"Thông tin tôi nhận được từ gia đình là chú Trần Tiến bị yếu một mắt lên Sài Gòn điều trị. Hiện chú đã ra viện và trở lại Vũng Tàu dưỡng bệnh'' - ca sĩ Trần Thu Hà chia sẻ với VietNamNet.
Nhạc sĩ Trần Tiến. |
Trần Tiến vừa là nhạc sĩ sáng tác vừa là ca sĩ. Người ta gọi ông là "người du ca", hay "ông hoàng nhạc pop Việt". Ông sinh ra trong một gia đình khá giả Hà Nội.
Năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp ra đời trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Năm 1971, Trần Tiến bị sốt rét ác tính và trở ra Bắc. Ông theo học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp khoa thanh nhạc và sáng tác năm 1978. Trần Tiến viết ca khúc đều đặn. Xuất thân là ca sĩ chuyển sang sáng tác, Trần Tiến có lợi thế trong việc tự biểu diễn giới thiệu các tác phẩm của mình một cách sâu sắc, biểu đạt được tận cùng cảm xúc của người viết. Vì vậy, Trần Tiến đã được rộng rãi công chúng yêu mến.
Một loạt các bài hát của ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ về một bút pháp có phong cách riêng: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Giai điệu Tổ quốc, Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân gọi, Vết chân tròn trên cát, Thành phố trẻ, Mặt trời bé con, Con chim sẻ tóc xù, Ngẫu hứng sông Hồng, Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa Cao Nguyên, Tiếng trống Pa-ra-nưng, Tạm biệt chim én, Tùy hứng 'Lý qua cầu', Cô bé vô tư, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tóc gió thôi bay...
Trần Tiến đã nhận được nhiều giải thưởng về âm nhạc. Năm 1979, 10 bài hát được quần chúng ưa thích trong năm do báo Tuổi trẻ TP.HCM. Năm 1992, giải Bài hát hay nhất hai năm 1992-1993 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn (bài Chiếc vòng cầu hôn). Năm 1990, giải thưởng Trung ương Đoàn về đề tài Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (bài Sao em nỡ vội lấy chồng). Năm 1975-1985, danh hiệu Nhạc sĩ yêu thích nhất 10 năm sau ngày giải phóng do báo Tuổi trẻ và Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức bình chọn. Ngoài ra, Trần Tiến còn viết phần âm nhạc cho một số bộ phim truyện và phim tài liệu như: Rừng lạnh, Vị đắng tình yêu, Tóc gió thôi bay…
Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội nhưng nhạc sĩ Trần Tiến đã rời nơi chôn rau cắt rốn từ nhiều năm. Sài Gòn hay Hà Nội giờ đã là nơi nhạc sĩ Giấc mơ Chapi chỉ ghé qua như quán trọ, chỉ để nhâm nhi tách cà phê đắng hay cốc bia cay nồng.
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến hiện sinh sống tại Vũng Tàu. Đây là khoảng trời riêng mà đôi vợ chồng già vô cùng mãn nguyện: "Về đây, chúng tôi tìm được cuộc sống rất bình yên", nhạc sĩ Trần Tiến từng tâm sự.
Theo lời kể của nhà giáo Bích Ngà, vợ nhạc sĩ Trần Tiến, mỗi ngày ông đều dậy rất sớm để tập thể dục, sau đó sẽ ngồi ngay vào cây đàn piano tập nhạc rồi mới ăn sáng.
"Ông ấy rất say mê làm việc! Những bài viết đang ấp ủ vẫn tiếp tục suy tư, viết rồi xóa, gạch, ghi âm rồi lại xóa. Nếu đã thành bài hát rồi vẫn tiếp tục sửa, sửa đi sửa lại, sửa hoài đến khi ưng ý mới thôi. Nhưng dường như ông không bao giờ tự bằng lòng với những bài hát của mình", vợ nhạc sĩ từng chia sẻ.
Tùng Dương hát "Mẹ tôi" của Trần Tiến:
Tình Lê
Nhạc sĩ Trần Tiến, 'ông hoàng số 1' của Pop Việt
Nhạc sĩ Trần Tiến vừa sáng tác vừa hát hay, sống phóng túng, nghệ sĩ và có “gu” riêng từ cách ăn mặc đến giao tiếp.