Không thu hồi được nợ, doanh nghiệp gửi đơn đề nghị cơ quan đăng kiểm ngừng kiểm định xe của doanh nghiệp đang dùng. Thậm chí, ngay trong nội bộ đơn vị tranh chấp nhau một chiếc xe cũng gửi đơn đề nghị không kiểm định phương tiện...

Kẻ giữ xe, người giữ giấy tờ

Cách đây hai năm, vợ chồng ông Nguyễn T. (trú tại phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) vay Ngân hàng VP Bank hơn 1,3 tỷ đồng và thế chấp bằng một xe ô tô Mercedes BKS 30A- 42... do một người tên D. đứng tên đăng ký. Chiếc xe vẫn do vợ chồng ông T. sử dụng, ngân hàng chỉ giữ bản gốc đăng ký xe và cấp cho người vay tiền bản sao có xác nhận của ngân hàng.

Đến nay, vợ chồng ông T. bị ngân hàng thông báo đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng ký kết và cũng không chuyển giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng. Trên cơ sở ủy thác của ngân hàng trên, một công ty đã ra quyết định thu hồi chiếc xe trên, nhưng thực tế chưa thực hiện được. Mới đây, công ty thu hồi nợ gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm VN đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hồi nợ bằng cách “dừng kiểm định” đối với chiếc xe trên và “thông báo cho ngân hàng biết” khi xe được đưa đến làm thủ tục kiểm định.

{keywords}

Việc kiểm định nhằm đánh giá, xác nhận giá, tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện, không liên quan đến việc giải quyết tranh chấp tài sản.

Tương tự, Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing cũng có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm VN “phối hợp thu hồi tài sản nhà nước” đối với chiếc xe của một doanh nghiệp ở TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang). Theo đại diện của công ty cho thuê tài chính, đầu năm 2005, đơn vị này cho doanh nghiệp thuê xe con hiệu Toyota Zace BKS 29X- 02... Đến nay, giám đốc công ty bên thuê xe đã vắng mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và có dấu hiệu tẩu tán chiếc xe, dẫn tới việc bên cho thuê chưa thu hồi được tài sản. Vì vậy, VietinBank Leasing đề nghị Cục Đăng kiểm VN không gia hạn, cung cấp giấy phép để chiếc xe trên được đăng kiểm, lưu hành, đồng thời đề nghị thu giữ nếu phát hiện và thông báo ngay cho công ty.

Liên quan đến những vụ việc này, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN, cho biết, đây chỉ hai trong số hàng trăm trường hợp gần đây gửi văn bản đề nghị cục can thiệp, hỗ trợ để thu hồi xe ôtô mà người khác đang trực tiếp quản lý, sử dụng.

“Những trường hợp đề nghị cơ quan đăng kiểm ngừng đăng kiểm phương tiện đang có sự tranh chấp về quyền sở hữu đủ các thành phần. Từ đơn vị đòi nợ đến hộ kinh doanh cho thuê xe, các bên mua bán xe nhưng chưa thực hiện xong các nghĩa vụ với nhau, tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp về việc lãnh đạo cũ không bàn giao xe cho lãnh đạo mới”, ông Khanh nói.

Một số lãnh đạo trung tâm đăng kiểm cũng cho biết, thực tế còn có cả các trường hợp đến cơ quan đăng kiểm cung cấp biển số chiếc xe nào đó, nêu lý do xe đang tranh chấp và đề nghị không kiểm định. Cùng đó, họ còn nhờ gọi điện, báo tin nếu thấy xe đến làm thủ tục đăng kiểm.

Có ngừng đăng kiểm được không?

Một trong những lý do khiến nhiều người đề nghị cơ quan đăng kiểm can thiệp, dừng kiểm định xe đang tranh chấp với mục đích khiến phương tiện không đủ điều kiện lưu thông, tạo áp lực để các bên ngồi lại với nhau. Ngoài ra, cũng có người cho rằng, cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm dừng kiểm định với các trường hợp phương tiện đang có sự tranh chấp sở hữu.

Đề cập vấn đề cơ quan đăng kiểm có hay không ngừng kiểm định những trường hợp xe như trên, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Minh Cương cho biết, quan điểm của Cục là hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp về quyền tài sản hợp pháp đối với phương tiện. Tuy vậy, đăng kiểm là cơ quan quản lý Nhà nước về mặt an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông nên không thể ngừng đăng kiểm phương tiện nào đó theo đề nghị của doanh nghiệp, người dân.

“Đăng kiểm cũng không có thẩm quyền tạm giữ phương tiện hay chức năng thông báo cho một trong các bên có tranh chấp quyền sở hữu phương tiện về việc có phương tiện đến làm thủ tục đăng kiểm”, ông Cương nói.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân có đề nghị như trên khiến các bộ phận chức năng của cơ quan đăng kiểm thêm việc ngoài thẩm quyền. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan đăng kiểm sẽ trả lời, hướng dẫn để doanh nghiệp, người dân gửi đơn đến cơ quan chức năng khác như: Công an, tòa án... để được giải quyết.

“Cục Đăng kiểm VN chỉ thực hiện cảnh báo trên toàn hệ thống đăng kiểm và ngừng kiểm định đối với phương tiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Chẳng hạn như cơ quan công an có yêu cầu ngừng kiểm định đối với xe tang vật vụ án, hay lực lượng TTGT yêu cầu ngừng kiểm định đối với xe vi phạm luật giao thông nhưng chủ xe, người điều khiển phương tiện chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, ông Cương giải thích.

(Theo Xegiaothong)