Bệnh ho gà ở trẻ mấy năm nay gần như hiếm gặp tại Việt Nam, nhưng những ngày giáp Tết Ất Mùi, bệnh ho gà đang có dấu hiệu trở lại.
BV Nhi Trung ương cho biết, hiện tại BV đang tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng. Đa phần những trường hợp này là các bé không được cha mẹ cho tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
Không tiêm phòng đầy đủ nhiều trẻ mắc ho gà
Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc ho gà.
Cháu Vũ Phan Dương 2 tháng tuổi ở Hải Phòng bệnh nhi vừa được ra viện sau 2 tuần điều trị thở oxy tại khoa Hô hấp là một trường hợp điển hình. Theo lời người nhà, cách đây 1 tháng, bé Dương ho từng cơn rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở.
Tại bệnh viện tỉnh, cháu được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị trong 10 ngày. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, bé được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung Ương. Qua thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sĩ nhận thấy cháu có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, đặc biệt gợi ý chẩn đoán Ho gà khi lymphocyte tăng cao. XN dịch mũi họng bằng phương pháp PCR ho gà hoặc cấy dịch mũi họng cho kết quả dương tính với trực khuẩn ho gà. Gia đình cho biết cháu Dương chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh này.
Bệnh nhi mắc ho gà biến chứng suy hô hấp đang điều trị tại khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương (Ảnh BV) |
Bé gái Trần Phương Linh (2 tuổi, Hà Nội) hiện đang điều trị tại khoa Điều trị tích cực cũng là một trường hợp biến chứng ho gà do không được tiêm vắc xin. Các bác sĩ cho biết, cháu Linh khi nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch: suy thở, suy tuần hoàn. Bé đã được điều trị bằng thở máy, hỗ trợ tim mạch, dùng thuốc kháng sinh phù hợp. May mắn, sau 5 ngày tình trạng bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt: bé cai được máy thở, giảm các triệu chứng viêm phổi. Tuy trẻ vẫn còn ho nhưng cơn ho không dai dẳng, không gây tím tái.
Tránh mắc ho gà cần tiêm vắc xin đầy đủ
TS Lê Hồng Hanh, Phó Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Trung ương, cho biết trước đây, khi chưa được tiêm phòng ho gà, tỉ lệ trẻ em mắc căn bệnh này khá nhiều. Bởi đây là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh.
"Căn bệnh tưởng như đã hiếm gặp trong mấy năm gần đây bởi đã có vắc xin phòng bệnh nay xuất hiện trở lại. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Qua khai thác tiểu sử những bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương các bác sĩ nhận thấy những trẻ mắc bệnh đều chưa được tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh ho gà", TS Hanh cảnh báo.
Theo TS Hanh, ho gà thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu xuất tiết kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm).
Giai đoạn toàn phát: Từ 1-2 tuần kế tiếp, các cháu bắt đầu ho nhiều, ho dài rồi tiến triển thành từng cơn ho sặc sụa. Những cơn ho này khiến trẻ mất sức, thể trạng mệt mỏi, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Giai đoạn cuối cùng là hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
"Điều đáng lo ngại là trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp", TS Hanh cho biết.
Hiện nay, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai. Đối với trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà. Ngoài ra, cần tránh cho bé tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trẻ mắc ho có thể bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi. Với trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng bệnh ho gà rất dễ trở nặng và tử vong. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm vắcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng và trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Để phòng tránh mắc ho gà trẻ cần được tiêm phòng đẩy đủ vắc xin 5 trong 1 theo đúng lịch trình. |
(Theo Khám phá)
Đối với trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà:
-Trẻ sơ sinh là trẻ mới sinh, dưới 28 ngày tuổi: không có chỉ định tiêm vaccin phòng bệnh Ho gà, vì nếu trẻ được sinh ra từ bà mẹ được tiêm vaccin phòng ho gà thì trẻ sẽ được nhận miễn dịch thụ động từ kháng thể mẹ truyền sang, bảo vệ trẻ trong thời gian ngắn, đến tuần thứ 6 nếu trẻ được bú mẹ. - Tiêm phòng Ho gà bắt đầu từ trẻ nhỏ 2 tháng tuổi (có thể sớm hơn ngay từ lúc 6 tuần tuổi), miễn dịch chủ động được tạo ra từ mũi thứ 2 vào tháng thứ 3.... Chú ý là khả năng bảo vệ của vaccin chỉ khoảng 5 năm, vậy cần tiêm phòng nhắc lại cho trẻ dậy thì và người lớn. Do vậy, Ho gà thường gặp ở trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccin, trẻ dậy thì và người lớn không được tiêm nhắc lại. - Vậy, cần chỉnh lại là “đối với trẻ nhỏ từ 2 tháng tuổi,gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà”:...” 3. Cần chú ý đến NGUỒN LÂY:
người lớn, người chăm trẻ không được tiêm nhắc lại vaccin phòng bệnh ho gà là
nguồn lây bệnh cho trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ!
Chú ý phát hiện và điều trị dự
phòng nguồn lây, nhằm tránh lây lan bệnh cho người tiếp xúc trực tiếp với nguồn
lây, đặc biệt cách ly hô hấp trẻ bị bệnh ho gà.
4. Bệnh ho gà là bệnh không tạo miễn dịch vĩnh viễn cho trẻ nhỏ mang bệnh, do vậy, trẻ mắc bệnh cần tiếp tục được tiêm phòng ngừa bênh ho gà sau khi ra viện. BS Mai Chinh |