Sáng 21/2, TP.HCM đã tổ chức họp mặt các Giáo sư, Phó giáo sư, Thầy thuốc tiêu biểu trong đào tạo nguồn nhân lực y tế.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, nguồn nhân lực y tế của TP đã có nhiều biến đổi về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân tăng từ 16 (năm 2016) lên 20 (năm 2020).

Tuy nhiên, ngành y tế TP.HCM gặp thách thức với công tác đào nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân TP và cả khu vực phía Nam. 

{keywords}
Dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu của y tế cơ sở TP.HCM

Ông Thượng cho biết, thành phố có tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân cao nhất cả nước nhưng thấp hơn nhiều quốc gia có hệ thống y tế phát triển như Australia (38 bác sĩ/10.000 dân), New Zealand (34 bác sĩ), Hàn Quốc và Nhật Bản (25 bác sĩ).

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận điểm bất hợp lý khi số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều lần so với số bác sĩ thực hành tổng quát và các bác sĩ gia đình.

“Với mô hình tháp ngược loại hình bác sĩ thì hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khó có thể phát triển được và gây quá tải bệnh viện”, ông Thượng đánh giá. 

Nhiều hệ lụy về vấn đề nhân lực y tế cơ sở đã bộc lộ rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.

Trước những khó khăn và thách thức trên,  ngành y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm đưa các bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp về thực hành tại các trạm y tế đan xen với thực hành tại các bệnh viện. 

{keywords}
Một trong 297 bác sĩ trẻ về thực hành ở trạm y tế của TP.HCM.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, cần phải có một sự đặt hàng cụ thể để hệ thống giáo dục đào tạo đáp ứng. Điều này có nghĩa đang thiếu sự kết nối, trao đổi giữa bộ phận đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

“Phải có một con số đặt hàng. Như vậy sẽ đào tạo các bác sĩ nội trú đi vào chuyên khoa sâu. Phần còn lại, thực ra là số đông, sẽ đào tạo theo y tế nguyên lý học gia đình, phục vụ cho y tế tuyến cơ sở”, GS.TS Trần Diệp Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, các thầy thuốc cũng đề nghị phải có chính sách y tế bền vững, như chính sách đãi ngộ, cơ hội học tập để củng cố được hệ thống y tế cơ sở. 

{keywords}
Nhân viên trạm y tế phải đảm nhận rất nhiều công việc trong khi thu nhập "bèo bọt".

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiều vấn đề của y tế cơ sở đã tồn tại hàng chục năm, nay được các thầy thuốc và ngành y tế nhắc lại. Người đứng đầu chính quyền TP cho biết, sẽ chọn lựa vấn đề, tổ chức nghiên cứu để 3-5 năm tới, có những sản phẩm giải quyết được nghịch lý nêu trên.

“Có nhiều vấn đề thuộc cơ chế chính sách, có cái đã được quy định chung, có cái chúng ta phải nghiên cứu vận dụng để thí điểm vận dụng phù hợp với điều kiện thành phố.

Điều quan trọng là thành phố chúng ta có điều kiện về kinh tế xã hội để triển khai những ý tưởng, những cách làm mới”, ông Mãi cho hay.

Linh Giao

Gần 300 bác sĩ trẻ TP.HCM lên đường "nâng chất” cho y tế xã phường

Gần 300 bác sĩ trẻ TP.HCM lên đường "nâng chất” cho y tế xã phường

297 bác sĩ trẻ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chính thức nhận nhiệm vụ tăng cường cho tuyến cơ sở TP.HCM. Đây được xem là sáng kiến mang tính bước ngoặt của ngành y tế TP.