Sau đàm phán giá, giá 4 biệt dược gốc điều trị ung thư sẽ giảm trên 18% so với giá hiện hành.

Bộ Y tế lần đầu tiên tiến hành đàm phán về giá với nhà cung cấp nhằm giảm giá thuốc trị ung thư. Bước đầu đàm phán giá được 4 biệt dược gốc có số lượng sử dụng lớn và đều có duy nhất một sản phẩm trên thị trường.

Theo kết quả đàm phán, giá 4 biệt dược gốc sau đàm phán giảm trên 18% so với giá hiện hành, tuy nhiên kết quả đàm phán này đang chờ Bộ Y tế phê duyệt để có mức giá bán chính thức.

Việc đàm phán giá với nhà cung cấp các thuốc có từ 1-2 số đăng ký tại VN, thuốc đang bị độc quyền được quy định trong luật Dược sửa đổi và thông tư 09/2016 của Bộ Y tế.

Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm giá thuốc nhưng vẫn đảm bảo thuốc cung ứng cho người dân.

{keywords}
Mục tiêu của đấu thầu tập trung và đàm phán giả là giảm giá thuốc cho người dân

Trước đó trong nhiều hội nghị của ngành Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn nhấn mạnh, trong y tế, lĩnh vực dược là vấn đề rất lớn. Thị trường dược VN có quy mô tới 4,2 tỉ USD/năm, chi BHYT gần 40.000 tỉ đồng, chiếm 41% chi BHYT và 49,7% tổng chi y tế.

Theo Phó Thủ tướng, đây là mặt hàng không mặc cả, nên giờ chỉ cần tổ chức lại, tiết kiệm 10% là có 400 triệu đô.

Trước đây cho đấu thầu từng BV, sau đó Bộ Y tế yêu cầu đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Rất nhiều nơi không hài lòng, nhưng bằng số liệu cho thấy trung bình mỗi năm giảm hơn 10%, 3 năm qua trị giá tiền mua thuốc đã giảm 35%.

Năm 2017, nhờ đấu thầu tập trung quốc gia, mới đấu thầu đợt 1 với 21 loại thuốc dùng nhiều nhất đã giúp giảm hơn 16,4% giá thuốc.

Riêng với mặt hàng biệt dược, nhờ điều chỉnh, bổ sung quy định, yêu cầu đấu thầu các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền có từ 2 số đăng ký trở lên. Điều này có thể giúp tiết kiệm 3.000 tỉ đồng/năm.

Trong 4 tháng cuối năm 2017, BHXH Việt Nam cũng đã phê duyệt tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất, với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Theo đó, gói thầu gồm 5 biệt dược gốc và 19 thuốc thuốc Generic, chia 3 gói: Bắc, Trung, Nam.

Kết quả, có 20 mặt hàng thuốc trúng thầu với số tiền đã công bố là 935,99 tỉ đồng. Số tiền này so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền 251,13 tỉ đồng.

{keywords}
2 thuốc ung thư bortezomib và doxorubicin được đưa vào đấu thầu tập trung trong năm 2018

Đặc biệt, trong số thuốc trên có biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc Generic giảm 33,81%, thuốc Generic nhóm 1 giảm từ 27,3% đến 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 5 giảm tới 54,7%...

Theo Bộ Y tế, sau khi đấu thầu tập trung thuốc đợt 1 với 5 nhóm hoạt chất và nhiều loại biệt dược, giúp giảm 17% giá thành thuốc so với trước đó. Hiện Bộ đang đấu thầu tập trung đợt thứ 2, tập trung ở nhóm thuốc sử dụng nhiều, có chi phí lớn, trong đó có các loại thuốc điều trị ung thư... Ở đợt đấu thầu thứ 2, thuốc sẽ tiếp tục được đàm phán giá, nhằm tránh độc quyền, nâng giá.

Trong năm 2018, nhiều thuốc ung thư, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh dùng số lượng lớn cũng đã được đưa vào đấu thầu tập trung, giúp giảm 20% giá so với hiện hành.

Trước một số lo ngại cho rằng cơ chế đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia dường như nặng về yếu tố hạ giá, dẫn tới lo ngại về chất lượng thuốc sẽ có vấn đề, tuy nhiên Bộ Y tế cho biết, thuốc hiện đang được phân thành 5 nhóm.

Năm nhóm đó hoàn toàn có những tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, cố định, để xem thuốc đó có hay không được xếp vào nhóm đó. Thuốc chỉ được đấu giá với nhau trong cùng một nhóm. Cho nên sẽ không có chuyện chất lượng ở nhóm thấp hơn lại lọt trúng thầu ở nhóm thuốc có chất lượng cao hơn hay ở nhóm được xếp hàng đầu.

Mặt khác, quá trình đấu thầu luôn tuân thủ nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, đảm bảo sự cạnh tranh và tính minh bạch. 

T.Thư