Điều phải khẳng định trước hết, từ những người trong cuộc, là mảng đào tạo chuyên môn cho ngành game, như thiết kế đồ họa, quản trị dự án… không hề có trong danh mục đào tạo chính quy tại Việt Nam. Chưa có trường dạy làm game và cũng chưa có những phân khoa chuyên môn về game.

Đội ngũ nhân lực game tại các công ty trong ngành game chung quy vẫn chưa qua đào tạo chuyên ngành bài bản.

Mảng đào tạo tin học, CNTT tất nhiên có những môn liên quan đến game và cho đến nay, đây vẫn là mảnh đất chính để nuôi dưỡng nguồn nhân lực game. Trong đó, các bộ môn như đào tạo mỹ thuật đa phương tiện, lập trình phần mềm, ngôn ngữ lập trình… tất nhiên là các thành phần chính của đào tạo game. Thậm chí 1 số trường dân lập đã có các khoa hợp tác đào tạo về game, theo yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư.

Song với thực trạng đố kỵ và đánh giá tiêu cực về game trong nhận thức xã hội xưa nay, việc học hành “tử tế” để ra làm game không phải là điều được các bậc phụ huynh khuyến khích. Khá nhiều bạn trẻ giỏi về CNTT, nhưng ngay từ đầu đã xác định sẽ không bao giờ làm game, vì ngại đối lập với quan điểm gia đình, xã hội.

Hoạt động ngành game Việt, vì thế từ lâu đã bị đánh giá là thiếu từ con người làm việc thiếu đi, cũng như các môi trường đầu tư làm sao cho thật sự ý nghĩa với cộng đồng. Thậm chí hiện tại, các văn bản, hành lang pháp lý cho ngành vẫn chưa được hoàn bị từ các nhà quản lý. Điều này càng đẩy cơ hội nhân lực ngành game được đào tạo nghiêm túc thêm xa vời.

Bao giờ thay đổi ?

Non 8 năm trước, đã từng có 1 số nhân vật làng game toan tính thành lập 1 đại học chuyên ngành game ở TP.HCM. Dự án này nhận được sự ủng hộ của 1 số đối tác nước ngoài, cụ thể là Hàn quốc. Nhưng cũng chính thời điểm đó, game bị đánh giá là 1 lĩnh vực nguy hại, “ma túy số” và dẫn đến những phản ứng bất hợp tác từ các nhà giáo dục Việt Nam. Dự án mau chóng đi vào quên lãng.

Các nhân sự trẻ làm game chủ yếu do đam mê game

Cho đến hiện nay, vấn đề đào tạo nhân lực ngành game, 1 lần nữa lại đáng đặt ra, khi các studio game trong nước đua nhau bùng phát, và định hướng đầu tư vào công nghiệp game được xã hội quan tâm hơn. Thực tế mảng đào tạo này cũng có được chút ít thành quả, với 1 số bộ môn khiêm tốn thành lập tại các trường đại học dân lập, như Duy Tân (Đà Nẵng), Văn Lang (TP.HCM)… Có điều, để thực sự game trở thành 1 mảng đào tạo mạnh mẽ, được các sinh viên lựa chọn thi vào, vẫn đang là câu hỏi bỏ trống.

Chính vì tình trạng thiếu đào tạo chính quy này, mà cho đến lúc này, nhân lực ngành game chủ yếu vẫn chỉ xoay quanh những con người thực sự thích làm game, cố gắng tìm tòi, mày mò để làm game. Trong đó, mảng lập trình có thể còn dễ tìm ra nhân sự bởi có thể dịch chuyển từ lập trình phần mềm sang. Còn mảng đồ họa, và các thành tố media khác, thì nhân sự thật sự khó khăn. Nhiều nhân sự đồ họa khẳng định, họ thích làm người làm việc tự do (freelancer) hơn là lệ thuộc vào 1 công ty game, chịu bấp bênh với sản phẩm và điều tiếng. Đó là chưa kể một số nhân sự làng game có phong cách “lãng tử”, thích thoải mái để tư duy hơn là gắn kết với 1 dự án đầu tư làm game nghiêm túc.

Con đường nhân sự ngành game Việt, vì thế khi đã nhìn vào, thật sự khiến cho mỗi người quan sát phải e dè. Nên chăng, chính các cơ quan quản lý, và chính cộng đồng doanh nghiệp làm game Việt, nên có những động thái chuyển dịch tốt hơn, chủ động hơn, mới có thể thay đổi bối cảnh này?

Để làm rõ hơn vấn đề nhân lực ngành game, Gamesao đã trao đổi cùng ông Nguyễn Tuấn Huy, CEO Emobi Games, 1 trong số ít studio game được đánh giá tích cực hiện nay.

- Nhiều người đã nhìn nhận, hiện tại với ngành game, nhân lực đang bị xé lẻ vì nguồn cung chưa biến đổi tốt hơn, trong khi các doanh nghiệp làm game ra đời nhiều hơn. Theo ông, đâu là lý do chính của tình trạng này ?

Theo tôi, nguồn cung nhân lực game bị giới hạn xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi, là ngành công nghiệp game đang bị cản trở phát triển. Để ngành có sự phát triển, cần phải tháo gỡ những rào cản, áp lực, thu hút các cơ sở giáo dục chú trọng đầu tư vào.

- Vậy ông đánh giá thế nào về thực trạng đào tạo nhân lực chuyên ngành game ở xã hội chúng ta ?

Thực trạng đào tạo nhân lực game Việt Nam hiện nay, là quá ít cơ hội và chất lượng đào tạo không cao.

- Theo ông, hướng đề xuất nào cần được đưa ra, để lôi cuốn xã hội, các tổ chức đào tạo, đặc biệt là ngành đào tạo quốc gia quan tâm hơn vào bài toán nhân lực cho ngành công nghiệp game ?

Hướng tốt nhất là tháo bỏ các rào cản lâu nay đang cản trở ngành game. Trong đó, có cả những cản trở từ tâm lý cộng đồng, nhận thức xã hội chưa thấu đáo về game, nảy sinh định kiến và đối lập.

Nếu có thể thay đổi rào cản, để game phát triển, thì số người tham gia phát triển game sẽ nhiều lên. Tự thân mọi chuyện kéo theo sẽ phát triển tự nhiên.

- Một ý kiến của ông đánh giá nhân lực đồ họa ngành game hiện đang bị hạn chế nhất. Thực tế biểu hiện hạn chế này nằm ở những điểm nào ?

Tôi xin nhấn mạnh điểm hạn chế tôi đã nói, là nhân lực về mảng đồ họa game 2D, chứ không chỉ vào tất cả nhân lực đồ họa, ví dụ như đồ họa thiết kế game 3D. Biểu hiện vấn đề thì như tôi chia sẻ với mọi người lâu nay, ở 1 studio làm game, nhân sự đồ họa 2D là các đối tượng có quan hệ gắn bó kém nhất so với các nhân lực mảng khác. Và việc tuyển dụng họ là rất khó khăn.

- Nhiều người cho rằng, một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của các sản phẩm game, là yếu tố sáng tạo. Theo ông, điều này nên hiểu như thế nào ?

Việc này, bản thân ngành game nói riêng, ngành CNTT nói chung vẫn còn nhiều hướng tranh luận. Sáng tạo là 1 điều kiện cần, nhưng không phải là một điều kiện đủ. Và nếu nói sáng tạo là quan trọng nhất, thì cũng chưa chắc đúng, thực tế đã chứng minh có những người đi sau lại thành công hơn.

Cá nhân tôi rất đề cao sáng tạo, nhưng cũng đồng ý rằng, sáng tạo không phải là quan trọng nhất. Kiến thức và kinh nghiệm làm việc cũng là những vấn đề quan trọng không kém.

- Gần đây, có 1 số ý kiến quan ngại về hiện tượng đánh giá ngành game là rất lạc quan. Có nhiều nhận định dựa vào 1 số điểm thành công cá biệt như hiện tượng Nguyễn Hà Đông, đã tạo những cách nhìn thiên lệch về ngành game, xem là ngành dễ kiếm tiền, dễ thành công, lôi kéo nhiều bạn trẻ, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Theo ông, tình hình như vậy có tốt không, và là 1 người sản xuất game, ông có quan điểm thế nào để góp ý cùng họ ?

Tôi cho rằng sự lạc quan này là tốt, ít nhất là ở mặt vĩ mô. Bởi lẽ càng nhiều người  đầu tư, nhiều người cùng làm, thì sẽ càng tạo môi trường tương tác, càng tốt thêm cho ngành. Tuy nhiên, việc đưa ra các cảnh báo như thế cũng không thừa, vì nó sẽ giúp cho mọi người bớt đi những ảo tưởng, lập luận thiếu cơ sở hay suy diễn. Còn sau đó, quy luật tự nhiên sẽ tiếp tục đóng vai trò cân bằng lại mọi thứ.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ.

Thanh Nguyên