- Đối với sinh viên, đi thực tập là để lấy thêm kinh nghiệm và kỹ năng ngành nghề mà mình đang theo học. Để có được kết quả thực tập tốt theo đúng nghĩa của nó không hề đơn giản. Có những bạn sinh viên phải trải qua tình huống “dở khóc dở cười”.
Khó khăn
Nhiều trường không trực tiếp liên hệ với cơ quan thực tập cho sinh viên, buộc sinh viên phải tự mình “bon chen” xin xỏ khắp nơi. Mặc dù được cấp cho tờ giấy giới thiệu của nhà trường, nhưng để tìm cho mình một địa chỉ thực tập vẫn hết sức khó khăn, bởi rất nhiều nơi nói “không” với sinh viên thực tập.
Ảnh minh họa. |
Thu là sinh viên năm thứ 2 khoa báo chí Trường CĐ Truyền hình. Thi xong học kỳ 3, Thu cũng giống như những bạn cùng khóa khác được nhà trường phát cho tờ giấy giới thiệu để đi xin thực tập. Với hộ khẩu Hà Nội, lẽ ra Thu có thể kiếm cho mình một địa chỉ thực tập ngay trên đất Hà thành. Thế nhưng, tờ giấy giới thiệu của cô bạn đi đến đâu cũng bị từ chối. Địa chỉ cuối cùng mà Thu tìm đến là Tạp chí VTC news, thấy người ta bảo ngồi đợi, tưởng rằng cơ hội đã đến. Nào ngờ phòng nhân sự vừa nghe thấy 4 từ “sinh viên thực tập” đã vội vã lắc đầu. Chán nản, Thu đành mang tờ giấy về một huyện nhỏ ở ngoại thành Hà Nội để xin thực tập bên đài phát thanh.
Kém may mắn hơn Thu, Huệ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) quê ở Ninh Bình quyết định ở lại Hà Nội với mong muốn tự mình tìm được một chỗ thực tập tốt. Không “rành” đường ở đất Hà Thành, Huệ chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chủ yếu. Chẳng hiểu lớ ngớ thế nào, ngay ngày đầu tiên cầm giấy đi xin thực tập, cô bạn đã bị kẻ gian móc mất điện thoại trên xe buýt. Không còn phương tiện liên lạc, Huệ đành bắt xe về quê cầu cứu sự giúp đỡ của gia đình.
“Kiếm cho mình một chỗ thực tập không khó, chỉ cần có người quen là mọi thứ “ok” hết” – Long, cậu sinh viên vừa được ông anh họ xa xin cho một xuất trong một tờ báo uy tín cho biết. Nhiều bạn sinh viên khác đồng quan điểm với Long, đều cho rằng có người quen thì không lo gì cả, chỉ cần “đặt đâu ngồi đấy” là mọi chuyện sẽ xong xuôi. Tuy nhiên, nhận định này không hoàn toàn đúng. Thực tế, không ít sinh viên tìm được cơ sở ưng ý cho mình thông qua bản lĩnh và năng lực hành nghề - điều mà bất cứ cơ quan, công ty nào cũng đặt lên hàng đầu.
"Những tình huống cười ra nước mắt”
Không phải cứ xin được chỗ thực tập tốt là có cơ hội khẳng định mình. Nếu không chuẩn bị kĩ năng ứng xử tốt thì sinh viên rất dễ gặp phải những tình huống éo le, dở khóc dở cười.
Trong một lần đưa em đi cấp cứu vào tối thứ 7 ở bệnh viện 103, Trang – sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, cô bạn đã chứng kiến cảnh bác sỹ lớn tiếng quát mắng sinh viên thực tập. “Anh học viên ấy vừa có lệnh của ông bác sỹ này là đi lấy kết quả xét nghiệm máu, ra đến cửa thì ông bác sỹ kia lại bắt đi tiêm thuốc cho bệnh nhân. Có lẽ vì lóng ngóng không biết làm việc gì trước nên anh ấy bị cả 2 ông bác sỹ chỉ trích”. Cũng là một sinh viên ngành y, chứng kiến cảnh tượng đó, Trang chỉ còn biết tặc lưỡi cầu nguyện năm sau mình thực tập sẽ không vướng phải tình huống đó.
Tuy nhiên, để nói đến tình huống “cười ra nước mắt” thì phải kể đến những tình huống của sinh viên báo chí. Kiếm cho mình một đề tài đã khó, thực hiện đề tài đó còn khó hơn. Để lấy thông tin, những cô cậu sinh viên học ngành này phải tự mình “bươn trải” khắp nơi và xin ý kiến của các chuyên gia mà bài báo đề cập đến.
Sau khi đắn đo lựa chọn đề tài, Hiền (thực tập một tờ báo phía Bắc) quyết định sẽ viết về vấn đề đằng sau cuộc bầu cử của xã mình. Tưởng rằng không đâu dễ lấy ý kiến bằng UBND xã, ai ngờ vừa vào đến cổng, chưa kịp trình bày vấn đề với bác bảo vệ xong thì H đã bị đuổi ra ngoài. Chán nản, Hiền đứng ngoài cổng với hy vọng gặp được ai đó để bày tỏ “nỗi lòng”, mong được giúp đỡ. Đúng lúc đó, có một bác lớn tuổi đi vào, vừa nhìn thấy Hiền, ông ấy đã quát lớn “Đây không phải là chỗ chơi, chờ ai thì tránh ra chỗ khác mà chờ!”.
Chuyện của Thu, Huệ, Hiền hay những sinh viên Học viện Quân Y chỉ nằm trong số ít những tình huống trớ trêu của sinh viên thực tập. Có người không gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nhưng cũng chỉ vì không có việc gì làm, ngồi mãi một chỗ mà đâm ra chán nản, nhụt chí, không còn hứng thú với nghề. Trường hợp sinh viên bỏ nghề mình đang theo học chỉ sau một kỳ thực tập không phải là không có.
Điều đó cho thấy, việc giáo dục những kỹ năng ứng xử phù hợp với ngành nghề của mình cho sinh viên trước kỳ thực tập là vô cùng quan trọng. Cần phải cho sinh viên học cách giải quyết tình huống ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đừng để họ thấy “nản” khi mới bước đầu tiếp cận vào nghề nghiệp.
- Minh Hiền (Lớp CBC5D, Trường CĐ Truyền Hình, Thường Tín)