Lê Minh có nhiều bài hát đã đi vào lòng người yêu âm nhạc đều bắt nguồn từ những bài thơ. Với ông, thơ là nguồn cảm xúc là sự sáng tạo. Ông cho rằng thơ hay chưa chắc đã viết được bài hát hay mà quan trọng một bài thơ phải có "chuyện" trong đó. Có thể là câu chuyện tình, câu chuyện về mẹ...và hình ảnh mà khi ta đọc lên sẽ hiện ra trước mặt, và có cả ngữ điệu trong đó.

Thực tế có nhiều nhạc sĩ tài năng đã biết phát hiện ra giai điệu đẹp trong các bài thơ để thổi hồn cảm xúc của mình. Mỗi người tùy theo thế mạnh riêng: Ngôn ngữ, hiểu biết, văn hóa, tri thức…để  hòa mình vào đó. Sự thành công phải là bài hát hay, có giai điệu đẹp, viết về vùng miền nào ra vùng miền đó…

{keywords}
Nhạc sĩ Lê Minh: Người chắp cánh cho những hồn thơ

Lê Minh có nhiều bài hát về vùng đất “Quan họ” mang đậm hồn quan họ. Mỗi bài có những nét riêng không giống nhau nhưng đều mang đậm hơi thở của vùng đất và con người Kinh Bắc. Chả thế mà Đài truyền hình Bắc Ninh đã làm một bộ phim tài liệu về ông và những bài hát về về quê hương Bắc Ninh.

Trong các bài hát về vùng quan họ, bài "Khách đến chơi nhà" được nhiều người hát nhất. Tuy nhiều người hát nhưng họ không nhớ tên tác giả mà đều tưởng rằng đó là một làn điệu dân ca. Nhưng thực tế nhạc sĩ Lê Minh là "cha đẻ" của tác phẩm nổi tiếng này.

Thật ra "Khách đến chơi nhà" cũng là tên của một làn điệu dân ca. Trong một lần nhạc sĩ Lê Minh về thăm trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh hiệu trưởng nhà trường muốn nhạc sĩ viết một bài về vùng đất quan họ. Trên đường về ông nghĩ đến bài thơ của Lê Việt Dũng có tựa đề “Ra ngõ mà trông”. Và những nốt nhạc tự nhiên ngân lên trong ông. Tuy nhiên bài hát vài năm sau mới được thu âm và phổ biến rộng rãi. Lúc đầu Lê Minh lấy tên đúng như tên bài thơ nhưng chính NSND Thúy Hường đã gợi ý và ông đã đổi thành "Khách đến chơi nhà".

Bài hát có những ca từ thân quen đến nỗi ai cũng cứ nghĩ đó là một làn điệu dân ca: Khách đến chơi nhà rằng mấy khi khách đến chơi nhà/ Rót lời hát xuống chén trà mời nhau/ Rót lời hát xuống chén trà mời nhau/Để anh xơi một miếng trầu dẫu rằng vẫn biết qua cầu gió bay/ Giá em đừng hát hay, giá em đừng nền nã/ Đừng áo tứ thân đừng khăn mỏ quạ/ Nhớ câu người ơi người ở đừng về… 

Sau này ông còn sáng tác một số ca khúc về vùng đất này như: Về Hội Lim; Còn nhện tìm duyên; Lối em về…đều dựa trên lời thơ và cũng “rất quan họ”.

Thơ và nhạc làm nên những cặp đôi, những tác phẩm để đời. Có một thể thơ mà cũng nhiều người đã dựa vào và sáng tác nhưng ca khúc hay thì rất “hiếm”. Thế nhưng ở ông lại làm được đó là bài hát Lời ru.

Thật ra trong kho tàng dân ca Việt Nam ông cha ta thường lấy thơ lục bát để hát. Từ ru con đến các làn điệu dân ca. Chỉ là lục bát thôi mà sao biến tấu thật uyển chuyển, nhiều cung bậc ngọt ngào xúc động đến thế “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. Có thể nói hát – thơ lục bát thật sự là đất dụng võ cho những tài năng sáng tạo của ông cha ta ngàn đời…

Bài Lời ru có thể nói là nhuần nhuyễn trong sử dụng ngôn ngữ và giai điệu. Tác giả vẫn giữ nguyên thể thơ nhưng giai điệu thì ngọt ngào sâu đậm, say đắm. Bài hát chỉ có một từ Ngậm là tác giả thêm vào ngay ở đầu bài hát Ngậm lời ru, ru mẹ ngày xưa…còn lại là để nguyên cả bài.

Lê Minh cho biết sáng tác bài này cũng là sự tình cờ. Một hôm ông đọc được bài này ở cơ quan. Bài thơ của một người bạn cùng làm ở Sở văn hóa. Tuy nhiên ông nhận thấy trong bài thơ có nỗi niềm, có thân phận, có sự tiễn đưa, có sự đợi chờ… rất da diết rất sâu đậm, đây chính là nguồn cảm xúc và thế là giai điệu bật lên.

Nhạc sĩ Lê Minh bảo có nhiều người hát tác phẩm "Lời ru" nhưng cá nhân ông luôn có cảm xúc rung động và bồi hồi mỗi khi được nghe lại giọng hát của Trọng Tấn. "Tấn là một giọng hát rất tình và chuyên chở các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ hay chứ không chỉ của riêng tôi" - nhạc sĩ Lê Minh nói.

Ông nói không nhất thiết phải sử dụng nguyên bài thơ mà chỉ cần chắt lọc lấy hồn cốt của nó. Chắt lọc những câu, những tứ chính là thế mạnh của ông. Chỉ một vài khổ thôi cũng đã nói hết được nội dung mà tác giả thơ muốn giãi bày, muốn gửi gắm. Bài hát Vọng phu là trường hợp như thế.

{keywords}
 Nhạc sĩ Lê Minh.

Vọng phu là bài thơ của Đỗ Việt Dũng, bài thơ có 5 khổ, khi Lê Minh sáng tác ông chỉ lấy có 3 khổ để phổ nhạc. Cái tinh tế của nhạc sĩ là chọn nhưng phải đảm bảo tính logic của toàn bài thơ. Trong thơ có những khổ mang tính cụ thể, nếu là thơ thì rất hay: Có nỗi niềm nào hơn nỗi chờ mong/ Có gì dài hơn tháng năm đợi chồng/ Tuổi xuân rụng rơi trong niềm khắc khoải/ Một đời làm dâu ngủ với mùa đông… tác giả thấy không hợp vì bài hát đang mang tính khái quát cao nên đã lược bỏ.

Hay có những câu Lê Minh đã không tuân thủ thứ tự mà đảo cho nó phù hợp với logic và giai điệu: Đã qua rồi thời lửa khói/ Đất nước gồng mình thành núi/ Cho cao thêm dáng hình Vọng phu/ Xin nghiêng mình, trước những Vọng phu. Lê Minh đã đổi: Đất nước qua thời lửa khói/ Xin nghiêng mình trước những vọng phu/ Đất nước gồng mình thành núi/ Cho cao thêm dáng hình vọng phu… ở đây vừa đảm bảo tính logic của thơ mà chắp cánh cho thơ thêm chặt chẽ. Vọng phu là bài hát rất thành công của tác giả Lê Minh ở cả 2 phương diện nhạc và chắp cánh cho thơ bay xa.

Clip: Trọng Tấn hát "Lời ru" của nhạc sĩ Lê Minh

Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhạc sĩ Lê Minh lấy âm hưởng dân ca làm chủ đạo cho những sáng tác của mình. Viết về vùng quan họ, Tây Bắc hay hát xoan Phú Thọ, nét nhạc của ông đều mang đậm hơi thở của những làn điệu dân ca vùng miền ấy. Thật ra có nhiều bài không thuộc vùng miền nào, không chú trọng viết về vùng nào nhưng chất dân ca vẫn thấm đẫm và đặc biệt ông đều dựa vào những bài thơ để sáng tác.

Những năm gần đây ông vẫn miệt mài sáng tác và vẫn trung thành với hướng đi: Phổ thơ. Những bài gần đây như: Ngày không anh, Lời ru em, Mắt cười của tác giả thơ trẻ Thùy Dương và Nỗi nhớ tháng 3 cũng của một bạn thơ trẻ…đã được người nghe đón nhận và nhiều ca sỹ đã làm album.

Hơn 70 tuổi, nhạc sĩ Lê Minh vẫn còn đau đáu với tình yêu dành cho âm nhạc. Ông vẫn dành thời gian viết những tác phẩm mới. Sống hạnh phúc bên người bạn đời bao năm gắn bó, người nhạc sĩ già bảo ông chỉ mong có nhiều sức khỏe để yêu đời, yêu người và có thêm những bài hát về tình yêu để lại cho mọi người.

Nguyễn Đăng Tấn