Việc Bob Dylan là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2016 đã cho thấy một tư duy thay đổi mạnh mẽ ngay cả trong giới hàn lâm về quan niệm đối với văn học.

Bob Dylan - nhạc sĩ hay nhà thơ?

Khi giải Nobel Văn học gọi tên ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan vào tối ngày 13/10 vừa qua, ngay lập tức, một cuộc tranh cãi lớn rình rang đã nổ ra trên khắp các mặt báo quốc tế. Giới văn chương và âm nhạc đều vào cuộc để bàn luận xung quanh một câu hỏi lớn: Liệu Bob Dylan có xứng đáng nhận được giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh hay không?

{keywords}

Bằng việc trao Nobel Văn học cho Bob Dylan, Viện hàn lâm Thụy Điển có lẽ đang muốn rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và sáng tạo thị trường.

Thực tế, từ lâu, Bob Dylan đã được xem như một nhà thơ. Đa phần lời bài hát nói chung sẽ trở nên mất đi sức hấp dẫn khi thiếu đi phần nhạc, nhưng riêng những lời bài hát của Bob Dylan thì khác, bởi ca từ của ông vẫn còn nguyên sức hấp dẫn khi được đem in trên trang giấy trong những tuyển tập xuất bản từ thuở máy tính và Internet còn chưa phổ biến như hiện nay.

Bằng việc trao Nobel Văn học cho Bob Dylan, Viện hàn lâm Thụy Điển có lẽ đang muốn rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và sáng tạo thị trường.

Những năm trước, người ta nhận thấy rằng giải Nobel Văn học thường được trao cho những nhân vật có tiếng tăm nhưng không quá nổi bật, trong khi những cây bút gây sốt trên thị trường như nhà văn Nhật Haruki Murakami hay nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie thì mãi vẫn không "bén duyên" với giải.

Lần này, bằng việc lựa chọn một nhân vật nổi tiếng, nằm ngoài những quan niệm truyền thống của văn chương, Viện hàn lâm Thụy Điển đã đi theo một hướng mới.

Đối với nhiều nhà văn/nhà thơ, việc để một nhạc sĩ giành được giải thưởng cao quý nhất này khiến họ cảm thấy… khó chấp nhận, khi lời ca được đặt ngang bằng với ý thơ, và thậm chí người ta còn coi những lời ca đó như là đỉnh cao sáng tác thi phú.

Nobel Văn học đang định nghĩa lại khái niệm văn chương

Mỗi năm, giải Nobel đều đưa lại một góc nhìn văn hóa khi tôn vinh tác phẩm của một nhà văn/nhà thơ. Tuy vậy, trong những năm gần đây, những cái tên được xướng lên thường khiến công chúng khá… xa lạ.

Điều đó cho thấy giải Nobel Văn học đang ngày càng trở nên xa cách đời sống văn hóa đại chúng. Nỗ lực xích lại gần đại chúng bằng việc trao Nobel Văn học cho một nhân vật nổi bật của văn hóa đại chúng như Bob Dylan chắc chắn sẽ đưa lại những tranh cãi trái chiều, nhưng là một quyết định lý tưởng.

Bởi lần đầu tiên, giới hàn lâm đã khiến văn đàn, giới phê bình và công chúng cùng tham gia vào cuộc tranh luận xoay quanh câu chuyện văn chương, sách vở của thế giới hôm nay - một thế giới rộng lớn, thay đổi nhanh chóng, với nhiều giới hạn đang dần bị phá vỡ.

Một thực tế chung của con người hôm nay, đó là chúng ta đang ngày càng ít đọc - đọc một cách nghiêm túc, thực sự, trọn vẹn một tác phẩm văn học.

{keywords}

Khi giải Nobel Văn học 2016 được trao cho Bob Dylan, đã có nhiều nhà xuất bản - phát hành cảm thấy "rầu rĩ" bởi sẽ biết in ấn gì đây khi giải thưởng trao cho một nhạc sĩ

Việc một nhà văn/nhà thơ nhận được giải Nobel Văn học sẽ giúp tên tuổi của tác giả đó được biết tới nhiều hơn trong văn đàn và công chúng thế giới.

Trước đây, hiệu ứng của giải Nobel Văn học thường diễn ra theo quy trình sau: Trước khi giải Nobel được trao, nhà văn/nhà thơ thắng giải vốn đã có tác phẩm được xuất bản tại nhiều quốc gia nhưng thường với số lượng nhỏ; ngay sau khi nhà văn/nhà thơ đoạt giải Nobel, các nhà xuất bản lớn bắt đầu cho in tác phẩm của họ với số lượng tăng đột biến; độc giả bắt đầu đổ xô đi mua tác phẩm của nhân vật vừa đoạt Nobel Văn học…

Quy trình này có nghĩa là các nhà xuất bản lớn nhỏ đều sẽ có thêm lợi nhuận sau mỗi kỳ trao giải Nobel Văn học. Điều này hoàn toàn xứng đáng bởi việc kinh doanh của các nhà xuất bản vốn không dễ dàng gì, sau mỗi kỳ trao giải Nobel Văn học, giới xuất bản - phát hành sách lại có được những niềm vui "nho nhỏ".

Vì vậy, khi giải Nobel Văn học 2016 được trao cho Bob Dylan, đã có nhiều nhà xuất bản - phát hành cảm thấy "rầu rĩ" bởi sẽ biết in ấn gì đây khi giải thưởng trao cho một nhạc sĩ… Trong kỷ nguyên công nghệ, người ta không cần phải chạy ra hiệu sách để mua tuyển tập lời bài hát nữa, chỉ cần lên mạng "Google Search" là ra ngay.

Vì vậy, sau giải Nobel Văn học năm nay, giới xuất bản - phát hành gần như "méo mặt" vì sẽ chẳng có cung - cầu nào được tạo ra.

Thực tế, Viện hàn lâm Thụy Điển và giải Nobel Văn học không có nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động xuất bản - phát hành, điều lớn hơn thế mà họ có thể tạo ra với quyết định trao giải lần này, đó là tạo nên một cuộc đối thoại mở về văn chương trong thế giới đương đại.

Quyết định của Viện hàn lâm Thụy Điển là một sự lựa chọn táo bạo và quyết liệt, nhằm mở rộng định nghĩa về văn chương và văn hóa đại chúng.

Trước nay, trong lĩnh vực văn chương, cũng giống như nhiều lĩnh vực văn hóa khác, người ta vẫn thường phân ra thành văn chương đỉnh cao, hàn lâm và văn học thị hiếu, thị trường với những mức độ trân trọng khác nhau.

Tuy vậy, quan niệm này đã trở nên lỗi thời bởi chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta vừa đọc tiểu thuyết vừa đọc truyện tranh; vừa xem điện ảnh vừa xem clip lan truyền trên mạng, vừa nghe giao hưởng vừa nghe pop…

{keywords}

Với chiến thắng của Bob Dylan tại giải Nobel, Viện hàn lâm Thụy Điển đã ngầm đưa ra một thông điệp rằng văn chương, ngôn từ giờ đây đã không còn bó buộc trên những trang giấy truyền thống.

Tất cả những cách thưởng thức văn hóa đó đều bình đẳng và không nói lên gì nhiều về trí tuệ hay trình độ của một cá nhân.

Vì vậy, khi giải Nobel ghi nhận những đóng góp của Bob Dylan trong văn chương, đó là khi giới hàn lâm ghi nhận một nghệ sĩ đóng góp cho văn hóa đại chúng, không thua kém gì việc một cây bút xuất sắc nhào nặn nên những áng thơ văn.

Nhiều ý kiến tranh luận xoáy vào việc liệu có phải Bob Dylan đang sáng tác thơ? Liệu sáng tác nhạc có bao giờ được xem như sáng tác thơ? Liệu có khi nào Nobel Văn học tiếp tục trao cho… nữ ca sĩ Beyonce? Đã có những ý kiến chỉ trích, châm biếm xung quanh việc trao giải lần này.

Dù vậy, con người đang trải qua một thời kỳ đa dạng chưa từng thấy trong cách trải nghiệm văn chương khi cách thưởng thức truyền thống bằng sách vở đã được mở rộng ra với truyền hình, điện ảnh, văn học mạng, "podcast"…

Với chiến thắng của Bob Dylan tại giải Nobel, Viện hàn lâm Thụy Điển đã ngầm đưa ra một thông điệp rằng văn chương, ngôn từ giờ đây đã không còn bó buộc trên những trang giấy truyền thống.

Với lựa chọn của năm nay, Viện hàn lâm Thụy Điển đã tự đặt cho mình một áp lực khổng lồ trong những mùa trao giải Nobel Văn học sau này, khi đứng giữa hai ngã rẽ - lựa chọn truyền thống hay phi truyền thống.

Dù thế nào, thông điệp mà ủy ban trao giải năm nay đưa ra cũng rất rõ ràng, đó là văn học giờ đây tồn tại xung quanh chúng ta trong rất nhiều hình thái, không còn chỉ đơn thuần là đọc, mà chúng ta còn có thể nghe và xem văn học.

Việc Bob Dylan đoạt Nobel Văn học là một khoảnh khắc đáng kinh ngạc của văn chương trong kỷ nguyên công nghệ, một khoảnh khắc bước ngoặt đối với văn đàn thế giới.

Theo Dân trí