Quy định chỉ được nhập khẩu điện thoại di động qua 3 cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp.HCM có hiệu lực từ 1/6 tới, đang khiến nhiều doanh nghiệp phân phối điện thoại di động lúng túng.


Lo thiếu hàng, mất thời gian

Viettel là đơn vị chiếm thị phần khá lớn trong mảng phân phối điện thoại di động, với hàng trăm đại lý trải đều trên toàn quốc, nhưng tới đây, nguồn cung sản phẩm của các đại lý chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Từ 1/6, điện thoại di động chỉ được nhập khẩu qua 3 cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp.HCM. 
Theo bà Đoàn Thanh Nhàn, Quản lý Ngành hàng, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, lâu nay các sản phẩm điện thoại mà Viettel nhập chủ yếu qua đường hàng không, thủ tục giấy tờ nhanh gọn, tính cơ động và tức thời cung cấp sản phẩm ra thị trường so với thời điểm sản phẩm chính thức ra mắt rất cao, thông thường chỉ mất hai tuần từ khi đặt đơn hàng là sản phẩm về tới Việt Nam.

“Tuy nhiên, từ 1/6 tới, quy định chỉ được nhập hàng qua 3 cảng biển chính thì thời gian nhập hàng về Việt Nam sẽ mất gấp nhiều lần so với hàng không, nhất là với những mặt hàng mà Viettel không nhập từ trong nước như Nokia hay iPhone”, bà Nhàn cho biết.

Không chỉ với Viettel, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, quy định mà Bộ Công Thương đưa ra như trong hồ sơ nhập khẩu là phải xuất trình thêm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó ngoài những thủ tục hiện hành, sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, trong khi nhu cầu của các sản phẩm điện thoại nhiều khi chỉ đo bằng tháng.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone, trước qui định mới trên, nhà mạng này đã phải liên lạc với Apple để thay đổi thời gian nhập hàng cho phù hợp.

Ông Tú cho rằng, chắc chắn việc lên kế hoạch nhập sản phẩm của VinaPhone sẽ phải dài hơi hơn, bởi thông thường, các sản phẩm iPhone được hãng nhập về mất trung bình một tuần một đơn hàng, nhưng giờ, nhập qua cảng biển, thời gian có thể lên tới 1 tháng. Vì thế, VinaPhone sẽ phải nhập một lúc bằng 4 lần đơn hàng trước đây.

Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn mà ông Tú tính đến là chi phí vốn nhập hàng sẽ lớn hơn, ví dụ trước nhập bằng hàng không, VinaPhone chỉ mất khoảng 1 triệu USD/tuần cho một đơn hàng, thì sắp tới sẽ lên tới 4 triệu USD, chưa kể những biến động của tỷ giá USD/VND hiện nay. Do ậy, giá bán sản phẩm rất có thể sẽ “đội” thêm nhiều chi phí khác, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

“Thời của hàng xách tay”?

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, việc đưa ra quy định về nhập khẩu điện thoại chỉ được thực hiện qua 3 cảng biển, là nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với hàng xách tay. Thực tế nguồn hàng xách tay khá phong phú, đa dạng và cung cấp ra thị trường nhanh hơn nhiều so với hàng nhập chính hãng, song giá cả thường cao hơn nhiều so với hàng chính ngạch, cho dù chất lượng sản phẩm không thực sự được đảm bảo.

Nhưng khi hàng chính ngạch với những hạn chế về phương thức vận chuyển và thủ tục kinh doanh sẽ có nguy cơ khó cạnh tranh và “chậm chân” hơn so với hàng xách tay, dù giá rẻ hơn. Điều này sẽ khiến hàng xách tay sẽ có cơ hội lên ngôi và chiếm ưu thế trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp phân phối điện thoại di động chính hãng cho rằng, khó khăn về nhập khẩu, nhất là về mặt thời gian sẽ khiến người tiêu dùng phải tiếp cận sản phẩm xách tay với giá cao hơn. Như thế, quyền lợi của người tiêu dùng không hẳn đã được đảm bảo.

Ông Lê Hoàng Hải, Phó giám đốc Marketing của FPT Mobile, đơn vị đang phân phối điện thoại di động của nhiều hãng lớn như Nokia, HTC, SamSung cho biết, vì chưa thực hiện nhập khẩu trực tiếp qua đường biển nên FPT Mobile cũng chưa tính toán cụ thể chi phí vận chuyển sẽ tăng hoặc giảm bao nhiêu và có tác động mạnh vào giá thành sản phẩm hay không. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất với FPT Mobile là sản phẩm công nghệ sẽ bị lỗi mốt.

Ông Hải lấy dẫn chứng, như sản phẩm iPhone, mỗi model chỉ “sống” vài tháng là hãng Apple đã lên kế hoạch và có thể tung ra sản phẩm khác hot hơn, nên khi hàng bị “chậm chân” vài tháng mới về đến Việt Nam, chắc chắn sẽ khiến cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong đó, độ trễ về thời gian nhập khẩu khiến hàng chính ngạch sẽ bị bất lợi trong cạnh tranh với hàng xách tay.

Một đại diện Viettel cũng lo ngại, việc phải lênh đênh trên biển nhiều tháng trời, chưa kể thời gian hàng phải nằm tại cảng để hoàn tất thủ tục thông quan sẽ khiến hàng chính ngạch đến tay người tiêu dùng chậm hơn nhiều so với hàng xách tay, nhất là với các sản phẩm hot liên tục được các hãng tung ra thị trường.

(Theo Vneconomy)