Nhật Bản đã tổ chức thảo luận với các nhà ngoại giao Philippines để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Theo giới phân tích, Tokyo đã chính thức bước vào cuộc tranh cãi liên quan tới Bắc Kinh.
Nhật Bản không phải là bên có
xung đột trong tuyên bố chủ quyền và việc họ can dự tới tranh chấp có thể chọc
giận Bắc Kinh. Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung
Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lớn
nhất bằng việc đưa ra bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết vùng biển.
Ảnh: Wordpress |
Trước đó, Tokyo cũng đề cập vấn đề Biển Đông với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp gỡ với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba tại New York bên lề kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ. Theo lời một quan chức Mỹ: "Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông".
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda gần đây đã bày tỏ sự quan ngại xung quanh việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự cũng như các hoạt động hàng hải gần Nhật Bản, kể cả khi ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
"Tôi lo lắng về việc thiếu minh bạch trong nỗ lực củng cố và gia tăng các khả năng quốc phòng cũng như các hoạt động hàng hải của Trung Quốc”, ông Noda nói tại một cuộc họp quốc hội Nhật. "Tôi mong rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò thích hợp như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Mong muốn Trung Quốc 'biết điều'
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua đã nói rằng, ông mong Trung Quốc sẽ "biết điều" xung quanh các tranh chấp lãnh thổ. Ông Aquino, người gần đây tới thăm Bắc Kinh trong nỗ lực tháo gỡ căng thẳng về Biển Đông, nhấn mạnh, sự hiểu biết về quan điểm của mỗi bên và xác định các khu vực thoả thuận là rất quan trọng.
"Trong trường hợp của họ, khái niệm giữ thể diện là rất quan trọng", ông Aquino nói tại New York khi tham dự kỳ họp LHQ. "Chúng tôi nghĩ họ sẽ biết điều, nhưng họ cũng cần có một số biện pháp giữ thể diện".
Tổng thống Philippines cũng giữ vững lập trường rằng, Trung Quốc nên đạt được một thỏa thuận với toàn bộ 10 thành viên ASEAN về bộ quy tắc hành xử ở Biển Đông. "Nếu chúng ta làm việc trên cơ sở song phương thì sau đó, chúng ta sẽ chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng", ông khẳng định.
ASEAN và Trung Quốc đã thông qua một tuyên bố hành xử trên biển vào năm 2002 nhưng không mang tính ràng buộc. Theo giới ngoại giao, một Trung Quốc đang trỗi dậy mong muốn giải quyết vấn đề tranh chấp với từng quốc gia theo chiến lược "chia để trị".
Thái An (theo Indianexpress, Inquirer, WSJ)