Nhưng các mô hình này dù có khác biệt nhau về lời lẽ hoa mỹ và mô hình nào đi chăng nữa, thì vẫn có những điểm chung nhất định.

{keywords}
Các từ ngữ công nghệ thời thượng ngày nay được "gắn" vào hoạt động kinh doanh đa cấp, huy động vốn.

Gắn “mác” thời thượng, cam kết lợi nhuận “khủng”

Trong thời gian qua, những mô hình huy động vốn, hay biến tướng của kinh doanh đa cấp thời 4.0 ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nhờ gắn “mác” công nghệ theo thời thượng. Nhờ đó, các dự án đa cấp thường xoay chuyển liên tục tùy theo thời thế.

Từ giai đoạn 2016-2017, đi cùng với sự biến động tăng vọt của các loại đồng tiền mã hóa như Bitcoin trên thế giới, các dự án tiền mã hóa, tiền ảo cũng “trăm hoa đua nở” ở thị trường Việt Nam. Đến gần đây, khi thị trường tài sản cơ sở biến động mạnh hơn, thì dự án lại chuyển hướng sang các loại cổ phiếu quốc tế, hay thị trường ngoại hối (forex), được giới thiệu kèm những ứng dụng “cao siêu” có khả năng đánh bại thị trường và đặc biệt là dễ chơi, như robot giao dịch, trí tuệ nhân tạo, thuật toán ma trận,…

Một ví dụ như Emas Fintech được giới thiệu là mô hình “thay đổi hoàn toàn phương thức kiếm tiền cổ điển từ chênh lệch giá nhờ vào hệ thống ghép nối siêu kỹ thuật số”, tức dùng để kinh doanh tiền mã hóa trên các sàn quốc tế, nhưng có công nghệ nên khả năng thua lỗ gần như bằng không (!?)Theo đó, nhà đầu tư nạp tiền theo gói, tiền lợi nhuận rút ra hàng ngày.

Giữa tháng 7, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng phát đi cảnh báo về hoạt động mời gọi đầu tư vào một số sàn giao dịch chứng khoán, ngoại hối, quyền chọn nhị phân và huy động vốn đa cấp trên nền tảng thương mại điện tử.

Đối với hình thức giao dịch quyền chọn nhị phân, người tham gia chỉ cần dự đoán chiều hướng giá trị tài sản (chứng khoán, tỉ giá các cặp ngoại tệ, vàng) tăng hay giảm để thu lợi nhuận trong khoảng thời gian ngắn (thường từ 60 giây đến 5 phút).

{keywords}
Giao diện một sản phẩm giao dịch ngoại hối quyền chọn nhị phân, có trả thưởng hoa hồng đa cấp.

Bên cạnh tài sản cơ sở được chọn là tiền mã hóa (được thị trường thế giới công nhận) hoặc tiền ảo (do đơn vị lừa đảo tạo ra), thì các dự án ngày nay cũng tinh vi hơn khi loại “tài sản cơ sở” thường được gắn với một loại hàng hóa nào đó có thể sờ nắm được, dễ quảng bá. Chẳng hạn như Gold Time đưa ra ra chủ trương kết nối các hàng quán cà phê nhỏ lẻ, hay mới gần đây là các mô hình website, ứng dụng hoàn tiền cũng dựa vào hàng hóa thực sự của người tham gia.

“Những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và như thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công Thương) đánh giá điểm chung mà các dự án có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép thường thấy.

Một dấu hiệu rõ ràng nhất trong các mô hình đa cấp biến tướng huy động vốn là lãi suất cao bất thường. “Những dự án đưa ra cam kết lợi nhuận gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thường có mùi lừa đảo”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính khẳng định.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhiều dự án sẽ quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng.

Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế nhiều dự án ra đời vẫn cứ dùng lợi nhuận để quảng cáo, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người tham gia.

Điển hình gần đây là câu chuyện của các sàn giao dịch ngoại hối (forex) vốn biến động nhanh và có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, thậm chí người chơi chỉ có 100 đô la nhưng có thể giao dịch lên tới 10.000 đô la, tương ứng tỷ lệ 1:100, cũng có những sàn cho phép tỷ lệ lên tới 1:500. Tất nhiên mặt trái của đòn bẩy lớn là khả năng “cháy” tài khoản rất nhanh và rất lớn.

Vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều người bị “hút” vào forex từ những lời quảng cáo khó tin như bỏ vốn ít, thu lời nhanh, cộng thêm các công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo, giao dịch tự động, quyền chọn nhị phân,… khiến người tham gia càng thêm nhắm mắt đưa chân chứ ít khi chịu tìm hiểu kỹ hơn.

“Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền. Lợi nhuận được hứa hẹn ổn định bất kể điều kiện thị trường, thậm chí bao lỗ, bao cháy tài khoản, tuy nhiên chưa ai nhận được đền bù nếu chuyện này xảy ra. Bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản) hoặc các hình thức lừa đảo khác, đều có các đặc điểm tương tự”, ông Khánh nhìn nhận.

{keywords}
Tiền ảo gần đây được tận dụng trở thành trung gian vì không lưu lại dấu vết.

Dễ thao túng, không pháp lý, nguy cơ mất trắng

Đầu tiên có thể khẳng định các mô hình dự án lừa đảo là đều không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. “Người tham gia không được phép xem các giấy tờ chính thức cho các khoản đầu tư của họ. Giấy tờ không có hoặc có giấy nhưng là của nước ngoài cấp (không có hiệu lực tại Việt Nam), thậm chí là giấy chẳng liên quan được cấp bởi tổ chức nước ngoài để… bán thuốc thú y. Trong khi chi tiết, cách thức đầu tư thì được giữ bí mật hoặc cố ý mô tả rất phức tạp”, ông Khánh chia sẻ.

Như vậy, toàn bộ rủi ro nằm trọn về phía người bỏ tiền tham gia dự án. Đầu tiên là việc người tham gia hầu như, hoặc khó có thể rút lại khoản tiền gốc đã nộp ban đầu. Nếu đi thưa kiện thì không có giấy tờ nào để chứng minh, không đủ căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề nào đó, từ việc hệ thống trục trặc cho đến việc các ông chủ dự án, người giới thiệu, tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.

Không chỉ hoạt động ngoài vòng pháp luật, các dự án “bánh vẽ” cũng rất dễ dàng thực hiện thao túng giá, thao túng giao dịch qua ứng dụng. Thêm nữa, việc “tôn vinh” các nhà đầu tư “triệu đô” chỉ được thực hiện “lén lút” trong các nhóm nội bộ.

Một vấn đề nữa là còn nhiều lỗ hổng xung quanh đến pháp lý, về câu chuyện liên quan đến tiền mã hóa, tiền ảo ồn ào trong thời gian vừa qua.

Điển hình là vụ việc có một nhóm người thực hiện vụ bắt cóc gia đình, gây sức ép cho một “doanh nhân” đòi chuyển 35 tỉ đồng tiền đầu tư tiền mã hóa ở TPHCM. Điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy nhóm đối tượng gây án đã từng là nhà đầu tư “tuyến dưới” của chính nạn nhân, người từng “nổi tiếng” trong các dự án tiền ảo từng một thời ồn ào như Pincoin, hay trước đó nữa là BitKingdom.

Rõ ràng khi các quy định pháp lý chưa thể xử lý và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của những người bỏ tiền vào dự án, sẽ dẫn tới những câu chuyện đau lòng như trên.

Trên thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp là một mô hình được pháp luật công nhận, phải đăng ký với cơ quan quản lý là Bộ Công thương. Do đó các nhà đầu tư nếu nhận thấy đây là mô hình kinh doanh đa cấp, cần phải kiểm tra tính pháp lý, được thể hiện trên danh sách được niêm yết công khai. Tuy nhiên, dù là kinh doanh đa cấp thì chỉ được bán các loại hàng hóa nhất định, không được phép huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn bằng các loại tiền ảo.

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Nghị định 40 cũng đã bổ sung thêm nhiều hành vi cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp như thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số;

Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;

Chấp thuận đơn từ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyền lợi theo quy định của người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các đối tượng không được phép;

Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp….

Các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)