Kết quả những cuộc khảo sát gần đây khiến các nhà nghiên cứu xã hội Mỹ không khỏi băn khoăn: Liệu công dân nước này có đang quá thiếu kiến thức công dân cơ bản so với thiên hạ?

Tạp chí Newsweek tại Mỹ mới đây tung ra Bài sát hạch công dân Mỹ (The US Citizenship Test) cho 1.000 người dân Mỹ làm thử. Kết quả là 38% “trượt vỏ chuối”. Newsweek cảnh báo tương lai nước Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng chính bởi sự thiếu hiểu biết của người dân nước này.

Nhìn vào điểm số bài thi, ắt hẳn các giáo viên lịch sử tại các trường trung học Mỹ không khỏi giật mình. Trong số 1.000 người tham gia bài thi, 29% không biết tên Phó Tổng thống Mỹ; 73% không giải thích chính xác lý do Mỹ đối đầu trong Chiến tranh lạnh; 44% không định nghĩa được Tuyên ngôn Nhân quyền Mỹ; 6% thậm chí mù tịt về…ngày Quốc khánh.

Nhiều người Mỹ đau đầu với Bài thi công dân (Ảnh minh họa)

Hổng kiến thức công dân không phải là điều quá xa lạ ở nước Mỹ. Từ lâu nay, nhiều người Mỹ vẫn chưa hiểu đúng về hệ thống tam quyền phân lập (checks and balances) cũng như không nhận diện chính xác về các thượng nghị sỹ do chính họ bầu ra.

Nghiên cứu của ông Michael X.Delli Carpini, người đứng đầu trường Truyền thông Annenberg, cho thấy sự chuyển biến hàng năm về kiến thức công dân của người Mỹ kể từ Thế chiến II tới nay chỉ ở mức trung bình “dưới 1%”. Trong khi đó, thế giới đã thay đổi và thật không may, con người sẽ ngày càng thiếu thân thiện nếu cứ thờ ơ với mọi thứ xung quanh.

Tháng 3/2009, Tạp chí Truyền thông Châu Âu mở cuộc thăm dò kiến thức về các vấn đề quốc tế dành cho công dân các nước Anh, Đan Mạch, Phần Lan và Mỹ. Kết quả là người Châu Âu đã “vượt mặt hoàn toàn” người Mỹ. Trong số những người tham gia thăm dò, 68% người Đan Mạch, 75% người Anh và 76% người Phần Lan xác định được Taliban là lực lượng nào. Tuy nhiên, chỉ có 58% người Mỹ biết về Taliban. Điều này xem ra nực cười bởi Mỹ chính là nước dẫn đầu liên quân trong cuộc chiến Afghanistan. Đây là một trong những cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy sự “hụt hẫng” kiến thức công dân của người Mỹ so với người dân các nước phương Tây khác.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng, cần hiểu rõ nguồn gốc dẫn tới tình trạng trên. Phần lớn các chuyên gia đồng tình rằng sự rắc rối, phức tạp của hệ thống chính trị Mỹ đã khiến nhiều người Mỹ… không theo kịp.

Theo nhà khoa học chính trị Jacob Hacker từ trường Đại học Yale, ở nhiều nước châu Âu, Nghị viện có đại diện cân xứng và đảng lớn cầm quyền mà không phải “chia sẻ quyền lực với nhiều chính quyền cấp dưới”. Ngược lại, gánh nặng đè lên nước Mỹ với một Thượng viện mất cân đối, một hệ thống Nhà nước rối rắm cùng sự quan liêu ở cấp liên bang và địa phương. Bên cạnh đó, người Mỹ còn phải đối mặt với những cuộc bầu cử liên miên ( từ bầu cử thẩm phán, chánh án, quận trưởng cảnh sát…cho tới bầu thành viên hội đồng Nhà trường…)

Một số người thậm chí không biết về ngày Quốc khánh (Ảnh minh họa) 

Không ai có đủ khả năng hiểu hết mọi thứ trong tất cả các lần bỏ phiếu. Bạn biết bạn sắp đau đầu, hụt hơi và không muốn hiểu thêm”, Michael Schudson, tác giả cuốn “Công dân tốt”, phát biểu.

Mỹ là một trong những nước có cấp độ bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất trong số các quốc gia phát triển. Thu nhập của 400 hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ còn nhiều hơn tổng thu nhập 60% số người nghèo nhất xã hội.

Nhà xã hội học Dalton Conley từ Đại học New York giải thích rằng không như Đan Mạch, nước Mỹ có rất nhiều người nghèo không tiếp cận được với nền giáo dục tốt, một lượng lớn dân số nhập cư thậm chí không biết tiếng Anh. Điều này lý giải tại sao khi các cuộc khảo sát kiến thức tập trung vào các công dân bản xứ “xịn” thì kết quả lại nghiêng về phía Mỹ.

Một nhân tố khác làm trầm trọng thêm “lỗ hổng” kiến thức công dân là hệ thống giáo dục phân quyền tại Mỹ, vốn do các bang phụ trách. Nhà khoa học chính trị Hacker nói: ”Khi chúng ta có chương trình giảng dạy tập trung, chúng ta sẽ lĩnh hội kiến thức cơ bản nhiều hơn và có văn hóa công dân mạnh hơn”.

Trở ngại nữa là việc người Mỹ thường tiếp cận các chương trình truyền thông mang tính thị trường hơn là công cộng, trong khi các chương trình công cộng vốn tập trung hơn vào các thông tin quốc tế, dân sự, tăng cường hiểu biết công dân.

Khi thời cuộc đang thay đổi nhanh chóng, việc thiếu nhận thức về thế giới xung quanh sẽ trở thành vấn đề lớn. Những gì xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản ảnh hưởng tới cả công nhân ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng ở Detroit, bang Michigan, Mỹ. Tương tự, các động thái trong Nhà Trắng cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ.

Trước khi xuất hiện Internet, sử dụng sức mạnh cơ bắp là đủ. Hiện giờ, kinh tế tri thức đòi hỏi trí óc. Tranh cãi mới đây về ngân sách của chính phủ Mỹ là minh chứng cho những nguy hiểm mới từ sự thiếu hiểu biết công dân.

Tất cả các nhà kinh tế học đều biết cách thức giải quyết nợ như tiết kiệm chi tiêu đối với các chương trình lớn, cắt giảm ngân sách quốc phòng, cải cách thuế để lấp đầy kho bạc…Thế nhưng, các cuộc điều tra khảo sát lại cho thấy các cử tri Mỹ không thực sự hiểu về ngân sách. Theo cuộc thăm dò dư luận thế giới 2010, nhiều người Mỹ muốn giải quyết thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm viện trợ nước ngoài từ chỗ chiếm 27% ngân sách (mức mà họ nghĩ là đang tồn tại) xuống tỷ lệ 13%. Trên thực tế, viện trợ nước ngoài hiện mới chỉ chiếm dưới 1% ngân sách Mỹ.

Trong cuộc khảo sát của CNN hôm 25/1, có tới 71% cử tri muốn một chính phủ gọn nhẹ hơn. Phần lớn phản đối cắt giảm chương trình bảo hiểm y tế dành cho người già (81%), an ninh xã hội (78%)…Thay vào đó, cử tri muốn giảm những lãng phí khác mà họ cho là chiếm tới 50% chi tiêu.

Nước Mỹ hiện rơi vào cuộc tranh cãi về cắt giảm chi tiêu ngắn hạn, có thể tổn hại tới 700.000 việc làm, gây khó khăn cho quá trình hồi phục kinh tế và làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Thế nhưng, người Mỹ lại chẳng làm gì để đối phó với những thách thức tài chính dài hạn.

Những năm qua, Giáo sư truyền thông James Fishkin đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đơn giản như thăm dò ý kiến của công dân về một vấn đề lớn, không rõ ràng; sau đó thử xem quan điểm của họ thay đổi như thế nào khi họ buộc phải đối mặt với sự thật. Kết quả là khi họ bắt đầu bất đồng, ví dụ như về chi tiêu chính phủ, họ có khuynh hướng đồng tình với những phản ứng chính sách có lý , một khi họ biết rõ về thu và chi ngân sách.

Nhà khoa học chính trị Hacker nói: ”Nguời Mỹ bị ảnh hưởng bởi việc thiếu thông tin hơn là thiếu khả năng”. Trước thực tế này, người ta cho rằng bất chấp đau đớn, đã đến lúc để nước Mỹ tìm cách chữa trị “bệnh” thiếu kiến thức công dân.

  • V. Giang lược dịch