Nhiều người cả sử dụng lẫn không sử dụng ô tô đều lầm tưởng, cứ xảy ra va chạm là túi khí sẽ nổ. Tuy nhiên đó là quan niệm sai lầm bởi để túi khí nổ cũng cần cú va chạm đảm bảo một vài điều kiện nhất định. Trao đổi với PV, một chuyên gia ô tô cho hay, nếu hiểu kỹ hơn về mặt kỹ thuật thì không phải xe cứ gặp tai nạn là túi khí sẽ bung.
"Túi khí là thiết bị an toàn bổ sung cho dây đai an toàn. Túi khí chỉ bung trong trường hợp tính mạng người ngồi trong xe bị đe dọa, khi dây đai an toàn không đủ để bảo vệ người ngồi trên xe. Đây là nguyên lý chung trong việc thiết kế ô tô", chuyên gia này cho biết.
Trên thực tế, sẽ có một số trường hợp khi xảy ra va chạm túi khí sẽ không hoạt động. Điển hình như việc khi xảy ra va chạm từ phía sau hay lật thì túi khí sẽ không được kích hoạt. Bên cạnh đó, túi khí đôi khi sẽ không hoạt động khi xe va chạm với vật biến dạng, dịch chuyển. Một trường hợp nữa túi khí sẽ không hoạt động là xe va chạm với lực hướng xuống phía dưới như trong va chạm với gầm xe tải.
Toyota Việt Nam (TMV) từng in một cuốn sách để giải thích cho khách hàng về các tính năng an toàn trên xe Toyota, trong đó có dây đai an toàn, túi khí. Cuốn sách này nêu rõ điều kiện để túi khí hoạt động khi có va chạm mạnh từ phía trước gồm: Cường độ va chạm vượt giới hạn thiết kế tương đương với 1 cú đâm thẳng ở tốc độ 20 km/h vào bức tường bê tông cứng không bị xê dịch; Cường độ va chạm vượt giới hạn thiết kế tương đương với 1 cú đâm thẳng ở tốc độ 30 km/h vào cột bê tông cứng không bị xê dịch; Túi khí sẽ hoạt động khi va chạm rất mạnh từ phía trước xe, trong khoảng góc nhỏ hơn 30 độ so với tâm xe về phía bên trái hoặc bên phải.
Bên cạnh điều kiện để túi khí hoạt động, sách an toàn của Toyota cũng chỉ ra một số tình huống túi khí sẽ không hoạt động, thường thấy hàng ngày. Ví dụ như khi xe đang đứng yên, túi khí có thể không hoạt động khi va chạm từ phía trước với xe có trọng lượng tương đương đang dịch chuyển ở tốc độ 40 – 50 km/h. Hay trường hợp xe đang di chuyển ở tốc độ 30 – 35 km/h túi khí có thể không hoạt động khi va chạm với cây nhỏ hoặc vật có thể dịch chuyển.
Trong trường hợp va chạm ở tốc độ thấp, túi khí cũng sẽ không hoạt động bởi “Túi khí chỉ hoạt động một lần. Nếu túi khí hoạt động khi có va chạm ở tốc độ thấp, nó sẽ không thể bảo vệ người ngồi trong xe khi gặp phải va chạm mạnh liền ngay sau đó”.
Bên cạnh đó trên các mẫu xe được trang bị túi khí bên, khi xảy ra va chạm cũng có những trường hợp túi khí không hoạt động như khi xe va chạm từ bên hông nhưng không trực tiếp lên khoang hành khách hoặc từ một góc.
Thử nghiệm cho thấy ô tô khi đâm vào gầm xe tải sẽ không bung túi khí của IIHS
Theo giám đốc một garage ô tô tại Hà Nội, ô tô khi va chạm không bung túi khí cũng có thể xuất phát từ phía người sử dụng xe. Không loại trừ một số trường hợp như xe đã bị tai nạn, túi khí đã nổ nhưng khi sửa chữa, chủ xe không thay thế túi khí mới nên khi gặp tai nạn lần tiếp theo, sẽ không còn túi khí để bung. Đặc biệt, có một số trường hợp xe bị tai nạn đã thay thế túi khí nhưng lại không thay cảm biến kích nổ túi khí thì khi gặp tai nạn lần kế tiếp túi khí cũng không thể nổ vì không được bộ cảm biến kích hoạt. Cảm biến kích nổ chỉ sử dụng được một lần nên nếu túi khí đã bung thì khi thay thế túi khí, khách hàng cần phải thay thế cả cảm biến kích nổ túi khí.
Từng trao đổi với PV Xe Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ) cho hay, về mặt kỹ thuật nói chung, để túi khí trên xe ô tô bung ra thì phải đáp ứng một số điều kiện như: tốc độ, góc đâm, gia tốc âm của phương tiện... Chẳng hạn một chiếc xe khi gặp tai nạn nhưng không đâm trực diện, chỉ chui vào gầm ô tô, thì túi khí có thể không bung nếu cường độ va chạm chưa đạt ngưỡng kích hoạt túi khí. Hoặc những chiếc xe chỉ do va chạm từ bên hông xe, nếu va chạm đủ mạnh, thì cũng chỉ có túi khí bên và túi khí rèm bung ra…
Theo Báo giao thông
Túi khí đầu gối không có tác dụng trong tai nạn?
Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) vừa đưa ra một thực tế đáng buồn, các túi khí đầu gối không mang lại những lợi ích bảo vệ an toàn đáng kỳ vọng.