Trong ngày làm việc đầu năm 2022, một công ty truyền thông trên đường Điện Biên Phủ (Q.10, TP.HCM) tổ chức tiệc tân niên cho nhân viên khoảng 30 người. Toàn bộ buổi tiệc gồm 6 con gà bó xôi, gà ngũ vị, gỏi gà đều được đặt mua tại một quán quen trên ứng dụng gọi đồ ăn.
Những năm trước, nhân viên hành chính và tạp vụ của công ty phải nấu từ nhà mang lên hoặc ra nhà hàng để chuẩn bị cho buổi tụ họp. Năm nay, do đặt đồ ăn trên ứng dụng nên mọi người có thời gian nghỉ ngơi, lại đảm bảo phòng dịch khi không phải ra ngoài.
Một tài xế giao đồ ăn mấy ngày dịp Tết. (Ảnh: Hải Đăng) |
Việc gọi đồ ăn cho cả công ty 40-50 người thường ít phổ biến, vì số món của một quán trên ứng dụng thường không đủ đa dạng. Riêng một số gia đình nhỏ, những người sống độc thân thì việc sắm Tết hay đặt đồ ăn để rảnh rang mấy ngày Tết đã khá quen thuộc.
Năm nay công ty bất ngờ cho nghỉ đến mùng 10 nên chị Uyên (Quận 1) và một số đồng nghiệp hẹn nhau về nhà chơi lô tô, chơi bầu cua cả ngày mùng 7. Suốt thời gian này, cả nhóm 5-6 người đặt đồ ăn toàn bộ trên ứng dụng, từ các món ăn chính đến cả cà phê, trà sữa.
Xu hướng đặt đồ ăn trong và sau Tết đang rất phổ biến gần đây do nhiều người ngại nấu nướng, mong muốn thảnh thơi mấy ngày nghỉ lễ.
Theo số liệu của Adjust, một nền tảng tiếp thị trên di động, ngày càng nhiều người cài đặt các ứng dụng mua sắm và ứng dụng gọi đồ ăn trong dịp Tết Nguyên đán.
Trên toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ người ăn mừng dịp lễ này, do đó tăng trưởng của các ứng dụng đều khá ấn tượng trong các năm thống kê gần đây.
Do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, cộng với thói quen sau dịch, nhiều người chuyển sang đặt đồ ăn để mừng Tết. Số lượt cài đặt ứng dụng giao đồ ăn trên toàn cầu tăng 56% vào năm 2020, và tăng thêm 2% vào năm 2021.
Dù số lượng cài đặt không tăng mạnh trong năm 2021, song thời gian truy cập của người dân tăng lên đáng kể. Vào dịp Tết năm 2020, số phiên truy cập trên toàn cầu tăng 100% so với cùng kỳ năm 2019, và thêm 90% vào năm 2021. Số phiên truy cập ở khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng 136% vào năm 2020 và 99% năm 2021.
Dựa vào tình hình thực tế và số liệu qua từng năm, Adjust cho rằng dịp Tết Nguyên đán năm nay số lượng truy cập và giao dịch trên các ứng dụng - trong đó có ứng dụng gọi đồ ăn - sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Dù nhu cầu đặt đồ ăn của người dân vẫn duy trì trong và sau Tết, song do lực lượng tài xế nghỉ lễ nên việc gọi xe, đặt đồ ăn trong giai đoạn hiện nay không được đáp ứng nhanh như thông thường.
Hôm mùng 6 Tết, anh Nguyên (Tân Phú) đặt đồ ăn sáng trên ứng dụng Baemin. Hai gói xôi trị giá 40.000 đồng nhưng phí giao hàng lên 60.000 đồng cho quãng đường 11km - được ứng dụng báo là đang cao do nhu cầu tăng lên.
Cũng trong ngày này, chị Uyên (Tân Bình) đặt mua thực phẩm trên GrabMart ở siêu thị Lotte nhưng thời gian chờ đợi cũng tăng hơn gấp đôi do ứng dụng không tìm thấy tài xế.
Dù vậy, năm nay nhiều người TP.HCM quen sử dụng ứng dụng gọi xe cho rằng việc đặt đồ ăn và gọi xe không gặp tình trạng huỷ đơn hay phải chờ đợi lâu như Tết một số năm trước.
Hải Đăng
Các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn áp dụng chính sách giảm thuế VAT
Một số ứng dụng gọi xe, giao nhận đồ ăn như Grab, Baemin thông báo áp dụng mức thuế VAT mới cho các dịch vụ sau khi chính sách giảm thuế có hiệu lực.