Thông thường ăn là để... sống chứ đâu phải ăn để… chết, nhưng trước thời buổi làm ăn chộp giật, “lướt sóng” hiện nay thì nhiều khi ăn lại là để chết.

Đầu tiên là “chết” tiền. Những ngày vừa qua, báo chí xôn xao việc thực khách bỏ tiền ra mua một con cua nặng 1,2kg để rồi cuối cùng thực chất chỉ ăn được 420 gram. Số tiền còn lại hao phí cho cho 780 gram sợi dây và hao phí khi luộc!

Rồi câu chuyện hai vợ chồng Việt kiều vào một quán phở tại Hà Nội ăn, sau khi ăn xong ra tính tiền chủ quán đòi 800.000 đồng cho hai bát phở. Hai vợ chồng này không hài lòng và thắc mắc thì được người chủ này đáp lại bằng cách chém con dao xuống mặt bàn và quát “không nói nhiều”. Sau đó các vị khách phải trả 800.000 đồng rồi lẳng lặng ra về.

Chặt chém, ép giá tại các khu du lịch không còn là “chuyện lạ”. Dư luận đã không thể không bức xúc khi thốt lên rằng: Đó chẳng khác gì ăn cắp và nếu nói đây là “ăn cắp” thì đó là hành động “ăn cắp” trắng trợn. Dù vậy, sự ăn để “chết” tiền vẫn chưa nguy khốn bằng sự ăn để chết người. Bởi đây là chết thực sự, chết vì ốm đau bệnh tật, chết theo đúng nghĩa đen của nó.

Mới đây nhất, ngày 6/7, khi kiểm tra tại một lò giết mổ thuộc phường Hiệp Thành, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và Đội Quản lý thị trường Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện tại cơ sở này có một số lượng lớn vỏ chai thuốc hiệu Combistress. Loại thuốc này được chủ lò mổ thừa nhận dùng để tiêm vào heo trước khi mổ để thịt có màu sắc bắt mắt, tươi hơn bình thường. Song điều đáng nói, theo một cán bộ thú y, lượng thuốc Combistress tồn dư trong thịt (mà chắc chắn là tồn dư vì thuốc được tiêm trước khi heo chết) sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn phải như làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, rối loạn giấc ngủ và nguy cơ ung thư rất cao.

{keywords}

Nhiều lò mổ lớn có thể bị ảnh hưởng bởi hệ lụy của thịt heo tiêm thuốc an thần (Ảnh: Người đưa tin)

Có lẽ chưa bao giờ mà cả xã hội lại lo ngại, thậm chí hoang mang về chất lượng thực phẩm như hiện nay. Ăn gì, uống gì và dùng gì cũng sợ. Gạo nhựa, trứng giả, mực cao su, rau quả ngâm thuốc kích thích, bún, bánh phở có chứa formol… thôi thì đủ cả. Đến giấy lau miệng và chén đũa cũng được các chuyên gia khuyến cáo hóa chất phụ gia tồn dư từ quy trình sản xuất khăn giấy có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…

Trước tình trạng bệnh hiểm nghèo gia tăng và nhu cầu bảo vệ, tăng cường sức khỏe, nhiều người đã tìm đến với các loại thực phẩm chức năng, hiếm, độc như một “cứu cánh” nhưng rồi cũng nhanh chóng thất vọng bởi thực phẩm chức năng cũng bị làm giả từ sữa ong chúa, nhau thai cừu, Glucosamin, Collagen… và gần đây nhất là yến huyết.

Theo VTV, một tư thương kinh doanh yến tại quận Tân Bình, TP. HCM cho biết, chiêu thức làm yến huyết như sau: đầu tiên, xịt tổ yến cho ẩm rồi bỏ vào thùng xốp. Sau đó sẽ đào một cái hố để cho thùng xốp vào và ủ phân hữu cơ lên. Ủ khoảng hai tháng, tổ yến sẽ chuyển sang màu hồng do trong phân hữu cơ có chứa NH3 phản ứng với Oxy có trong không khí, tạo ra Nitrit. Nếu để thêm một tháng thì toàn tổ yến sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đỏ. Còn theo cách thứ 2, nếu không làm vệ sinh ở nơi chế biến, làm tổ thì trên thành tường sẽ có phân chim và NH3. NH3 phản ứng với Oxy sẽ tạo thành màu đỏ dưới chân tổ. Lâu ngày, tổ yến sẽ đỏ từ dưới chân tổ lên trên, dần dần sẽ đỏ toàn tổ".

Theo những cách trên, nếu lỡ có bị pháp luật “sờ gáy”, tư thương sẽ lấp liếm rằng, sự hình thành yến huyết tại nhà yến của họ hoàn toàn tự nhiên chứ không nhuộm màu hay tác động gì. Với những chiêu thức “làm giả ăn thật” như vậy, người tiêu dùng nhiều khi “tiền mất tật mang”, bỏ hàng trăm triệu đồng ra mua yến huyết giả, để phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh tật, ung thư.

Hàng năm, Việt Nam có từ 100.000 - 150.000 người mắc ung thư và khoảng 70.000 người tử vong do căn bệnh này. Theo bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, có nhiều lý do khiến số người mắc bệnh ung thư gia tăng trong những năm gần đây như số người hút thuốc, uống rượu bia tại nước ta còn cao, tình trạng ô nhiễm môi trường… Song, còn có một nguyên nhân nữa đến từ việc không kiểm soát được vấn đề vệ sinh thực phẩm, thực phẩm có chứa những hóa chất độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ, không chỉ gây bệnh ung thư mà nhiều bệnh lý khác.

Trót ăn để rồi “chết tiền” là ác mộng nhưng chỉ là ác mộng đối với những thực khách, du khách khi du lịch ở Việt Nam. Nhưng ăn để rồi chết theo đúng nghĩa đen của nó thì quả là ác mộng đối với cả xã hội bởi nó để lại hậu quả khôn lường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chất lượng sống của nhiều thế hệ, làm suy giảm giống nòi.

Tuyên truyền, vận động, chế tài, tẩy chay hay hình sự… đều rất cần áp dụng. Song có lẽ, rất cần một “liều thuốc” cực mạnh lúc này từ các cơ quan quản lý Nhà nước để chặn đứng ngay lòng tham, sự gian dối và những hoạt động kinh doanh vô đạo đức đang diễn ra hàng ngày

(Theo VOV)