- Hạn 25 ngày theo nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã qua nhưng thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Xung quanh vụ án xuất hiện hàng loạt nghi vấn với nhiều tình tiết ly kỳ.
Tìm kiếm trong vô vọng
Từ lời khai của Nguyễn Mạnh Tường được cơ quan điều tra cung cấp, trong hơn 20 ngày liên tiếp, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đã thuê thợ lặn, thuê thuyền dò tìm, rà lưới, kể cả canh xác tại cửa biển Ba Lạt... nhưng đều không có kết quả.
Thống kê sơ bộ, số tiền gia đình bỏ ra để đi tìm kiếm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ngày 10/11, theo lời một nhà ngoại cảm, gia đình đã chuyển hướng tìm kiếm trên bờ, tập trung người về phía bắc sông Hồng, tìm tại địa điểm cách cầu Thăng Long 7km.
Lực lượng chức năng và gia đình đã lùng sục khắp sông Hồng nhưng không tìm thấy thi thể chị Huyền |
Theo hướng dẫn, có thể thi thể nạn nhân Huyền ở một trong hai ngôi nhà hoang trên bờ.
Từ giấc mộng của một người dân ở Bắc Giang, một nhóm khác cũng đã về tận nghĩa trang gần quê của bác sĩ Tường (Lý Nhân, Hà Nam) tìm kiếm nhưng tất cả đều không có kết quả.
Đến ngày 13/11, gia đình đã ngưng việc tìm kiếm và chờ đợi nước sông Hồng cạn ở mức thấp nhất trong 2 ngày tới mới triển khai tiếp.
Trong ngày 14/11, lại rộ lên thông tin một nông dân trong lúc đi làm vườn, đã phát hiện một ngôi mộ mới đắp ở bãi ven sông Hồng.
Người này về bị "nhập hồn", tự xưng là chị Huyền, báo rằng mình bị bác sĩ Tường chôn chứ không phải bị vứt xác xuống sông. Tuy nhiên qua xác minh, đây chỉ là những thông tin đồn thổi.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Đức Quang (cậu chồng nạn nhân) cho biết, gia đình đang cảm thấy lung lay về tinh thần khi càng tìm kiếm càng thấy vô vọng.
Việc không tìm thấy xác nạn nhân trong hạn 18-25 ngày cũng nằm ngoài nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội.
Bên hành lang Quốc hội ngày 29/10, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết: "Những trường hợp chết vứt xuống sông, bên kỹ thuật hình sự thế giới tổng kết, phải từ 18 – 25 ngày xác mới nổi".
Thiếu tướng Chung cũng khẳng định, công an quyết tâm phải tìm thấy xác nạn nhân. Chưa có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Nhưng từ 19/10 đến nay, mốc 25 ngày đã quá hạn.
Bức thư "lạ" và hàng chục "nhà ngoại cảm"
Trong quá trình tìm kiếm, đã có hàng chục "nhà ngoại cảm" tự xưng đến tìm xác.
Có người bị "nhập hồn" khóc lóc, có người chuyên nghiệp ghi rõ vị trí tại cột đèn số 51, trên cột có khắc chữ Huyền, có người "phán" thi thể đang bị cát vùi, sâu lắm.
"Nhà ngoại cảm" từ Hải Phòng lại khẳng định thi thể chị Huyền vẫn ở khu vực chân cầu Thanh Trì. Trong khi đó một "nhà ngoại cảm" khác tự xưng là Mai Linh ở Cổ Nhuế, Hà Nội lại chỉ xác nạn nhân ở chân cầu Vĩnh Tuy...
Nhưng mọi "phán đoán" đều dẫn chung đến một kết quả là số 0 tròn trĩnh.
Mới đây nhất, ngày 11/11, cộng động mạng lan truyền bức thư của một nhà ngoại cảm giấu tên gửi tới gia đình chị Huyền với mong muốn được cung cấp thông tin cho gia đình tìm kiếm.
Bức thư lan truyền trên mạng |
Bức thư viết: "Lê Thị Thanh Huyền không có nội tạng trong ổ bụng có đá xanh nhỏ kích cỡ từ 3 - 4 cm xung quanh người quấn bằng vải trắng xô từ cổ tới đầu gối bó chặt tay hiện xác nằm dưới bùn độ sâu 30 cm cách chỗ phẫu thuật từ 1,5 - 1,8 km về phía trước mặt nơi có hồ nước ít người qua lại vào buổi tối, qua đường tàu".
Dù đã quá mệt mỏi, nhưng với hy vọng mong manh, gia đình chị Huyền vẫn đến hồ nước như miêu tả (hồ Kim Liên - PV) để tìm kiếm.
Tuy nhiên qua xác minh, những người dân và nhân viên Trạm bơm nước hồ Kim Liên đều khẳng định cả tháng qua không có gì bất thường tại đây.
"Một nhà ngoại cảm" khác còn để lại số điện thoại và thông điệp: "Không có xác chết nào ở đây đâu, đừng tìm vì cô là nhà ngoại cảm".
Hàng loạt nghi vấn
Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, hàng loạt nghi vấn về việc Nguyễn Mạnh Tường có thực sự ném xác nạn nhân xuống sông được đặt ra.
Giả thiết được nhiều người quan tâm nhất là nạn nhân bị chặt xác phi tang, bị buộc đá, bỏ vào túi nilon.
Tường khai không dùng túi nilon để đựng xác hay buộc bất kỳ thứ gì vào xác nạn nhân. Tuy nhiên Đào Quang Khánh lại khai, Khánh và Tường cùng đi về phía viện E (87 Trần Cung) để lấy xe máy và ô tô. Sau đó dừng xe trước ngõ 92 Trần Cung để lấy 4 túi nilon, sau đó mới quay lại 45 Giải Phóng để lấy xác nạn nhân.
Về giả thiết nạn nhân có thể bị rạch hoặc bị tiêm thuốc gì đó để tan rã, một số chuyên gia đã lên tiếng phản bác.
Theo phân tích, nếu bệnh nhân đã tử vong, việc tiêm thuốc vào người là gần như vô hiệu vì thuốc không thể truyền khắp cơ thể.
Để giúp gia đình tìm xác, nhiều độc giả đã hiến kế có thể dùng một vật có kích thước và cân nặng tương tự nạn nhân rồi ném xuống sông, sử dụng GPS để theo dõi.
Người khác cho rằng nên xem lại camera giao thông trên hành trình đi ném xác để xác định lại lời khai của Nguyễn Mạnh Tường. Có độc giả hiến kế có thể dùng thuật thôi miên để lấy lời khai bác sĩ Tường...
Tranh cãi 2 tội danh của BS Tường
Ngày 31/10, Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường 2 tội danh: "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 Bộ luật hình sự và “Hành vi xâm phạm thi thể” theo điều 246 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, Đào Quang Khánh (SN 1996, nhân viên bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) cũng bị khởi tố về hành vi xâm phạm thi thể.
Việc khởi tố Nguyễn Mạnh Tường 2 tội danh trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó câu hỏi được tập trung nhiều nhất là: Tại sao Nguyễn Mạnh Tường chưa bị khởi tố tội giết người?.
Trong bức tâm thư gửi báo chí, ông Lê Văn Viễn, bố đẻ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cho biết ông không đồng tình với quyết định khởi tố của cơ quan điều tra.
“Tường không phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ mà dám coi thường tính mạng con người, lóa mắt trước đồng tiền, không có kiến thức và thực hành về phẫu thuật thẩm mỹ mà dám làm bừa để gây nên cái chết cho con tôi. Đó chính là tội giết người!”, ông Viễn viết.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia luật, việc cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Mạnh Tường với 2 tội danh nói trên ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, do chưa tìm được thi thể chị Huyền.
Theo quy định luật tố tụng, trong quá trình điều tra, nếu có tình tiết mới, cơ quan điều tra có quyền bổ sung hoặc thay thế tội danh.
Việc này cũng phù hợp với nguyên tắc "suy đoán vô tội" trong quy trình tố tụng hình sự. Khi chưa đủ chứng cứ khẳng định bị can giết người thì việc khởi tố 2 tội danh trên là một sự thận trọng cần thiết.
Trong trường hợp không tìm thấy xác nạn nhân, liệu có thể khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường tội giết người?
Trên Thanh niên, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định: “Nếu khởi tố, truy tố ông Tường về tội danh "giết người" thì bắt buộc phải tìm thấy thi thể nạn nhân. Bởi theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo chỉ buộc tội bị cáo giết người nếu tìm thấy thi thể, giải phẫu tử thi, chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi bị vứt xuống nước, thì mới đủ cơ sở buộc tội ông Tường”.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía bị hại, ngày 12/11, cơ quan CSĐT, Công an Hà Nội đã chính thức cấp giấy chứng nhận cho 2 luật sư Vũ Gia Trường và Phạm Hương Giang tham gia bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Sáng 18/10, chị Lê Thị Thanh Huyền (40 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến thẩm mỹ viện Cát Tường (chưa được cấp phép, tại địa chỉ 45 Giải Phóng) do Nguyễn Mạnh Tường làm chủ liên hệ làm thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực và đặt cọc 50 triệu đồng. Ngày 19/10, chị Huyền quay lại thẩm mỹ viện này để làm các phẫu thuật như đã hẹn. Chiều cùng ngày, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Bác sĩ Tường có đặt ống thở, tiêm thuốc trợ tim nhưng chị Huyền đã tử vong. Khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng nhân viên bảo vệ tên Khánh bê thi thể nạn nhân ra xe ôtô, đi lên cầu Thanh Trì, ném nạn nhân xuống sông. |
Đ.Tâm (tổng hợp