- Đề xuất tăng chỉ tiêu và mở thêm ngành mới của các trường ĐH, CĐ năm 2011 đang được Bộ GD-ĐT xem xét.
Chỉ tiêu tăng
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm nay sẽ tăng trung bình 6,5%.
Trong đó, có trường đã dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển mới ở mức cao, tới 20%, như Trường ĐH Điện lực.
Trường ĐH Công nghiệp dự kiến tăng khoảng 6%, nâng lên 4.500 chỉ tiêu hệ ĐH, 4.500 chỉ tiêu hệ CĐ, 2.500 chỉ tiêu hệ TCCN. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tăng 200 suất đào tạo ĐH và 800 chỉ tiêu đào tạo CĐ.
Ở nhiều trường ĐH khác, khả năng tăng số sinh viên tuyển mới trong năm 2011 khoảng 10% (Trường ĐH Mỏ - Địa chất bậc CĐ với khoảng 500 em, Trường ĐH Lâm nghiệp tăng 300 chỉ tiêu lên thành 1.900, Trường ĐH Hà Nội tăng 100 chỉ tiêu lên 1.800) Trường ĐH Giao thông Vận tải tăng 5% so với chỉ tiêu năm trước.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Sư phạm TP.HCM đều dự kiến tăng thêm 200-300 chỉ tiêu tuyển mới hệ đào tạo ĐH. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng gia tăng thêm 5% (ước khoảng 150 chỉ tiêu). Trường ĐH Luật TP.HCM, năm nay cũng sẽ tăng chỉ tiêu thêm 90 chỉ tiêu....
Năm 2011 Học viện Tài chính dự kiến tuyển mới 3.800 chỉ tiêu, tăng 6-7% so với năm 2010. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng dự kiến tăng 7% số SV tuyển mới so với năm 2010 (năm 2011 dự kiến tuyển 1.800 em). Chỉ tiêu tuyển mới của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tăng hơn so với năm trước vài trăm.
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội sẽ tăng chỉ tiêu cho các ngành xã hội đang cần như xây dựng dân dụng và công nghiệp, kinh tế xây dựng, xây dựng cầu đường.
Không chỉ đề xuất Bộ GD-ĐT cho tăng chỉ tiêu, nhiều trường ĐH "thiết kế" thêm nhiều ngành mới, nếu được Bộ chấp thuận, sẽ tuyển sinh trong năm nay.
Nhiều ngành mới
Đến nay, nhiều trường ĐH đã hoàn tất phương án tuyển sinh năm 2011 với nhiều ngành mới mở.
Cụ thể như: Trường ĐH Hàng hải thêm ngành Toàn cầu hóa và thương mại vận tải. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM mở ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi.
Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình xây dựng và Kỹ thuật môi trường.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở thêm hai chuyên ngành Chính sách công và Công tác xã hội.
Học viện Quản lý giáo dục cũng cho biết nếu được cho phép sẽ mở một số ngành mới trong năm 2011. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tuyển 60 thí sinh hệ CĐ đào tạo nhân viên thiết bị trường học.
Trường ĐH Yersin Đà Lạt mở ngành Mỹ thuật công nghiệp, đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang có chú trọng đặc thù thời trang phù hợp với các dân tộc Tây Nguyên, tuyển 100 chỉ tiêu.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM mở 3 ngành học về công nghệ thông tin - đó là ngành Khoa học máy tính (100 - 120 chỉ tiêu), ngành Hệ thống thông tin (100 chỉ tiêu), ngành kỹ thuật phần mềm (100 chỉ tiêu)
Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng dự định mở thêm 2 ngành mới là Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) và cử nhân song ngữ Trung-Anh.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến có thêm 3 ngành học mới trong năm học 2011-2012 gồmg tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật; Quản lý công nghiệp và Công nghệ kỹ thuật máy tính.
Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh đang xin bộ cho mở thêm 5 ngành học mới như Công nghệ kỹ thuật cơ điện; Công nghệ kỹ thuật điện tử; Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử; Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật trắc địa bản đồ.
Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết dự kiến mở thêm 3 ngành học mới là: Tài chính ngân hàng; Marketing; Việt Nam học.
Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ, tuyển sinh 2011 mở thêm ngành học mới là sư phạm hoá và dự kiến mở thêm ngành liên kết đào tạo là ngành du lịch và kỹ thuật điện.
Trường ĐH Tài chính - marketing dự kiến mở mới chuyên ngành thuế nằm trong ngành tài chính ngân hàng.
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM dự kiến mở mới ngành công nghệ thực phẩm.
Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cũng sẽ mở mới và tuyển sinh ngành Kỹ thuật công trình ngoài khơi (55 chỉ tiêu).
Trường ĐH Văn hoá TP.HCM dự kiến mở mới các chuyên ngành: Đạo diễn sự kiện văn hoá (khối R4), nghệ thuật dẫn chương trình (khối R5) thuộc ngành Quản lý văn hoá ở bậc ĐH.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm thí sinh ở một số ngành chuyên môn và ngành ngôn ngữ, nhiều trường ĐH tại TPHCM đã dự kiến tăng khối thi hoặc mở ngành mới.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tăng khối thi một số ngành như: Ngữ văn (cả sư phạm và ngoài sư phạm, thi khối C và D1); Tin học (cả sư phạm tin học và công nghệ thông tin, thi khối A, D1); tiếng Pháp (cả sư phạm và cử nhân, thi khối D1, D3); Sư phạm song ngữ Nga - Anh, ngôn ngữ Nga - Anh (thi khối A, C, D); giáo dục đặc biệt (thi khối C, D1, M); trường cũng dự kiến mở ngành sư phạm tiếng Nhật, tâm lý giáo dục với 2 chuyên ngành giáo dục học (sư phạm) và tâm lý học giáo dục (ngoài sư phạm).
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đang có hướng chuyển ngành kỹ thuật nữ công sang nhà hàng - du lịch - khách sạn; Trường ĐH Quốc tế TPHCM dự kiến mở ngành kỹ thuật xây dựng; Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến mở chuyên ngành kỹ thuật công trình ngoài khơi.
Lý giải cho sự phát triển thêm các ngành học mới, hầu hết các trường đều cho rằng là để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của học sinh cũng như thị trường lao động hiện nay.