- “Ở nước ta vẫn có những tờ báo đi vào khai thác những câu chuyện giật gân nhằm mục đích câu khách”, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định tại Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh trế xã hội của đất nước”.

Sáng 14/6, tại trụ sở Bộ công an (47 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh trế xã hội của đất nước”.

Tại hội thảo, hơn 30 tham luận đã nêu bật mối quan hệ giữa báo chí với lực lượng công an nhân dân, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Báo chí hiện nay là kênh thông tin đặc biệt quan trọng trong tuyên truyền công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Không những góp phần phanh phui những vụ việc tiêu cực, báo chí luôn đồng hành cũng các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có ngành công an trong xử lý tội phạm.

Đông đảo cơ quan báo chí có mặt tại Hội thảo

Tại hội thảo, bên cạnh những thành tích mà báo chí đạt được, ông Nguyễn Thế kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng nhận định: Hiện nay, ở nước ta vẫn còn tồn tại những tờ báo đã lạm dụng ý nghĩa và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, sa đà vào những câu chuyện giật gân nhằm mục đích câu khách. Bên cạnh đó, còn có những nhà báo nghiệp vụ điều tra “non” và nhận thức thấp đã sản xuất ra những bài báo kém chất lượng.

Một số tham luận khác cũng cho thấy, nhiều tờ báo đã chuyển tải rất nhiều nội dung liên quan đến đâm, chém, cướp, giết, hiếp, chuyện ăn mặc hở hang của văn nghệ sỹ... nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò của công chúng.

Đáp ứng tính hiếu kỳ này của độc giả đóng góp rất lớn vào việc tăng doanh thu của bản báo và nhuận bút của phóng viên. Tác hại của những bài báo này là góp phần vẽ nên một bức tranh xã hội méo mó, đen tối, không đúng với thực tế, làm cho người dân cảm thấy hoang mang, bất an, mất niềm tin và “sợ cuộc sống”.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các đại biểu cho rằng cùng với một cơ chế phối hợp thật sự gắn kết, thì lực lượng công an cũng chủ động kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.

Tham luận của Đại tá TS. Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng cũng nhấn mạnh: “Do đặc thù công tác phòng chống tội phạm vừa công khai, vừa phải bí mật, dẫn đến việc cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí tuyên truyền còn bị hạn chế, đôi khi cũng gây bức xúc cho các phóng viên.

Nhận thức chưa đúng về quy định bí mật của Nhà nước, còn không ít cán bộ công an ngại tiếp cận với báo chí, coi việc tuyên truyền ảnh hưởng đến bí mật trong phòng chống tội phạm, không cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí phục vụ công tác tuyên truyền.

Không ít cán bộ công an lợi dụng báo chí để lộ lọt thông tin vì mục đích cá nhân như gây mất đoàn kết nội bộ…Công tác báo chí, tuyên truyền cũng còn hạn chế nhất định như: Đưa tin quá sớm về nội dung vụ án, có vụ việc lồng ghép nhận xét chủ quan, gây hoang mang trong dư luận, làm lộ lọt thông tin để đối tượng phạm tội chống đối hoặc tìm cách can thiệp. Ngoài ra, có không ít phóng viên lợi dụng có thông tin về tội phạm tiếp xúc với đối tượng để phục vụ mục đích cá nhân…”.

Tham luận của Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự khẳng định: “Để nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, cần phải có những đổi mới không chỉ của bản thân báo chí truyền thông với chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng xã hội, phản ánh nguyện vọng và phát huy vai trò quần chúng nhân dân…mà chúng ta cũng cần phải có những đổi mới trong việc khai thác, cung cấp thông tin, đổi mới quan hệ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan báo chí truyền thông …”.

P. Lan