Đầu năm mới, trao đổi với VietNamNet, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, năm 2013 phải là năm xoay chuyển trong tư duy phát triển. Việc này có thể sẽ phải trả bằng cái giá không rẻ và tốn nhiều thời gian để đổi lấy sự phục hồi và ổn định dài hạn.
Cái giá của năm 2012
Ông đánh giá thế nào về năm 2012 với khởi đầu của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế?
TS Trần Đình Thiên: Tái cơ cấu kinh tế thực sự chưa làm được gì nhiều. Công việc đổi mới mô hình tăng trưởng cũng chưa có dấu ấn gì lớn cả, mặc dù chúng ta định làm thật sự.
Trái lại, nền kinh tế 2012 yếu đến mức gần như kiệt sức. Năm 2012 đã chịu “di chứng” của những bất ổn trong nền kinh tế vốn tồn tại từ 2007. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, lạm phát lên xuống với biên độ dao động rất lớn trong khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm đi rõ rệt. Thế nhưng, khi xử lý những vấn đề bất ổn đó thì lại hơi “quá liều”. Đó có thể là việc lạm dụng các biện pháp hành chính hay như cú thắt chặt tiền tệ năm 2011, ép đưa đăng trưởng tín dụng đang từ 30%/năm xuống 10% khiến một nền kinh tế đang sống dựa chủ yếu vào việc bơm máu mà bỗng nhiên máu bơm ít hẳn đi, tốc độ lưu huyết thì chậm hẳn lại thì sẽ càng yếu hơn.
Thế nên, mới có nợ xấu, DN phá sản nhiều… Và mới có nhiều ý kiến bàn chuyện nền kinh tế hiện nay đã đến đáy hay chưa – hay còn có thể “thủng đáy”?
TS Trần Đình Thiên |
Thực ra, cái “đáy” hiện nay không nên chỉ nói đến kinh tế mà còn phải nói đến lòng tin. Người ta quen đếm sản lượng như tín dụng, xuất khẩu mà quên mất ẩn sau đó, linh hồn của kinh tế là lòng tin. Đôi khi, lòng tin đến điểm cực đại thăng hoa hoặc đến điểm bi quan rồi mới bộc lộ rõ. Đó cũng chính là sức mạnh kinh tế.
Nhìn lại năm 2012 thì phải nhìn vào tất cả con số đó cộng với trạng thái lòng tin. Tổ hợp cả hai cái đó sẽ giúp nhận diện rõ “đáy” kinh tế - xã hội của quá trình phát triển. Theo nghĩa đó, tôi cho rằng hết năm 2012, trạng thái kinh tế - xã hội của ta vẫn chưa chạm đáy.
Tuy nhiên, chúng ta đã kiềm chế lạm phát thấp hơn kỳ vọng, xuất siêu và tỷ giá
thì ổn định. Ông có hài lòng về những điểm sáng ấy?
- Đó thực sự là những điểm sáng ở năm 2012, để từ đó hi vọng cho năm 2013. Nhưng
phải nói rằng, chúng ta đạt kết quả đó bằng một cái giá không phải là rẻ.
Lạm phát xuống là tốt nhưng cái giá phải trả là rất lớn. Lượng tiền lưu thông,
máu huyết bảo đảm cho cuộc sống của cơ thể kinh tế ít đi, lại chảy chậm hơn,
DN phá sản nhiều, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Sau bao nhiêu năm nhập siêu thì xuất siêu đúng là mơ ước, là thành tích. Nhưng chúng ta từ nhập siêu hơn 10 tỷ USD của nhiều năm chuyển thành xuất siêu gần 1 tỷ USD trong khi tình hình kinh tế vẫn xấu đi thì chắc chắn là có cái gì đó bất thường, không tốt. Cái bất thường, không tốt đó chính là năng lực hấp thu đầu vào của nền kinh tế kém hẳn đi so với trước chứ không phải do sản xuất trong nước đã đủ thay thế được nhập khẩu, xuất khẩu vượt trội mà có xuất siêu.
Tôi không phủ nhận những thành tích của nền kinh tế 2012. Nhưng vẫn phải nói một cách công bằng rằng, để đạt được những mục tiêu tốt đẹp đó thì nền kinh tế đã phải trả giá rất lớn. Không được quên điều đó.
Xoay chuyển và sẵn sàng “trả giá”
Năm 2013, nền kinh tế có thể rút được bài học gì 2012?
Năm 2013 chắc chắn sẽ còn tiếp tục khó khăn và có thể, có nhiều mặt còn khó hơn năm 2012. Điều này buộc Chính phủ trong điều hành chính sách, khi đã đặt ra các mục tiêu thì phải luôn sẵn sàng chấp nhận “tính trả giá”.
Đừng nhìn 2013 như năm 2012 hay như bất kỳ năm nào khác. Các năm trước, hầu như không có ngoại lệ, chúng ta đều tập trung cho mục tiêu ngắn hạn – cần đạt tăng trưởng bao nhiêu, lạm phát bao nhiêu?. Dù có đạt được chỉ tiêu nhưng vẫn chỉ là kết quả ngắn hạn từng năm một. Trong những năm đó, cơ sở của tăng trưởng cao, của lạm phát thấp bền vững, hiệu quả sử dụng vốn thế nào, sức cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế, v.v. … ít tính đến. Hay có thể nói, chưa hành động theo hướng dài hạn, bền vững ấy.
Nếu không muốn không lặp lại những chuyện bất ổn vĩ mô, lạm phát cao lặp đi lặp lại, tăng trưởng thì theo xu hướng giảm tốc cần tư duy khác đi cho năm 2013. Năm nay cần là năm xoay chuyển lại cách nhìn cho tăng trưởng và phát triển.
Hiện, Chính phủ đang đặt mục tiêu cho năm 2013 tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012.
Quyết tâm của Chính phủ là những đòi hỏi của nền kinh tế. Nhưng phải tính thật kỹ. Chúng ta có những điều kiện nào để thực hiện mục tiêu đó? Cơ sở của tăng trưởng cao hơn là gì? Nếu không đủ điều kiện thì ta phải bổ sung cái gì, bù cái gì vào để đạt “tăng trưởng cao hơn” và “lạm phát thấp hơn”? Khi đó, nền kinh tế sẽ phải trả giá thế nào?
Rõ ràng nền kinh tế đang yếu mà đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải cao hơn năm ngoái thì chúng ta cần phải có nguồn lực nhiều hơn. Cấu trúc nền kinh tế vẫn chưa có nhiều thay đổi đâu, hiệu quả nguồn lực chưa có gì đảm bảo cả. Nguồn lực ở đâu ra khi doanh nghiệp “hy sinh” nhiều, tăng trưởng tín dụng thấp và “cục máu đông” nợ xấu vẫn đang gây tắc nghẽn quá trình lưu thông kinh tế?
Trong khi đó, để chống lạm phát, muốn lạm phát giảm thấp nữa thì phải siết chặt tiền chứ? Trong khi muốn tăng trưởng nhanh thì cần nhiều vốn hơn. Riêng 2 câu chuyện tăng trưởng – lạm phát trong tương đó là đã sinh chuyện xung đột rồi.
Ngoài ra, còn phải hỏi, còn những việc cần phải làm khác năm trước, những việc mà các năm trước “không phải làm” như giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, tái cấu trúc kinh tế…, năm nay không thể không làm, nhưng làm thì tiền sẽ ở đâu ra? Tôi chưa thấy rõ câu trả lời thật sự thuyết phục.
Cho nên, năm 2013, chưa nên vội tính ngay tăng trưởng, lạm phát là bao nhiêu. Mục tiêu quan trọng nhất ở năm 2013 là nền kinh tế cần phải xoay chuyển với những chỉ báo tốt nhất cho lòng tin. Điều đó sẽ tạo ra một mặt bằng mới, tạo cơ sở cho sự phục hồi. Giải quyết sớm mấy “cục máu đông”, kích hoạt lưu thông nền kinh tế. Khi đó, sẽ có lòng tin, sẽ tính được tăng trưởng, lạm phát một cách có căn cứ. Và tôi nghĩ, thậm chí, còn có thể lạc quan hơn.
Giả dụ nền kinh tế vận hành theo logic vừa nói thì ngay cả khi, nếu tăng trưởng thấp hơn một chút, lạm phát cao hơn chút so với 2012 mà nền kinh tế có xoay chuyển tốt thì tôi vẫn cho là hơn. Nếu ngược lại, cho dù nền kinh tế có thể đạt được GDP cao hơn thì chắc chắn tình hình vẫn không vì thế mà được cải thiện căn bản. Đơn giản vì cơ sở tăng trưởng ổn định không có.
Vậy chúng ta sẽ phải xoay chuyển những gì ở năm 2013 để đảo ngược lại tình thế “chưa bền vững, bất ổn” trong những năm qua?
- Đầu tiên là câu chuyện nợ xấu. Kế đến là vấn đề hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho bất động sản. Kế tiếp là tái cơ cấu nền kinh tế, với các “trụ cột” như DNNN, ngân hàng, đầu tư công. Tất cả những việc đó không phải dễ làm.
Nhưng trong hàng loạt vấn đề đó, phải tính xử lý nợ xấu và tồn kho là 2 cục máu đông phải ưu tiên giải quyết. Nếu không thì nền kinh tế coi như tắc tị. Sau đó, mới tính chuyện năm nay, tăng trưởng thế nào, lạm phát như thế nào?
Nguồn lực nào cho tăng trưởng?
Với nguồn lực thì có hạn. Chúng ta sẽ phải làm thế nào khi chưa biết nguồn lực ở đâu ra?
Rõ ràng, việc nào cũng cần có nguồn lực cả. Thậm chí phải có nguồn tài lực rất lớn, nhiều tỷ đô la, và phải làm trong một số năm chứ không chỉ 1-2 năm. Muốn ưu tiên cho mục tiêu nào thì phải cần tiền cho mục tiêu đó. Nghĩa là phải bớt tiền chỗ khác ít ưu tiên hơn để bù vào. Hoặc phải kiếm nguồn lực khác bổ sung vào.
Muốn giải quyết nợ xấu, chúng ta sẽ phải có rất nhiều tiền. Chính phủ giao Ngân hàng phải tự giải quyết nhưng liệu ngân hàng có tự làm được không khi tất cả bây giờ đều có vấn đề. Nợ xấu là thuộc về doanh nghiệp, vay mà không trả thì ngân hàng sẽ tự giải quyết cách nào nếu như không có một lượng tiền giải tỏa, bơm lại cho doanh nghiệp?
Chúng ta cứ nói lập một công ty mua bán nợ AMC để giải quyết nợ xấu nhưng cho ra đời một thể chế, làm cho nó vận hành được không hề dễ.
Chúng ta có một tổng nguồn lực, một lượng tài lực xác định. Nghĩa là khi bỏ tiền vào giải quyết nợ xấu, chúng ta sẽ phải bớt tiền cho tăng trưởng đi. Hệ quả logic sẽ là: tăng trưởng bớt đi; đổi lại, nợ xấu sẽ được giải quyết một bước, nền kinh tế được kích hoạt.
Tuy nhiên, với nền kinh tế của ta hiện nay, vẫn có những cách rất hay để giải quyết cả vấn đề nợ xấu mà vẫn “kích hoạt” được tăng trưởng.
Hiện nay, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chính quyền các cấp đang nợ doanh nghiệp hơi nhiều (nợ xây dựng cơ bản lên tới 91.000 tỷ đồng, trong đó, nợ xây dựng cơ bản đã hoàn thành nhưng dây dưa chưa được thanh toán cũng 30-35.000 tỷ). Năm 2013, nếu chính quyền cam kết sẽ trả món nợ này, không phải là 3 năm mà trong 1 năm thôi thì kết quả sẽ khác hẳn.
Thay vì Chính phủ dành tiền ấy trực tiếp để đạt mục tiêu tăng trưởng “cao hơn” mà dành cho trả nợ chẳng hạn, thì bản chất, dòng vốn ấy cũng chính là đi vào tăng trưởng. Nhưng trước khi đi vào tăng trưởng thì DN có tiền trả được nợ ngân hàng, nợ xấu được giải quyết, cục máu đông sẽ tan dần. DN lại có cơ hội tiếp cận được vốn để xử lý vấn đề tăng trưởng đang bị ách tắc do thiếu vốn.
Tôi cho rằng, bỏ tiền vào giải quyết nợ xấu, tồn kho thì còn có thể có tăng trưởng. Khi dân có lòng tin, nguồn lực trong dân sẽ khơi thông, người ta sẽ đổ tiền cho tăng trưởng. Mà đây mới thực sự là sự tăng trưởng thực, bền vững và hiệu quả.
Còn nếu quên xử lý những cục máu đông này mà cứ chỉ tập trung tiền cho tăng trưởng thì không chắc là sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng dự định, cũng không thể khơi động các nguồn lực trong dân cho chu trình tăng trưởng mới.
Nhắm mắt lại thì có thể nhìn thấy những điều không thấy khi mở mắt. Giảm đi thì có thể tăng lên. Đi chậm thì đến đích xa trước. Tôi tin vào nguyên lí đó. Năm 2013 cần một cách nhìn bình tĩnh là như vậy.
Vậy điều gì khiến ông lạc quan trong 2013?
Hiện quyết tâm của Chính phủ rất rõ ràng. Sự kiên trì trong cách hành động cũng đã được chứng tỏ. Tôi chưa quan tâm lắm đến việc đo lường tăng trưởng lạm phát bao nhiêu nhưng rõ ràng, Chính phủ đang muốn tập trung ưu tiên tạo lập ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó rất quan trọng vì nó tạo dựng lòng tin.
Chỉ có điều, cách phân phối, sử dụng nguồn lực, ưu tiên các mục tiêu như thế nào, tạo lòng tin ra sao và ai là người thực hiện thì phải cần thảo luận thêm.
Phạm Huyền (thực hiện)