Ngày 16/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã hoàn thành chương trình đề ra. Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khóa XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khóa XX (nhiệm kỳ 2020 – 2025). Sau khi có kết quả bầu cử, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Hồ Quốc Dũng.

Chú thích ảnh

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Đại hội, ngày 15/10. Ảnh: Phạm Kha-Nguyên Linh/TTXVN

Chúc mừng đồng chí đã được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khóa mới. Đồng chí có đánh giá như thế nào về Đại hội lần này?

Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành các nội dung Chương trình Đại hội đề ra.

Đại hội đã thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; thông qua Nghị quyết và các văn kiện quan trọng trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Với những kết quả đạt được, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã thành công tốt đẹp. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị nghiêm túc và đầy trách nhiệm của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh; là kết quả làm việc khẩn trương với tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ, đoàn kết, trách nhiệm cao của các đại biểu dự Đại hội.

Thành công của Đại hội là niềm phấn khởi và là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà trong thời gian tới.

Bình Định đang trong giai đoạn phát triển mới, đồng chí có thể cho biết những mục tiêu phát triển và kế hoạch mà Đại hội đã đề ra trong thời gian tới?

Nghị quyết của Đại hội và các văn kiện vừa được thông qua là sản phẩm kết tinh trí tuệ, thể hiện ý chí, quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Bình Định trong thời kỳ mới, tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển tỉnh Bình Định nhanh, toàn diện và bền vững.

Để góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bình Định trong giai đoạn mới xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân trong tỉnh, Nghị quyết Đại hội đã đề ra những mục tiêu phát triển cơ bản.

Cụ thể, tổng sản phẩm địa phương bình quân hàng năm tăng 7,0 - 7,5%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 16.000 tỷ đồng, phấn đấu cân đối ngân sách trên địa bàn. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 41%/GRDP.

Để thực hiện được những mục tiêu cơ bản trên, Đại hội đã thống nhất với 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới là: phát triển công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics; nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Các khâu đột phá tạo động lực trong phát triển kinh tế được xác định, gồm: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc của tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện những mục tiêu trên là: tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển các khu vực trong tỉnh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bình Định đã xây dựng và thực hiện chương trình phát triển khoa học và công nghệ; nâng năng suất yếu tố tổng hợp lên 38 - 42%, tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức và công dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, có kế hoạch ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo Báo Tin tức