Nghiên cứu của Andrew Turner, một nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) cho thấy chai thủy tinh chứa một lượng kim loại nặng có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Andrew Turner cho biết bản thân ông khi tiến hành nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi phát hiện nồng độ cao các chất độc hại trong những sản phẩm phổ biến hàng ngày đặc biệt là chai lọ thủy tinh.
Để tiến hành nghiên cứu thuận lợi, nhà khoa học kể trên đã thu gom các chai bia, rượu vang và vật dụng thủy tinh đựng đồ uống có cồn khác từ các cửa hàng địa phương và toàn quốc từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 8 năm 2018.
Ảnh minh họa |
Kích cỡ các mẫu dao động từ 50 đến 750 ml. Trong số 89 chai được phân tích bằng phương pháp phân tích phổ huỳnh quang tia X (X-ray fluorescence spectrometry), trong 76 chai có chì và 55 chai có cadimi.
Crom được tìm thấy trong tất cả các chai màu xanh lá cây và trong chai thủy tinh màu nâu 40%. Cadimi, chì và crom có trong thủy tinh (nhưng ở nồng độ có ít nguy cơ với môi trường và sức khỏe).
Tuy nhiên, chai lọ thủy tinh tráng men cho thấy nồng độ cadimi lên tới 20 nghìn phần triệu. Nồng độ chì trong phụ kiện trang trí chai rượu lên tới 80 nghìn phần triệu, trong khi giới hạn hàm lượng chì trong thuốc nhuộm, sơn các sản phẩm tiêu dùng là 90 phần triệu (ppm - parts per million).
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng các nguyên tố có thể được phát thải từ các mảnh thủy tinh và đồ tráng men. Trong một thử nghiệm mô phỏng mưa tại bãi rác, việc giải phóng kim loại nặng từ một số chai thủy tinh vượt quá tiêu chuẩn độc tính của Mỹ.
TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hàm lượng chì trong đồ thủy tinh lớn, gặp điều kiện thuận lợi có thể thôi ra, thâm nhập và tích lũy trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu, gây nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong. Nếu tiếp xúc với môi trường axít, kiềm, hoặc nhiệt độ cao các nguyên tử bề mặt có xu hướng tách ra hòa lẫn vào thực phẩm, nước. Nhiệt càng cao, chì càng bị kích hoạt tách ra nhiều hơn. Hàm lượng chì ở ly, cốc, bát đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và qua da khi người cầm, nắm sản phẩm. Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, các chuyên gia khuyến cáo nên mua bát đĩa gốm sứ chất lượng cao, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng. Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Khi thấy bát đĩa sần sùi, bong tróc lớp men bóng, hoặc rạn thì nên mua bát mới (bởi men chì nhanh bị mài mòn, hàng chợ càng chóng bị bong tróc men, phai màu và hàm lượng chì thoát ra nhiều và ngấm hết vào thức ăn, rất nguy hiểm cho người dùng)… |
(Theo Environmental Science & Technology/ Viet Q)