng mạn "vu vơ" (ví dụ được gặp lại cô hàng xóm xinh đẹp mà mình vẫn mơ, được ngồi trong bếp cùng với anh chị làm cơm và tán gẫu như khi còn ở nhà, hay được về ngủ trong căn phòng thuở bé có mùi hoa mộc thơm ngát lùa qua cửa sổ...) chẳng còn nữa. Tết chắc chắn chỉ còn là một kỳ nghỉ ngắn dài hơn kỳ nghỉ cuối tuần đúng có 24 tiếng đồng hồ. Nếu thế thì kinh khủng quá. Hết tết rồi, tết ơi!

Nhưng... tôi giả đò kêu lên thế thôi. Các bạn hãy tin rằng điều kinh khủng ấy ở nước ta sẽ không thể xảy ra, vì nước ta chứ không phải nước Nhật. Người Việt ta chẳng dám làm cái gì đến cùng đâu. Nước ta lại thuộc nền văn hóa trồng lúa nước, xuất khẩu gạo cho cả thế giới ăn nên văn hóa lúa nước sẽ mãi mãi tồn tại. Nếu chúng ta bỏ trồng lúa để đi chế tạo ô tô, máy bay, chắc thế giới người ta kiện đấy.

Văn minh nông nghiệp là văn minh sống chậm. Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà. Tôi - một cư dân của nền văn minh nông nghiệp đã ghi lời chào trong máy điện thoại di động của mình là: Một ngày thong thả. Tết Quý Tỵ này vợ chồng tôi lại đi xuyên Việt, để tìm về quê ngày Tết. Thế nào cũng có chợ quê hai bên đường, phật thủ, bưởi đỏ, cam quýt vườn vàng vỏ xanh lá (dĩ nhiên phải cảnh giác với cam quýt Tàu), dứa cảnh, chuối lá, cây mía óng ả làm gậy ông vải, rồi lá dong về gói bánh chưng... may có thể mua được cành mai trắng thật to, thật đẹp như năm nào, thiếu thứ gì 24, 25, 26, 27 Tết đi chợ Và, chợ Ve, chợ Hồ, chợ Bắc Giang sắm thêm và ngắm người chơi chợ, tuyệt vời luôn. Đấy là chưa kể xuyên Việt khi gần về đến Hà Nội thể nào cũng có vụ kẹt xe "hoành tráng" để tha hồ ngắm dân ngoại tỉnh đi sắm tết và đi tết quan. Bị ngửi khói nhiều, nhưng mà chen chúc nhộn nhịp cũng có cái hay chứ? Viết đến đây, tôi lại mơ về những đêm cận năm mình sẽ nằm ngủ thật dễ chịu trong tấm chăn bông mới bật lại năm ngoái để dành cho ngày tết. Lạnh quá thì chui đầu vào chăn, tùm hum thế cũng thú chứ sao, kệ tiếng mưa đêm thì thầm trên mái ngói, tiếng pháo đốt trộm bên làng Đông thỉnh thoảng lẹt đẹt xa xăm như một bài hát buồn...

Tết hay thế liệu có còn không? Hãy tin tôi đi, những người đã đặt vé cho gia đình đi chơi ở nước ngoài vài chục năm nữa họ sẽ trở thành Việt kiều cho mà xem, lúc ấy tha hồ mà "thương nhớ Việt Nam", họ sẽ mong được về quê ăn tết hơn ai hết. Và họ sẽ hỏi tôi, nếu lúc ấy mình vẫn còn "thọ": "Bác Thụ này, năm nay tết ở nhà mình chắc vui lắm nhỉ?"...

Tết hay thế liệu có còn không? Hãy tin tôi đi, cặp vợ chồng mới cưới mà tôi kể trên, vài chục năm nữa con bồng cháu bế, chẳng thể đi phượt, lại như tôi thôi, lại muốn gia đình dù ở xa đến đâu cũng quây quần ngày tết.

Không có ngày tận thế như đồn đoán, thì cũng không thể có chuyện Tết Ta không còn nữa. Nói theo kiểu ông Phạm Quỳnh: Tiếng Việt còn thì nước ta còn. Nước ta còn thì Tết ta còn. Phải như thế chứ, bạn nhỉ.

Nhạc sĩ Dương Thụ

(Theo Nông thôn Ngày nay Xuân Quý Tỵ)