Ngày 24/6, Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA tuyên bố phát hiện “vật thể tiếp cận trái đất” (NEO) thứ 10.000, nhằm để chỉ những thiên thạch và những sao chổi trong quỹ đạo mặt trời, đi đến gần trái đất và có thể một ngày nào đó sẽ đụng vào địa cầu. Mười ngàn vật thể nguy hiểm, nghe có vẻ nhiều, nhưng NASA ước tính thực tế có thể còn nhiều gấp 10 lần con số đó và đang chờ được tìm thấy.
Một tuần trước đó, ngày 18/6, cơ quan này đã tung ra chiến dịch “Thử thách lớn” nhằm kêu gọi sự hợp tác của mọi người quan tâm đến dự án phát hiện bất kỳ thiên thạch nào có thể đe dọa trái đất. Tất cả ý kiến đều được chào đón. Ông Lori Garver, Phó điều hành NASA, yêu cầu một ngân sách tăng gấp đôi cho chương trình để họ có thể phát hiện được tới 90% những NEO với đường kính trên 140m (kích thước này có thể phá hủy một quốc gia nhỏ).
Không riêng gì NASA, Cơ quan không gian châu Âu cũng đang đầu tư công trình. Trong tháng 5, họ đã thành lập Trung tâm phối hợp NEO, nhằm giúp các nhà khoa học tổ chức công việc và chia sẻ dữ liệu. Đồng thời B612 Foundation, một tổ chức từ thiện, hy vọng xây dựng và phóng một kính viễn vọng không gian săn thiên thạch tên gọi Sentinel.
Lý do dẫn đến tất cả những hoạt động này bắt nguồn từ những biến cố ngày 15/2, khi một thiên thạch kích thước từ 15 - 20m đi ngang qua phát nổ với áp lực bằng một trái bom nguyên tử cỡ trung trên bầu trời Chelyabinsk ở Nga và một thiên thạch khác lớn hơn nhiều, đã bay sát trái đất vài giờ sau đó. Điều chỉ có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bỗng chốc trở thành mối nguy cơ hiển nhiên và có thực. Nhưng không giống như những trận động đất, núi lửa phun, sóng thần và bão tố, thiên thạch có thể phòng chống bằng tác động kịp thời của con người.
NEOShield, một dự án nghiên cứu bao gồm một số quốc gia Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ, đang dự kiến ba biện pháp chính để làm chệch hướng thiên thạch. Một là sử dụng một “thiết bị đo va chạm động lực”, tác động của nó giống một phi thuyền di chuyển nhanh tựa như trái banh bi-a đẩy trong game bi-a liên hành tinh. Thứ hai là một “máy kéo trọng lực”. Đây là một phi thuyền không gian đậu gần thiên thạch, sao cho tác động lực hấp dẫn trong thời gian một phút của nó đủ để từ từ đưa thiên thạch vào một quỹ đạo an toàn. Trong trường hợp nếu thiên thạch đi vào trái đất đặc biệt lớn, hoặc nếu quá trình phát hiện bị chậm trễ, thì giải pháp đối phó thứ ba sẽ là cho nổ tung nó vào trong một quỹ đạo mới bằng vũ khí hạt nhân.
Theo CAND/Economist