Lớn lên, dù có đi đâu về, tôi vẫn muốn thăm lại góc quán đầy ắp kỷ niệm, tự thưởng cho mình chiếc bánh gối chiên vàng ươm, nhấm nháp nhân bánh chín thơm, dậy hương vị nức lòng.

Hồi ấy, chúng tôi đứa nào cũng có xe đạp nhưng lại thích đi chơi theo cặp. Đứa ngồi sau vươn chân lên đạp, đứa đằng trước chỉ cần lái, rồi nói đủ chuyện trên đời. Trên con đường quen, chúng tôi chở nhau xuống thị trấn, để đãi nhau bữa bánh gối cho bõ thèm.

banh goi anh 1

Bánh gối - món quà quê của học trò nghèo.


Đợt rồi về quê, vừa đến nhà, tôi đã nhắn tin hỏi đứa bạn thân, liệu giờ quán bánh còn không. Chưa kịp chờ bạn trả lời, tôi dắt xe ra khỏi nhà. Quán vẫn mở, khiêm nhường nơi mái hiên phía trái nhà, với mái bạt được căng lên đủ để che nắng che mưa cho gánh hàng, đủ chỗ cho dăm vị khách ngồi lai rai nếm những chiếc bánh nóng hôi hổi hay vài khách ghé mua cứ giục giã.

Như ngày nào, vẫn chiếc bếp than bắc chảo dầu nóng bỏng, thau bột mì, thau nhân bánh, chiếc thớt, cái chai… cùng đôi bàn tay thoăn thoắt, chị chủ quán vắt dứt khoát một thẻo bột mì đã được ủ dậy men, ném xuống mặt thớt. Hai tay chị thoăn thoắt lăn cái chai để tán mỏng lớp bột, làm lớp vỏ gói. Nhân bánh gồm thịt, nấm mèo, cà rốt bào sợi, miến dong đã ngâm mềm, giá đỗ… được băm nhỏ, xào chín, nêm nếm vừa ăn.

Một muỗng nhân bánh được rải gọn gàng trên lớp ruột gối. Bàn tay chị khéo léo nhẹ nhàng đắp bột thành chiếc bánh gối chỉn chu. Chị liên tục nặn những mẻ bánh, lẹ làng thả chúng vào chảo dầu sôi nóng già. Người thợ bánh lành nghề như chị đủ tinh ý để canh sao cho bánh chín vừa tới thì vớt ra khay, tiếp tục để độ nóng âm ỉ thẩm thấu giúp chiếc bánh chín vàng thơm, dậy mùi, mời gọi thực khách.

Bánh gối ở TP.HCM hiện có nét hao hao hoành thánh chiên. Theo tôi tìm hiểu, bánh gối cũng có xuất xứ từ món há cảo chiên của người Hoa với những nguyên liệu bình dị như ta đã thấy.

Tiệm bánh gối quê tôi lại mang phong vị khác hẳn. Nó nằm trọn vẹn ngay trong cảm nhận khi cắn miếng bánh đầu tiên. Vỏ bánh chín vừa đằm, vẫn còn dậy hơi men bột mì được ủ kỳ công. Những làn khói thơm bốc lên, quyện trong hương vị của nhân bánh chín thơm nức mũi. Công thức làm ra chiếc bánh gối quê tôi chắc hẳn là bí kíp gia truyền.

Tôi từng thấy có nơi cắt bánh thành từng miếng rồi chấm trong nước chấm với công thức riêng, thường là nước mắm vị thanh, có đồ chua. Cách ăn bánh gối khá thú vị là lấy tờ lịch (có một mặt trắng) đã cắt sẵn để cuốn lấy chân bánh cho khỏi nóng mà ăn. Ăn tới đâu, người ta rưới tương ớt lên, ngon đậm đà.

banh goi anh 2

Cách chiếc bánh gối được tạo thành.

Gánh bánh gối này đã chứng kiến biết bao kỷ niệm học trò. Mưa hay nắng, chúng tôi cũng rủ nhau: “Bánh gối không?”. Ngoài trời đổ mưa, đám nhóc ngồi rúc rích ăn bánh quanh bếp lò ấm, tán chuyện râm ran. Ngày trời nắng gắt, bọn nhóc cũng lê la quán bánh gối. Ăn bánh gối cho đến khi thấy ấm bụng cũng chẳng vượt quá mức tiền tiêu vặt có trong tay tụi học trò. Bánh gối còn theo vào những cuộc tụ họp ăn khao mỗi dịp lễ, sinh nhật, đạt giải thưởng hay tốt nghiệp…

Đã bao lớp đàn anh, đàn em gắn bó với gánh bánh gối thân thuộc này. Chị chủ quán tâm sự, mỗi mùa hè, lòng chị lại đan xen nhiều cảm xúc. Khi đám học trò lũ lượt kéo đến, quán thật sôi động, lòng chị cũng hân hoan.

Để rồi chỉ ngay sau đó, chị lại thoáng buồn bởi “vòng xe lăn đi là các em sẽ rời xa quê nhà, rẽ đi các ngả. Liệu còn được mấy đứa? Liệu các em có mấy dịp ghé lại gánh bánh này? Mà dòng đời trôi mãi, biết khi nào gặp lại?...”. Dòng tâm sự của chị khiến tôi cũng trăn trở: “Đã có dịp nào lớp chúng mình hội ngộ đông đủ?”.

Thật ra, bao năm rồi, gánh bánh gối này được biết tiếng chủ yếu nhờ “truyền miệng” chứ chẳng hề mất phí hay thời gian cho truyền thông quảng bá. Có lần, tôi hỏi chị có dùng mạng xã hội không, để khi nào về quê, em nhắn chị để phần bánh.

“Không, em ơi! Chị mở hàng là chẳng thể ngơi tay, mà chị cũng chẳng dám hứa với khách nào. Có duyên có dịp thì cứ ghé ăn chơi, em nhé!”, chị trả lời.

Như tôi, dẫu có đi xa vẫn nhớ rõ thứ hương vị chân chất lẫn tình cảm của người quê mình đặt trong món quà ăn vặt - những chiếc bánh gối chiên vàng thơm, nồng đượm vị ngon nức lòng, đủ gây nhớ từ thời áo trắng đến giờ.

Theo Zing