Hứng chịu gần chục vụ tấn công từ đầu những năm 1990, Mumbai - thủ phủ tài chính của Ấn Độ hiện đã trở thành mảnh đất săn người ưa thích của bọn khủng bố.



Hơn 600 người đã thiệt mạng trong những vụ tấn công như vậy. Vũ điệu cái chết khủng khiếp đã khiến người dân mất can đảm trong bối cảnh có nhiều lo lắng rằng Mumbai có thể đi đúng đường của Karachi, thành phố cảng ở Pakistan - nơi chỉ cách Mumbai 800km và đang đổ nát vì bạo lực và những vụ tàn sát đẫm máu trong vài năm qua.

"Tôi quá sốc, không có gì mô tả được điều đó. Nó chứng tỏ sự thiếu chuẩn bị của Mumbai. Dân chúng không phải là tai mắt của các chính trị gia, những người đang sống an toàn trong thiên đường của họ", nhà tư bản công nghiệp Dilip De nói.

"Nó giống như một sự lặp lại của một vụ việc. Các chính trị gia bắt đầu chơi trò đổ lỗi và hiện giờ các cuộc tuần hành để cầu nguyện sẽ bắt đầu. Thuật ngữ an ninh không còn ý nghĩa gì nữa. Đó là một sự xấu hổ", nhà làm phim kiêm nhà hoạt động Ashoke Pandit nói.

Cựu uỷ viên hội đồng cảnh sát Mumbai M.N Singh - chỉ huy cuộc điều tra vụ nổ liên tiếp năm 1993 nói, Mumbai tiếp tục là mục tiêu số 1. "Kể từ 2003, cứ ba năm một lần Mumbai lại bị tấn công. Các nhóm IM và SIMI có một mạng lưới mạnh ở thàn phố này. Trong khi cảnh sát nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị sau vụ tấn công ngày 26/11, lực lượng an ninh cần tập trung làm thế nào để ngăn chặn sự quá khích của giới trẻ thuộc những cộng đồng thiểu số".

Ông Singh cảnh báo, nguyên nhân đằng sau vụ nổ liên tiếp vào năm 1993 - vốn để trả đũa cho việc phá huỷ thánh đường Babri, hiện vẫn chưa được giải quyết. "Thánh đường đó vẫn chưa bị đóng cửa vì những kẻ chủ mưu vẫn né được nhà chức trách. Vai trò của những đối tượng đó vẫn hiển hiện trong các vụ tấn công tiếp theo".

Cựu quan chức Mumbai là D M  Sukhtankar nói, là trung tâm đầu não tài chính nên Mumbai rất dễ bị tấn công. "Mật độ cư dân đông đúc, các hoạt động kinh tế và thương mại lớn khiến Mumbai trở thành mục tiêu ngon ăn với những kẻ muốn gây ra sự hoảng loạn toàn cầu. Bọn khủng bố muốn chứng tỏ rằng bất chấp những nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công, bọn chúng vẫn quyết tâm đánh. Ở Mumbai, việc ẩn danh là rất dễ và ở đây rất khó nhận dạng người đứng cạnh bạn".

Các vụ tấn công khủng bố lớn đã xảy ra tại Mumbai kể từ năm 1993

12/3/1993: Hàng loạt vụ nổ do những tên gangster ẩn náu tại Pakistan gây ra tại thủ phủ tài chính của Ấn Độ đã giết chết nhiều người. Bom đã phát nổ ở 11 địa điểm, gồm cả sàn giao dịch chứng khoán Bombay, đường Narsi Natha, trạm xăng Lucky, chợ Zaveri, Century và toà nhà hàng không Ấn Độ, khách sạn Centaur, giao lộ Naigaum, các khách sạn Centaur (Juhu), Sea Rock (Bandra) và rạp chiếu phim Plaza (Dadar). Ngoài ra còn có hai vụ tấn công bằng lựu đạn nhằm vào Machchimar Nagar, Mahim và trong khu vực sân bay.

Vụ tấn công làm 257 người chết, 713 người bị thương.

1998: Bom phát nổ tại nhà ga Kanjurmarg hôm 23/1, tại đường Goregaon và Malad hôm 24/1 và gần nhà ga Virar, Santa Cruz, Kandivli hôm 27/2. Các vụ tấn công làm 4 người chết, hơn 30 người bị thương.

2002: Một vụ nổ bom xảy ra hôm 2/12 trên một chiếc xe buýt đậu ngoài trạm Ghatkopar làm 2 người chết, 49 người bị thương. Bốn ngày sau, một vụ nổ lại xảy ra tại trung tâm Mumbai, tại một nhà hàng thức ăn nhanh khiến 25 người bị thương.

27/1/2003: Bom nổ tại Vile Parle làm 1 người chết, 20 người bị thương. Tình huống nổ bom diễn ra y hệt vụ ở trung tâm Mumbai hồi 2002.

13/3/2003: bom nổ trên một đoàn tàu tới Karjat làm 11 người chết, 70 người bị thương

28/7/2003: Vụ nổ thứ hai ở Ghatkopar làm 4 người chết, 32 người bị thương.

25/8/2003: Vụ nổ kép xảy ra trên hai chiếc xe taxi làm 52 người chết và hơn 100 người bị thương.

11/7/2006: Bom xé toạc 7 toa tầu hạng nhất làm 188 người chết, 817 người bị thương.

26-29/2008: Các tay súng của LeT từ Karachi tới Mumbai qua đường biển đã tiến hành các vụ tấn công ở một số địa điểm nổi tiếng như Chhatrapati Shivaji, Taj, Oberoi-Trident và Chhabad House. Bom RDX phát nổ bên ngoài Taj và trên hai taxi. Một trong những vụ tấn công chết người nhất diễn ra ở Mumbai kéo dài 60h cho tới khi 1 tên khủng bố bị bắt và 9 kẻ khác bị tiêu diệt. Trong vụ khủng bố này, có 166 người chết, hơn 300 người bị thương.

2011: Ba vụ nổ liên tiếp xảy ra làm ít nhất 24 người chết và hơn 100 người bị thương

  • Hoài Linh (Theo TNN, PTI)