- Nhật Bản đang chờ đợi thời cơ thuận lợi hơn nữa, về đối ngoại và về đối nội, để biến một cường quốc kinh tế trở thành một cường quốc hạt nhân quân sự trên thế giới.


Câu hỏi liệu Nhật Bản có đi vào con đường sản xuất vũ khí hạt nhân hay không đang được nhiều quốc gia đặt ra và cũng được nhiều nhà phân tích trên thế giới quan tâm.

{keywords}

Hình 1- Hình ảnh tạo nên bởi quả bom nguyên tử plutonium Mỹ hủy diệt phá Thành phố Nagasaki, Nhật Bản năm 1945.

Với nước Mỹ, một đối địch trong lịch sử và đồng minh trong hiện tại của nước Nhật, cũng không là ngoại lệ và không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Chính tờ báo The Wall Street Journal ở Phố Wall của các đại tỷ phú nước Mỹ, ngày 1 tháng 5 vừa qua cho đăng một bài báo với tiêu đề nóng bỏng - "kế hoạch hạt nhân của Nhật Bản làm đảo lộn Mỹ" đã thể hiện mối quan ngại thực sự của chính giới Mỹ trước thông tin nhà cầm quyền Nhật cho mở nhà máy rất lớn tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong hàng chục lò phản ứng năng lượng của mình, nhằm tách chiết chất plutonium chất lượng cao.

Chỉ có ai quá ngây thơ mới không tin kho plutonium, kho “thuốc nổ hạt nhân” kinh khủng này và động thái mở thêm nhà máy tái chế mới lại không liên quan đến ý đồ đẩy mạnh thêm chương trình sản xuất bom nguyên tử của các chủ nhân.

Chính các nhà cầm quyền Nhật Bản trong nhiều năm qua cũng không che giấu ý định của mình. Theo Japan Times, Chính phủ Nhật từ tháng 9/2006 đã soạn thảo một báo cáo về “khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân”, trong đó nói rõ họ chỉ cần thời gian từ 3 đến 5 năm và số tiền chừng 2,2 đến 3,3 tỷ USD là có thể triển khai chế tạo loại vũ khí hủy diệt này.

{keywords}

Hình 2- Cơ sở xử lý thanh nhiên liệu ở Rokkasho, phía bắc Nhật Bản hiện nay

Trong thực tế, nước Nhật đã xây dựng từ nhiều năm trước một khu liên hiệp xử lý thanh nhiên liệu ở Rokkasho, phía bắc Nhật Bản. Khó khăn lớn là plutonium tách ra từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân có độ tinh khiết không cao. Vì vậy, vấn đề bây chỉ là bổ sung thêm nhà máy nâng cấp độ tinh khiết của “chất nổ” plutonium.

Người ta phỏng tính, Cơ sở chế biến Rokkasho cần khoản tiền trên 20 tỷ USD và thời gian khoảng hai thập kỷ để đạt chất lượng plutonium đạt cấp độ vũ khí. Tiềm năng của Rokkasho rất lớn, có thể cung cấp đến 9 tấn plutonium, hàng năm, với chất lượng cao và đủ chế tạo đến hai ngàn quả bom A. Năng lực mọi mặt của Tokyo thừa đáp ứng và biết đâu họ đã âm thầm khởi động chương trình đó từ bao giờ rồi.

Ngoài nhiên liệu, cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới này không khó khăn mấy trong việc nắm bắt kỹ thuật chế tạo những quả bom hạt nhân hoàn hảo và cả các loại tên lửa mang bom đi xa. Vì vậy, việc sở hữu các loại vũ khí hủy diệt nói trên đối với nước Nhật không có gì quá xa vời.

Trở lại với tham vọng của chính giới Nhật Bản. Ngoài bản báo cáo về “khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân” nói ở trên, chính ông Taro Aso, đương kim Bộ trưởng Tài chính, một cựu thủ tướng trước đây, cũng từ năm 2006 đã từng phân bua rằng, chẳng có gì sai trái khi thảo luận việc Nhật Bản có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.

Và báo Japan Times với bài viết có tiêu đề “Tấm vé vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản”, mới tháng trước đã cho biết một sự thật rằng, các nhà chính trị nước này đã từng khẳng định chủ trương chế tạo vũ khí hạt nhân, có khi chính thức và có lúc mập mờ. Cũng không ai xa lạ, họ chính là các  thủ tướng ở các nhiệm kỳ khác nhau, từ Nobusuke Kishi (ông nội của thủ tướng Abe hiện nay), Hayato Ikeda, Eisato Sato, Yasuo Fukuda đến bản thân Taro Aso.

Và bây giờ tình hình địa chính trị có lẽ chín muồi nhất để tham vọng nói trên của Tokyo dễ dàng phát lộ. Quả vậy, bầu không khí vùng Đông Bắc Á đang nóng lên như chảo lửa. Nhật Bản đang đối chọi với một Trung Quốc cường quốc vũ khí hạt nhân trong tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku hay Điếu Ngư, gần đây lại động đến cả hòn đảo Okinawa nữa. Triều Tiên từng phóng tên lửa ngang qua biển trời nước Nhật, lại vừa thử quả bom hạt nhân thứ ba và hàng ngày hàng giờ bóng gió đe dọa Nhật Bản bằng thứ vũ khi mà Nhật chưa có trong kho.

Vậy, còn điều gì nữa cản bước Tokyo? Đúng là trong cuộc sống và đặc biệt trên bàn cờ chính trị thế giới không phải bao giờ “muốn là được”. Một quyết định của chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân công khai vào lúc này sẽ gặp nhiều chướng ngại khó vượt qua ngay trong ngày một ngày hai.

Một là, một quyết định như vậy sẽ động chạm đến một loạt ràng buộc luật lệ quốc tế mà Nhật đã cam kết. Với quyết định quân sự hóa hạt nhân, Nhật sẽ đối đầu không dễ dàng với việc kết thúc sứ mệnh thanh tra quốc tế với các cơ sở hạt nhân của mình, việc rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và bãi bỏ các thỏa thuận hạt nhân khác với quốc tế, kể cả với Mỹ.

Hai là, Chính quyền Obama có thể không muốn một Nhật Bản có vũ khí hạt nhân, vì điều này sẽ tạo ra một loạt hệ lụy khó kìm chế. Đó là hiệu ứng “vết dầu loang” khơi ngòi cho các nước trong khu vực như Hàn Quốc và Đài Loan đi vào con đường chạy đua vũ trang hạt nhân. Riêng chính phủ Hàn Quốc đã đặt vấn đề với Mỹ thay đổi thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa hai nước để có thể tái chế plutonium và làm giàu uranium nhằm sản xuất nhiên liệu cho lò phản ứng và cả chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ chưa đồng thuận.

Hơn nữa, một Nhật Bản có vũ khí hạt nhân sẽ làm thay đổi vị thế của Mỹ, từ ít phụ thuộc hơn vào Mỹ về quân sự sẽ dẫn đến khả năng độc lập về kinh tế và chiến lược.

Và ba là, về nội bộ, chướng ngại sẽ xuất hiện trong xã hội Nhật Bản khi phải tiến hành sửa đổi hiến pháp, cụ thể sửa đổi điều 9 bằng cách thêm vào một điều khoản cho phép sử dụng vũ lực với mục đích tự vệ chống lại sự xâm lược bên ngoài. Một việc sửa đổi hiến pháp như thế sẽ đòi hỏi một đa số 2/3. Nhưng kinh nghiệm cho thấy đảng LDP đã không bao giờ có thể đạt được đa số đó khi sửa đổi hiến pháp bởi sự phản đối từ lực lượng đối địch bao gồm Đảng Xã hội Nhật Bản và Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Vì những lẽ trên, hiện nay, chưa có dấu hiệu rõ ràng chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện ngay một chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chính phủ Abe cũng đang và sẽ khai thác tối đa các "mối đe dọa" của Bắc Triều Tiên để triển khai hệ thống chống tên lửa ở Nhật Bản, đồng thời tạo một môi trường chính trị của sự sợ hãi trong nước để biện minh cho chủ trương tái vũ trang, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.

Họ chỉ chờ đợi một thời điểm thuận lợi hơn, về đối ngoại và về đối nội, để biến Nhật Bản từ một cường quốc kinh tế trở thành một cường quốc hạt nhân quân sự trên thế giới./.

Trần Minh