"Chúng tôi xét thấy rằng không nên cấm người đồng tính do bẩm sinh kết hôn vì họ đáng được hưởng những quyền bình đẳng như bao người khác, họ không có được sự lựa chọn về giới tính của mình nên chúng ta hãy cho họ cơ hội lựa chọn người bạn đời của mình..." - Độc giả Trương Hồng Quang bày tỏ.

Việt Nam có truyền thống pháp luật giống với hệ thống luật Civil Law (luật thành văn), trong đó các mối quan hệ trong xã hội được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, có thể nói điểm yếu của hệ thống này là ở chỗ các mối quan hệ xã hội biến đổi từng ngày, từng giờ, có lúc quan hệ này hôm nay chưa quan trọng nhưng hôm sau đã trở thành quan hệ có ảnh hưởng lớn đến xã hội, và các văn bản pháp luật nhanh chóng bi lỗi thời và lạc hậu khi không theo kịp các biến đổi này, khi đó sẽ trở thành vật cản của tiến trình phát triển xã hội.

 Trong các mối quan hệ xã hội có sự biến đổi lớn trong những năm gần đây cần phải nói đến quan hệ của những người đồng tính và việc kết hôn của họ.

Nhiều đám cưới đồng tính được âm thầm tổ chức, khách mời chủ yếu là bạn bè và những người cùng cảnh ngộ hoặc các thành viên trong cùng một câu lạc bộ của người đồng tính.

Đa phần các đám cưới này rất nhỏ, và đơn giản không rình rang, nhiều nghi thức như đám cưới của người dị giới, nhưng vẫn đủ các phần chính như trầu cau, sính lễ, cắt bánh kem, rót rượu.

Từ đó ta thấy được nhu cầu được kết hôn và sống như vợ chồng của người đồng tính là rất lớn và đáng được quan tâm.

Quốc hội chính thức ra đạo luật cấm hôn nhân đồng tính ký vào tháng 6/1998. Theo khoản 5, Điều 10, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Việt Nam quy định, cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Năm 2008, Chính phủ ban hành nghị định xác định lại giới tính với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hay giới tính chưa định hình rõ ràng. Tuy nhiên những người này lại không phải là người đồng tính.

Hình ảnh trong đám cưới đồng tính nam tại TP.HCM của cô dâu và chú rể có tên thân mật trên FB là Pin và Nel giữa năm 2011.

Một trong những nguyên nhân khiến pháp luật Việt Nam cấm kết hôn giữa những người đồng tính đó là truyền thống văn hóa xã hội, nhiều người cho rằng các quốc gia phương Tây như Mỹ cho kết hôn đồng tính vì họ là một quốc gia hợp chủng quốc. Truyền thống văn hóa của họ chỉ vỏn vẹn hơn 300 năm, còn nước ta có hơn 4000 năm văn hiến, nên không thể chấp nhận một hình thức kết hôn trái tự nhiên như vậy.

Theo nhóm chúng tôi, việc suy nghĩ như vậy là có phần độc đoán và cố chấp, chúng ta thường lấy truyền thống làm cơ sở để xây dựng một con người nhưng xét cho cùng truyền thống văn hóa cũng để phục vụ cho con người, để con người có cuộc sống hạnh phúc về tinh thần lẫn thể xác. Vậy tại sao lại lấy truyền thống văn hóa ra làm rào cản để không cho người đồng tính có quyền được hạnh phúc.

Bên cạnh đó, nếu ta xét cặp vợ chồng bình thường nhưng đời sống hôn nhân không êm ấm, dẫn đến cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”; và một cặp đồng tính yêu nhau thật sự và sống chan hòa với nhau thì bên nào sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống nhiều hơn?

Chúng tôi xét thấy rằng không nên cấm người đồng tính do bẩm sinh kết hôn vì họ đáng được hưởng những quyền bình đẳng như bao người khác, họ không có được sự lựa chọn về giới tính của mình nên chúng ta hãy cho họ cơ hội lựa chọn người bạn đời của mình; nhưng vấn đề chính là những người đồng tính giả sẽ lợi dụng việc này để thỏa mãn sở thích, tính hiếu kỳ và khi đó sẽ gây ra những vấn nạn trong xã hội. Vậy có cách nào để xác định người đồng tính thật và đồng tính giả?

Trên thế giới chưa có công trình khoa học hay y học nào cho phép xác định được ai là đồng tính bẩm sinh. Cũng có những người bẩm sinh không bị đồng tính nhưng một biến cố trong cuộc sống như: bị mất cơ quan sinh dục đối với nam, bị người cùng giới bắt quan hệ tình dục, … khiến họ thay đổi quan niệm về giới tính của mình và sau đó họ bước vào thế giới thứ ba, điều này không giống với “đồng tính giả” là hành vi theo mốt, bắt chước hay lệch lạc về tâm lý hoàn toàn họ không phải đồng tính, sau một thời gian ngắn, tự họ hoặc thông qua điều trị tâm lý, họ sẽ quay lại giới tính gốc.

Do đó có thể nói rằng khó khăn lớn nhất nếu ta cho người đồng tính kết hôn là việc xác định giới tính của họ là do bẩm sinh hay là “đồng tính giả” tại thời điểm họ đăng ký.

Độc giả Trương Hồng Quang
(Bộ Tư pháp)